Sau một thời gian sân khấu nhạc Việt được khuấy động bằng những “hoàng tử”, “công chúa” thì nay khán giả bị “giày xéo” bởi dòng nhạc... “thảm họa”.

TIN BÀI KHÁC:


Nhạc teen

Cách đây 2-3 năm, khi nhạc teen “thống lĩnh” sóng truyền hình, sân khấu, không ít khán giả trẻ tôn thờ, kêu vang tên thần tượng của mình bất kể đêm ngày. Chính lẽ đó, các ca sĩ “quá lứa” không chịu “lép vế” cũng đành “cưa sừng làm nghé” hòa theo dòng chảy của thị hiếu.


Phương My và Phi Thanh Vân- những “ngôi sao” của dòng nhạc “thảm họa”.


Bất chấp những lai tạp nhiều nền văn hóa khác nhau, ca sĩ Việt vẫn biến mình thành “hoàng tử trong câu chuyện cổ tích” (như phim truyền hình “Được làm hoàng hậu”) hay “Hamters yêu” (cũng tương tự hình ảnh “rùa con” trong phim “Tình cờ” – một thời từng hot ở Việt Nam).

Lúc bấy giờ, chỉ cần dạo quanh sân khấu, “4rum” âm nhạc, video clip sẽ bắt gặp không ít các kiểu tomboy, ung thư, mất trí nhớ... lẫn cú hất ngực, nụ cười hay điệu nhảy của những nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc như BoA, Bi (Rain), SNSD...

Không mới, nhưng sự ngô nghê và bắt chước cứ thế tấn công vào thị trường âm nhạc Việt suốt ngày, tháng. Những cái nhìn dễ dãi cho các sản phẩm âm nhạc ngày một nhiều dấy lên lo ngại cho thẩm mỹ âm nhạc trong giới trẻ.

Nhưng nói một cách nào đó, dòng nhạc “teen” với những bài hát có ca từ dễ thương, vui nhộn, giai điệu dễ nhớ... đã mang lại một làn sóng đầy màu sắc mới mẻ, thú vị cho thị trường âm nhạc Việt. Đúng như lời Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng nói: “Thẩm mỹ âm nhạc của mỗi người sẽ quyết định sự lựa chọn của họ. Những thứ âm nhạc không có giá trị nhất định sẽ bị thời gian đào thải".

Và thảm họa

Đúng như những gì nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã phát biểu, sau một thời gian tung hoành nhạc teen, các ca sĩ dần dần từ bỏ hình ảnh trong sáng, dễ thương, nhí nhảnh... định hình ở những phong cách chín chắn, trưởng thành đúng với số tuổi của mình để chinh phục đa tầng lớp khán giả hơn như: Lương Bích Hữu, Thủy Tiên, Yến Trang... Nhưng giữa thời thế nhà nhà làm nghệ thuật, người người làm ca sĩ thì cơ hội nào để khẳng định mình luôn được bỏ ngỏ.

Chúng ta nên phân biệt giữa loại hình âm nhạc giải trí và nghệ thuật. Với những ca khúc mang tính giải trí, người ta chỉ nghe vì tò mò mà không để lại một ý nghĩa nào cả.

Nhạc sĩ Đức Trí

Sau Teen pop, dòng “thảm họa” lên ngôi. Dưới con mắt của nhà kinh doanh, Phi Thanh Vân, Phương My... rất thành công khi tạo nên (hoặc “ăn theo”) “thương hiệu” chính mình. Bởi, họ đắt sô, bán chạy album của mình. Nhưng có lẽ “thảm họa” có phần thua thiệt, đối lập với nhạc “teen”, bởi, nó là “mảng tối”, cam chịu búa rìu của dư luận.

Dòng chảy âm nhạc như những bộ cánh thời trang làm nên trào lưu nhất thời, khi “lỗi mốt” khán giả không ngần ngại tiện tay vứt bỏ. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nói: “Hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn nháo nhào, chưa định hình và cũng không có xu hướng rõ ràng. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, những giá trị giải trí ngắn hạn, thời trang ắt sẽ bị đào thải khi mọi thứ trở nên chuyên nghiệp hơn”.

Sở dĩ có nhiều ca khúc kém chất lượng tồn tại và lan truyền mạnh mẽ trong suốt thời gian qua là do người nghe có xu hướng tò mò, thích cái lạ, cái mới lẫn bị “kích thích” bởi số đông.

(Theo Dân Việt)