Trong khi cả nhà mải làm cỗ, thì bé Huệ (2 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình) đang chơi ở gần đó đã không may ngã vào nồi nước canh 20 lít, khiến bé bị bỏng toàn bộ phần mông, lưng và bộ phận sinh dục.

Đêm 14/1, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), đã cấp cứu một ca bị bỏng rất nguy hiểm do ngã vào nồi nước canh.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng quốc gia, bé Huệ được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị bỏng độ 3, tỷ lệ bỏng chiếm 15% diện tích cơ thể, trong đó bỏng sâu chiếm tới 14%. Do nồi canh quá lớn nên toàn bộ phần mông, lưng, bộ phận sinh dục của bé bị bỏng nặng, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các bác sĩ cho biết vết thương sẽ để lại nhiều di chứng sau này.

Điều đáng nói hơn cả là hoàn cảnh gia đình bé. Từ hôm đưa con vào viện hai vợ chồng anh Đức người thì ăn mì tôm, người thì ăn cơm bụi cầm chừng để dành tiền lo cho con. Mấy hôm nay bé Huệ quấy khóc suốt phần vì đau, phần vì đói do vợ chồng anh hết tiền để mua sữa. Một y tá cho biết, bé Huệ đang có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn da nên bị sốt cao liên tục, nếu bé không được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như khả năng hồi phục.

Bé Huệ đang được điều trị tại Viện bỏng Quốc Gia. Ảnh: VnExpress

Với vết bỏng này, bé Huệ sẽ phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật vì mức độ bỏng quá sâu. Trong thời gian tới, bé Huệ sẽ phải mổ cấy ghép da và chi phí chắc chắn sẽ rất lớn. Anh Đức đang rất lo lắng vợ chồng anh cũng chỉ làm ruộng, không biết sẽ phải lấy tiền ở đâu để lo chữa trị cho con.

Việc trẻ em bị bỏng nước sôi, bỏng canh do sự bất cẩn của người lớn không phải là ít. Tối 28/9/2010, Khoa Hồi sức Nhi - bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một bé gái bị bỏng rất nặng từ bệnh viện huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) chuyển ra trong tình trạng rất nguy kịch. Sự việc xảy ra khi, ông ngoại của cháu Hồ Thị Ngọc (3 tuổi, là người dân tộc Ca dong) đang nấu nồi nước sôi thì Ngọc đi ngang qua và vô tình ngã vào nồi nước sôi gây bỏng rất nặng ở vùng tay, lưng, chân.

Các bác sĩ ở Khoa hồi sức nhi cho biết, cháu Ngọc bị bỏng 42%, độ 2-3, hoại tử thứ phát. Hiện cháu phải thở máy, điều trị kháng sinh mạnh phối hợp, chống choáng... Theo các bác sĩ, với mức độ bỏng như trên tiên lượng cháu Ngọc khó qua khỏi nhưng hiện nay các bác sĩ vẫn cố gắng chữa trị cho cháu.

Sáng 30/9/2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cũng tiếp nhận một ca bị bỏng nước sôi. Nạn nhân là cháu bé Võ Đường Thiên Kim, 9 tháng tuổi, trú tại xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bỏng nặng phần tay phải, ngực và đùi phải do ngã vào phích nước sôi để giữa nhà. Sau khi phát hiện sự việc, cháu bé đã được gia đình đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 17/9/2010 Bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi là cháu Văn Thị Như Ngọc, 1 tháng tuổi, trú tại phường Đồng Phú, TP Đồng Hới cũng bị bỏng nước sôi độ 1 với diện tích 30% cũng do sự bất cẩn của người nhà.

Bên cạnh những ca bị bỏng do nước sôi, từ đầu mùa rét năm nay cũng đã xảy ra nhiều vụ bỏng do sử dụng các biện pháp sưởi ấm để tránh rét. Qua những vụ việc trên các bác sĩ cũng khuyến cáo người lớn nên cẩn thận, khi để những đồ chứa nước nóng thì cần phải quan sát ký, tránh những chỗ trẻ hay chơi đùa. Sau khi sơ cứu phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện nơi gần nhất. Tuyệt đối không được đụng vào hoặc bóc lớp da phồng, không bôi kem đánh răng, nước mắm vào vết thương, không nên sử dụng chất liệu vải, bông vì chất liệu này có thể dính chặt vào vết bỏng.

V.L