- Khi thị trường vàng mã bình dân như quần áo, cá chép không còn đủ sức hút với những đại gia lắm tiền thì mặt hàng ô tô, xe máy, nhà lầu lại vô cùng nhộn nhịp.

Dù giá cả các mặt hàng cõi âm năm nay được nhận định tăng từ 10-30% so với năm trước nhưng các mặt hàng vàng mã vẫn vô cùng đắt khách. Trong khi nhiều người lo cháy hàng dịp sát tết nên tranh thủ sắm đồ ông Công, ông Táo từ sớm thì các vị đại gia lại ung dung vì đã đặt hàng… cả tháng trước.

  Các mặt hàng điện tử, điện lạnh được nhiều khách hàng ưa chuộng (Ảnh: Dân trí)
Những ngày này, các làng nghề tại Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) đang vào cao trào mùa vụ. Chị Đặng Thị Xuân (Đông Hồ) cho biết bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hàng năm là mọi nhà trong làng đã tấp nập chuẩn bị hàng tết, thời điểm này sân nhà nào cũng đầy ắp nào giấy màu, giấy bóng, nan, lạt buộc…. Hàng sản xuất ra không kịp đổ buôn cho các mối.

Tuy nhiên chị Xuân cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, thay vì chỉ chuyên tâm sản xuất các mặt hàng truyền thống như mũ, cá chép, ngựa giấy… nhiều gia đình mở rộng sản xuất theo đơn đặt hàng các loại vàng mã “hàng hiệu” khác như xe máy, ô tô, nhà lầu rồi đến cả máy giặt, máy tính, ti vi, tủ lạnh, điện thoại…

Với tâm lý “trần sao âm vậy” nên thị trường tiêu dùng các loại vàng mã hàng hiệu ngày càng hút khách. Một chiếc xe máy hiệu dream loại nhỏ cũng có giá thấp nhất từ 70.000 đồng, xe SH có giá 100.000 – 150.000 đồng. Mỗi chiếc xe ô tô loại 4 chỗ có giá 150.000-200.000 đồng. Còn dòng xe 7 chỗ giá khoảng 170.000-250.000 đồng. Riêng một số dòng “siêu xe” như Rolls-Royce, Maybach, Lexus... với giá khoảng 270.000-300.000 đồng một chiếc.

Anh Nguyễn Văn Hoài, người từng có thâm niên làm nghề vàng mã tại Phúc Am cho biết những năm trước người dân thường chuộng mua các loại xe máy nhưng năm nay mặt hàng này bắt đầu chững lại, nhường chỗ cho ô tô lên ngôi.

Ô tô hút khách hơn xe máy (Ảnh: Dân Việt)
Để cho đồng bộ, một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự. Anh Hoài cho biết các mặt hàng này rất đắt, giá thấp nhất cũng đã 4-5 triệu/cái, những loại to hơn có khi giá lên tới cả trên chục triệu đồng nên thường các hộ không mấy khi tự sản xuất, chỉ khi có đơn đặt hàng mới làm. Khi hoàn thiện khách sẽ cho xe đến tận nơi lấy.

Chị Thanh, chủ cửa hàng số 39 hàng Mã cũng tiết lộ những mặt hàng xa xỉ dạng này các cửa hàng cũng rất ít lấy “Thường chúng tôi chỉ lấy những loại có giá vài trăm ngàn/sản phẩm. Để tránh né các cơ quan quản lý thị trường hàng này phải cất kĩ, ai có nhu cầu mới lấy ra xem”.

Gặp một vị khách đi ô tô về tận làng Phúc Am lấy hàng, chị cho biết bố chồng xưa làm quan to ở tỉnh nên mỗi dịp Tết đến là phải sắm sửa cho đầy đủ. “Năm nào tôi cũng phải thay nhà, thay xe cho cụ. Giờ hiện đại nên phải sắm thêm cả điều hòa, máy tính rồi phải thêm ô sin, máy giặt. “Trần sao âm vậy” mà, mình đủ đầy nên không thể để các cụ thiếu túng được. Tính sơ sơ bộ này cũng ngót nghét cả 20 triệu đồng rồi đấy”.

Dù chỉ là đồ để đốt nhưng xem ra sự xa hoa cũng xâm lấn vào cả cõi tâm linh, hàng tỷ đồng chỉ trong một ngày bỗng biến thành tro.

Phương Anh (Tổng hợp)