Tòa án quân sự Moskva mới đây đã chính thức mở phiên tòa xét xử về tội danh đào ngũ và phản bội tổ quốc đối với Alexander Poteev, một cựu phó phòng trong Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), kẻ đã chỉ điểm cho mật vụ Mỹ cả một mạng lưới điệp viên của Nga trên đất Mỹ.
TIN BÀI KHÁC
Kẻ bị dân vây thừa nhận sàm sỡ bé gái
Xót xa bé 12 tuổi gốc Việt bị sát hại tại Mỹ
Nhìn thầy tử nạn, thí sinh bủn rủn làm bài
Xót xa bé 12 tuổi gốc Việt bị sát hại tại Mỹ
Nhìn thầy tử nạn, thí sinh bủn rủn làm bài
Bắt nguồn từ lời khai của tên phản bội này, người Mỹ đã bắt giữ và trục xuất 10 điệp viên mật của SVR vào mùa hè năm ngoái. Có điều phiên tòa đã diễn ra với sự vắng mặt của bị cáo - chính tay cựu đại tá tình báo này được cho là đang sống tại Mỹ với vỏ bọc mới và chắc chắn không có ý định quay trở lại nước Nga…
Alexander Poteev (giữa) trong thời gian hoạt động tại Afghanistan cuối những năm 70 thế kỷ XX. |
Có lẽ vì nhiều lý do liên quan đến bí mật quốc gia, các nhà chức trách đã quyết định mở phiên tòa xét xử kín đối với Poteev. Tất cả các nhà báo đều không được phép tham dự, trong khi gần như không có bất cứ một thông tin nào về phiên tòa được công bố.
Đại diện chính thức của Tòa án Ludmila Klimenko chỉ thông báo ngắn gọn rằng, phiên tòa có sự tham gia của 3 thẩm phán chuyên nghiệp, đại diện Viện Kiểm sát quân sự cùng với luật sư của bị cáo do tòa chỉ định. Cũng theo bà Klimenko, trong ngày xét xử đầu tiên, tòa đã tập trung nghe lời khai của các nhân chứng và nghiên cứu một số bằng chứng khác.
Bị cáo Alexander Nicolaevic Poteev sinh ngày 7/3/1952 tại tỉnh Bresk. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, anh ta chuyển sang làm việc cho một cơ quan trong Ủy ban An ninh quốc gia. Sự nghiệp công danh của Poteev được đánh giá là khá thuận lợi. Từ bộ phận KGB ở địa phương, anh ta được chuyển lên trụ sở KGB tại Minsk (Belarus), rồi lên cơ quan cao nhất của KGB tại Moskva.
Tính ra, Alexander Poteev đã có thâm niên phục vụ cho tình báo Nga (cũng như tình báo Xôviết trước đây) trong suốt 30 năm. Chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên của Poteev là tới Afghanistan, trong thành phần đơn vị đặc biệt "Zenit" của KGB hồi cuối những năm 70. Trong những năm 80, 90, Poteev là thành viên thuộc Tổng cục I của KGB thường xuyên hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới với vỏ bọc nhân viên ngoại giao. Anh ta chỉ thỉnh thoảng quay về nước trong một thời gian ngắn để nhận các quyết định thăng chức hay khen thưởng.
Được coi là một chuyên gia về nước Mỹ, Poteev vào năm 2000 đã được giới lãnh đạo cơ quan tình báo yêu cầu quay trở lại Moskva định cư và công tác dài hạn với nhiệm vụ chính là điều hành và hướng dẫn về nghiệp vụ hoạt động cho các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn tại nước ngoài. Kết quả là tay điệp viên thâm niên này trở thành chỉ huy phó "Phòng nước Mỹ" trong thành phần Cục "C" của SVR, nơi chuyên đảm trách điều hành hoạt động của các điệp viên mật tại nước ngoài.
Alexander Poteev đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tình báo của Nga tại Mỹ trong suốt 10 năm, bất chấp việc đã có nhiều dấu hiệu đáng ngờ trong cuộc sống của anh ta được ghi nhận. Năm 2002, con gái Poteev sau khi tốt nghiệp đại học đã ký được ngay hợp đồng với một hãng tư vấn có uy tín để tới làm việc tại Mỹ. Hai năm sau, đến lượt cô vợ (vốn chỉ ở nhà làm nội trợ) cũng chuyển sang định cư tại Mỹ.
Nhóm điệp viên Nga bị Poteev chỉ điểm thật ra đã nằm trong vòng giám sát của CIA trong suốt 5 năm. Hơn nữa, họ còn bị cung cấp nhiều thông tin giả nhằm "gây nhiễu" cho hoạt động tình báo của Nga. Đến năm 2010, SVR bắt đầu nghi ngờ trong nội bộ của mình có một kẻ phản bội cỡ lớn, nhưng không thể lần ra. Cơ quan Phản gián đã lên kế hoạch kiểm tra tất cả các nhân viên Cục "C" bằng máy phát hiện nói dối. Khi biết được điều này, Poteev đã khẩn trương tiến hành những bước đi cuối cùng của kế hoạch đào thoát.
Đầu năm 2010, cậu con trai cả của Poteev, là nhân viên một công ty xuất khẩu vũ khí của Nga, cũng chạy nốt sang Mỹ. Bản thân Poteev để chuẩn bị cho cuộc chạy trốn của chính mình đã xin cấp chỉ huy nghỉ phép vào tháng 6 năm ngoái. Với lý do thăm họ hàng, Poteev tới Belarus và từ đây chạy thẳng sang phương Tây chỉ vài ngày trước chuyến công du của Tổng thống Medvedev tới Mỹ.
Theo các cựu đồng nghiệp của Poteev, tay đại tá này cùng gia đình ông ta từ lâu đã có mong muốn tới định cư tại Mỹ. Có lẽ để hiện thực hóa "giấc mơ" này, ông chủ gia đình đã quyết định hợp tác với Cơ quan Mật vụ Mỹ. Bằng cách khai ra các điệp viên mật do mình điều hành, tay sĩ quan tình báo Nga đã "tậu" được một suất cư trú chính trị cũng như tiền bạc trang trải cho cuộc sống sau này.
Hậu quả từ hành động phản bội của Poteev đã được công khai vào tháng 6 năm ngoái, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về việc bắt giữ 10 điệp viên mật của Nga, trong đó có nữ điệp viên nổi tiếng Anna Chapman. Theo đánh giá của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), cái giá phải trả cho hành động phản bội của Poteev chính là sự tan rã của toàn bộ mạng lưới điệp viên mật của Nga tại khu vực Bắc Mỹ. Để giải cứu cho các điệp viên của mình, Moskva đã buộc phải trao đổi với Mỹ 4 công dân Nga bị bắt giữ trước đó vì tội làm gián điệp cho Washington.
Có thể nói rằng, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng từ hành vi phản bội của Poteev, phiên tòa xét xử ông ta về cơ bản chỉ mang tính hình thức. Cho dù phải nhận bất cứ bản án nào, Poteev và gia đình ông ta từ lâu đã ẩn náu an toàn tại Mỹ trong khuôn khổ chương trình bảo vệ nhân chứng của Washington. Moskva chắc chắn cũng không yêu cầu đòi dẫn độ Poteev, do vụ bê bối tình báo nảy sinh vào mùa hè năm ngoái đã được giải quyết xong - hai tổng thống Nga và Mỹ đã có cuộc gặp riêng để thỏa thuận trao đổi các điệp viên bị hai bên bắt giữ từ trước đó
(Theo An ninh thế giới)