Vốn là những tuyệt sắc giai nhân, họ - người ồn ào ở chốn “lầu son gác tía”,
người nghe tên “đã đầy quyền lực”… Thế nhưng, trong những năm tháng cuối đời, họ
lại sống thực sự cô quạnh và ẩn dật.
Được vua yêu tha thiết… ruồng bỏ thiết tha
Thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, là bà Bùi
Mộng Điệp, vừa qua đời tại bệnh viện Saint Antonie (Pháp), sau ca phẫu thuật tim
không thành công, thọ 87 tuổi.
Theo nhiều tài liệu, sau Nam Phương Hoàng Hậu, bà Mộng Điệp là người phụ nữ được
gần gũi Bảo Đại nhiều nhất và thậm chí, là người được ông hoàng này yêu quý hết
mực.
Thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, là bà Bùi Mộng Điệp, vừa qua đời tại bệnh viện Saint Antonie (Pháp), ngày 26/6.
Bà Mộng Điệp sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, gặp cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội năm
1945, khi ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó,
bà Mộng Điệp là một vũ nữ nổi danh Hà thành, mới 21 tuổi; còn Bảo Đại vừa từ giã
ngai vàng ở tuổi 32 và họ đã phải lòng nhau, dù người đẹp đã có một đời chồng
(thầy thuốc-bác sĩ Phạm Văn Phán nổi tiếng ở Hà Nội lúc đương thời) và một đứa
con riêng (hiện sinh sống và làm trong ngành ngân hàng ở Pháp).
Cựu hoàng và bà Mộng Điệp về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo.
Tháng 3/1946, cựu hoàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Trung Quốc và lưu lại
nước ngoài trong một sứ mệnh ngoại giao. Sau năm 1949, khi Bảo Đại từ Hongkong
về nước, bà luôn luôn được gần gũi cựu hoàng đế. Thậm chí, ở Đà Lạt, Bảo Đại còn
dành tặng cho bà một toà nhà riêng, gần biệt điện hoàng đế để tiện sớm tối kề
cận. Khi tháp tùng cựu hoàng sang Pháp về sống ở Cannes, bà cũng tậu một biệt
thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia.
Khi Bảo Đại lên Buôn Ma Thuột, trông nom văn phòng Hoàng triều cương thổ (vùng
đất trên cao nguyên mà Pháp dành riêng cho triều Nguyễn) bà cũng được tháp tùng.
Đây là quãng thời gian đẹp và hạnh phúc nhất của hai người. Nhờ khéo cư xử, bà
Mộng Điệp không chỉ được Bảo Đại thương yêu, chiều chuộng; mà cả đức Từ Cung quý
mến, "ban mũ áo" sau khi làm lễ trước bàn thờ tổ tiên trong Đại Nội, chính thức
công nhận là thứ phi. Bà cũng được thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc
tế lễ (vì bà Nam Phương là người theo Thiên Chúa giáo).
Năm 1953, bà được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của
triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng
do chiến tranh ác liệt, bà ở lại luôn bên đó. Lúc đầu, bà mướn nhà ở gần lâu đài
Thorenc, sau đó lên Paris định cư, bà sống ẩn mình trong một căn hộ ở quận 12,
TP Paris. Cuộc sống nơi đất khách có lúc khó khăn về kinh tế nhưng bà sống tự
lập, không nhờ vả đến sự giúp đỡ của chính phủ Pháp..
Sinh cho vua Bảo Đại 3 người con: có một con gái là Phương Thảo (1946) và hai
con trai Bảo Hoàng (1954-1955) và Bảo Sơn (1955-1987), nhưng thứ phi Mộng Điệp
trong những năm tháng tuổi già, vẫn phải sống cô quạnh vì cựu hoàng Bảo Đại đi
theo những tình nhân và những cuộc vui khác.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, những năm tháng cuối đời, bà Mộng Điệp mong
được về sống tại quê nhà để khi khuất núi sẽ được táng gần lăng mộ Đức Từ Cung ở
Huế, nhưng cuối cùng không thực hiện được. "Bà Mộng Điệp còn lưu giữ nhiều tài
liệu quý về cựu hoàng Bảo Đại. Dù xa quê hương bà vẫn lo hương khói cho Đức Từ
Cung và vua Bảo Đại trong chính căn nhà của mình trên đất Pháp", ông Xuân nói.
Có thể nói, bà Mộng Điệp chính là “người thứ 3” khiến cựu hoàng Bảo Đại vội quên
lời hứa "một vợ một chồng" với hoàng hậu Nam Phương - được ông thực hiện suốt
thời gian ngồi trên ngai vàng (1932-1945).
Theo sử sách, để lấy được Nam Phương Hoàng Hậu (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan),
cựu hoàng đã phải chấp nhận các điều kiện gắt gao mà nhà gái đặt ra. Đó là: phải
tấn phong cho Nguyễn Hữu Thị lan làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới
(các bà vợ của 12 đời vua trước đó chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết
mới được truy phong Hoàng hậu); lễ cưới của hai người phải được tòa thánh La Mã
cho phép một cách đặc biệt; sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan có quyền được giữ
nguyên đạo công giáo và các con, khi sinh ra, phải được rửa tội theo luật công
giáo và giữ đạo; Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
Bà Nguyễn Hữu Thị Lan đã được sắc phong Hoàng hậu, tước vị Nam Phương hoàng Hậu
với ý nghĩa ví nàng như là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud), chỉ sau 1
ngày tổ chức hôn lễ. Khi đó, Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19
tuổi.
Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép Nam Phương
hoàng hậu được phục sức màu vàng - màu trước đó vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế.
Sau lễ cưới, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu
vực cấm thành. Điện này xây cất từ thời vua Khải Định nhưng được sửa chữa và tân
trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều vua Bảo Đại.
Nam Phương hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ
cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin
nước Pháp. Dân làng Chabrignac kể rằng, bà Nam Phương giàu có, nhưng sống thiếu
hạnh phúc. Bao nhiêu năm chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại về thăm mấy lần. Buồn nản vì
tình cảm của mình, bà Nam Phương chỉ sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Họa
hoằn bà mới về thăm Paris vài ngày…
Nam phương hoàng hậu mất ngày 16/9/1963 và được chôn cất tại nghĩa địa
Chabrignac. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ
tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp với nội dung: Mộ
phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam và Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu
An Nam nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan.
Giai nhân quyền lực một thời
Trần Lệ Xuân là một người con dâu đặc biệt trong dòng họ Ngô Đình. Bà chỉ là vợ
của người em trai kiêm cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu nhưng luôn ngự trị như một
đệ nhất phu nhân và có nhiều hành động tự tung tự tác trong xã hội, trắng trợn
đến mức đã gây nên rất nhiều điều tiếng không hay trong dư luận.
Theo một số nguồn tư liệu, Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế (cũng có tài liệu
ghi là Hà Nội) trong một gia đình rất có máu mặt. Xét về phả hệ, trong huyết
mạch Trần Lệ Xuân có cả dòng máu của vua Đồng Khánh. Cha Trần Lệ Xuân là ông
Trần Văn Chương, một vị luật sư thời đó.
Trần Lệ Xuân chỉ là vợ của người em trai kiêm cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu nhưng luôn ngự trị như một đệ nhất phu nhân.
Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn với Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật theo đạo Thiên
chúa của gia đình chồng. Với bản tính "sâu sắc như cơi đựng trầu", Trần Lệ Xuân
đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới "nghiệp lớn" của gia đình chồng, vốn tự thân nó đã
bị điều tiếng không ít. Trần Lệ Xuân được bầu vào quốc hội Sài Gòn (tức là làm
dân biểu), được giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới. Ngồi ở cương vị cao và
luôn bị thiên hạ trông vào, Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên cách hành xử đành hanh,
lộ liễu và rất nhiều khi khinh suất.
Tháng 11/1963, khi cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm-Nhu xảy ra dẫn đến việc hai
người này bị ám sát, bà Xuân và con gái đang có mặt ở Mỹ. Sau đó, bà sang Italy
sống một thời gian. Những năm tháng cuối đời, bà Xuân sống kín tiếng ở Pháp đến
nỗi nhiều người Việt cư trú lâu năm ở đây và có những mối quan hệ rộng rãi vẫn
tưởng bà ta đang ở tít tận bên Italia…
Tại một tòa nhà gần tháp Eiffel, bà ở một căn hộ, có hai phòng ngủ và một phòng
khách; còn căn hộ kia thì cho thuê, để có thêm tiền sinh hoạt…
Luật sư Trương Phú Thứ, người có liên hệ thường xuyên với bà Lệ Xuân, cho hay,
bà cố vấn qua đời tại một bệnh viện ở Rome (Italy) lúc 2h sáng 24/4, thọ 87
tuổi.
(Theo Đất Việt)