Gần đây, tình trạng bọ xít đốt người hàng loạt lại tiếp tục xảy ra tại Hà Nội khiến người dân vô cùng hoang mang.

TIN BÀI KHÁC

Ngày 14/7, gia đình anh Nguyễn Văn Lệnh hiện trọ tại số nhà 36, ngách 26+27, dốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho Dân Trí biết, khoảng 3h30 sáng anh lại bị bọ xít đốt.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu anh Lệnh bị bọ xít đốt, trước đó tối ngày 10/7, khi đang nằm ngủ, anh thấy đau nhói ở tay, khi đập vào chỗ đau, anh bắt được một con bọ xít. Vết bọ xít đốt sưng tấy, khiến anh ngứa ngáy, đau rát và hâm hấp sốt nên phải vào Viện 354 khám ngay trong đêm.

Chỉ trong vòng có 4 ngày mà anh Lệnh đã bị hai lần bọ xít đốt nên anh và những người dân sống quanh khu vực này vô cùng hoang mang.


Bọ xít hút màu người từng được ghi nhận xuất hiện tại Hà Nội vào tháng 6/2010 (Ảnh: SGTT)

Cùng ngày , TS Trương Xuân Lam, trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho biết, một tháng trở lại đây, số người thông báo bị bọ xít đốt gây sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu khá đông.

Từ đầu mùa hè, viện đã phát hiện 7 ổ bọ xít từ 30 – 50 cá thể, rải rác ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Gia Lâm… nhưng viện cũng không đủ nhân lực để đi diệt ổ bọ xít, nên chỉ có thể tự hướng dẫn người dân.

Trước đó, vào khoảng tháng 9/2010, tại nhà bà Lưu Thị Ninh (xóm 3, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm) đã phát hiện một ổ bọ xít. Các cán bộ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đến kiểm tra phát hiện ổ bọ xít hút máu người này vô cùng lớn với hơn 1.000 cá thể trong đống củi.

Sau đó, TS Trương Xuân Lam đã tiến hành mổ 7 con bọ xít và thấy chúng đều có máu và ký sinh trùng. Điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là không tìm thấy dấu vết của đàn chuột nào gần ổ bọ xít, nhưng bọ xít lại được cung cấp nhiều máu. Theo họ, có vẻ như ổ bọ xít nào càng gần khu vực người dân sinh sống thì càng to.

Bị bọ xít đốt phải làm gì?


Theo các chuyên gia, nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm). Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

Để phòng, chống bọ xít hút máu, mỗi người nên thường dọn dẹp nhà cửa, gậm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít.

Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người. 


Mẫn Chi (tổng hợp)