- Nỗi sợ hãi khi không ai biết điều gì đang đợi mình ở phía trước trong chiến tranh. Ví như sau các khúc quanh của con đường có thể là một viên đạn thẳng vào trán hoặc sau gáy...

Nhân dịp ra mắt tập thơ “Khúc hát thành Cổ Loa” của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Kevin Bowen, VietNamNet xin gửi tới độc giả bài viết được trích lược từ tác phẩm “Kevin Bowen và một tình yêu nhẫn nại” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bài viết nói về Kevin Bowen với những điều ít người được biết đến được đăng trong tập thơ mới nhất này của ông.



Kevin Bowen, nhà thơ, giáo sư văn chương ĐH Maschusetts, Boston, USA, Giám đốc Trung tâm William Joiner, chuyên nghiên cứu của chiến tranh và hậu quả xã hội. Ông từng được nhận học bổng Danforth và Fulbright, ông từng là phụ tá và là người chuyên viết diễn văn cho Phó Thống đốc bang Thomas P.O’Neil, III. Ông phục vụ trong Sư đoàn Kỵ binh trên không số 1 ở Việt Nam từ 1986-1969 và đã trở lại Việt Nam nhiều lần để giao lưu văn hóa, giáo dục, và nhân đạo. với vai trò là một nhà thơ, dịch giả, ông đã viết và biên tập hơn mười tuyển tập thơ và văn xuôi. Ông được nhận giải thưởng từ Quỹ hỗ trợ Quốc gia cho các tác phẩm nghệ thuật, Hội đồng văn hóa Masachusetts và giải thưởng Pushcart.

 “ …Nằm trong rừng Thượng Đức - nói chuyện nhưng ông vẫn giỏng tai nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả khắp nơi, khắc khoải chờ chúng im tiếng. Nỗi ám ảnh khi những côn trùng kêu là lính Việt Nam đang tới gần.

Nỗi sợ hãi khi không ai biết điều gì đang đợi mình ở phía trước trong chiến tranh. Ví như sau các khúc quanh của con đường có thể là một viên đạn thẳng vào trán hoặc sau gáy.

Đêm ấy ông thức trắng, để đi đến tận cùng nỗi sợ hãi. Ông nói sẽ không quay trở lại đây nữa vì ông biết chắc đã chẳng còn gì ở đó. Ông an tâm sống nốt quãng đời còn lại với những giấc mơ không phải giật mình...”

Đó là một trong những đêm trở lại chiến trường Việt Nam của Kevin Bowen. Ông tới Việt Nam trong nghĩa vụ quân dịch. Ông đóng quân ở Núi Bà Đen, Tây Ninh một năm rồi trở về Mỹ. Ông vào trường đại học. Trong những ngày nghỉ, ông đi bán trái cây. Năm 1972, ông gom toàn bộ tiền bán trái cây đi Paris. Ông đến đó để chờ đợi kết quả của hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam.

Nhưng kết quả của Hội nghị Paris đã làm ông thất vọng. Người Mỹ vẫn can thiệp vào cuộc chiến tranh ấy và nước Việt Nam vẫn bị chia cắt. Ông trở về Boston và bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia và đã phản chiến và làm thơ về đất nước và con người Việt Nam. Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nhà văn đến thăm ngôi nhà của Kevin ở Boston. Bài thơ đó sau này trở thành tên một tập thơ của ông. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ đó là viết về Việt Nam. Ông viết về Thành Cổ Loa, về trà sen, về một đêm rằm trung thu ở Hà Nội, về sông Hương… Tất cả những bài thơ đó đều mang trong nó hơi thở thẳm sâu của con người Việt Nam.

Ông tập hợp nhiều nhà văn nhà thơ danh giá của nước Mỹ trong đó đặc biệt có Grace Paley. Bà được mệnh danh là Bà mẹ của Phong trào phản chiến của Mỹ. Những ngày đầu cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Grace đã một mình cầm một tấm biểu ngữ chống chiến tranh đứng ở một ngã tư đường. Những người Mỹ ngày ấy đi qua bà và nhổ nước bọt vào bà. Có ngày trở về, quần áo bà ướt sũng vì nước bọt. Nhưng chỉ một năm sau, hàng chục nghìn người Mỹ đã đứng bên bà chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bà là người Mỹ vào Hà Nội để đón ba tù binh phi công Mỹ đầu tiên được thả và nói cho những “cậu bé” Mỹ ấy về Việt Nam và về sự sai lầm của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Rất nhiều người danh tiếng của nước Mỹ đã ủng hộ Kevin bởi họ nhận ra nhân cách và tình yêu con người của ông. Tất cả chỉ có lẽ là như vậy.

Kevin chính là người đã đưa các nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, khi mọi chuyện còn đang rất khó khăn. Lê Lựu là nhà văn đầu tiên Việt Nam đó. Với thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một Việt Nam khác ngoài một Việt Nam của những cuộc chiến tranh liên miên trên một đoạn đường lịch sử.
Kevin và nhà văn Lê Lựu - 2 người lính đã từng ở hai bên chiến tuyến ngày hôm nay ở đây dìu nhau khi một người sức khỏe đã không còn được như trước. Ảnh : Lê Thiết Cương
Rồi sau Lê Lựu là các nhà văn, nhà thơ khác. Cũng với các nhà văn nhà thơ đến Mỹ là những tác phẩm văn học Việt Nam bắt đầu được giới thiệu ở Mỹ. Kevin và Trung tâm William Joiner của ông đã làm những việc đó. Và đối với những người Mỹ còn chưa hiểu Việt Nam thì Kevin đã trở thành kẻ thù của họ. Một số người Mỹ đã gọi điện đến nhà Kevin để đe dọa tính mệnh các con ông và đe dọa sẽ hiếp vợ ông.

Ông thực sự hoảng sợ. Ông đã đổi điện thoại. Giấu địa chỉ nhà. Rồi ông đổi chỗ ở. Ngày lê Lựu ở Mỹ, Kevin và một số thành viên của Trung tâm William Joiner đã giấu Lê Lựu như những gia đình cách mạng trong kháng chiến giấu cán bộ của mình.

Lê Lựu là một người dũng cảm. Nhưng Kevin và những người bạn Mỹ khác còn dũng cảm hơn. Những lời đe dọa Kevin và tính mạng gia đình ông rất dễ dàng trở thành sự thật. Ngay năm 1997, khi đoàn nhà văn Việt Nam đang ở Boston thì một buổi sáng Kevin gọi điện hoảng hốt thông báo không ai được đến Trung tâm William Joiner nữa. Trước cửa Trung tâm có dán một tấm giấy lớn với dòng chữ đầy kích động.

Hôm ấy, các nhà văn Việt Nam phải đi sơ tán khỏi nơi đang ở. Nhưng một tình yêu lạ lùng đối với Việt Nam lại kéo ông vào những hoạt động tuyên truyền về Việt Nam trong lòng nước Mỹ. Nhiều lúc có người hỏi: Ông yêu dân tộc Việt Nam vì lý do gì?

Sau những lúc buồn bã và sợ hãi, ông lại đứng dậy và lại làm việc như chưa từng một lần bị đe dọa , động lực chính là vì sự hiểu biết và lợi ích của hai dân tộc.

Những năm gần đây, mỗi lần đến Việt Nam ông lại giành một ngày rảnh rỗi vào Hà Đông chơi với một vài người bạn. Ông hòa tấu cùng với họ một vài nhạc cụ dân tộc. Ông là người mê thổi sáo. Đi đâu ông cũng mang theo một cây sáo làm bằng một loại gỗ đen của Châu Phi. Ông thích thổi những bài dân ca Việt nam cũng như ông mê đắm những làn điệu dân ca Ireland, mảnh đất của tổ tiên ông. Ông chơi nhạc, nghe hát Chèo, xem những con Rối nước, đọc và bàn luận về thơ ca. Thực sự, với nhiều người , đã không còn khái niệm Kevin là một người Mỹ.
Kevin thích thổi những bài dân ca VN cũng như ông mê đắm những làn điệu dân ca Ireland, mảnh đất của tổ tiên ông. Mở đầu đêm thơ của ông cũng vậy, nó bắt đầu từ tiếng sáo dân tộc của VN
Ông đã từng viết thư cho một người Việt Nam: “Chiều qua, tôi và con gái tôi trèo lên một ngọn đồi. Từ đấy, tôi như nhìn thấy mặt bên kia của trái đất và lúc đó tôi nghe tiếng chó sủa ở Hà Đông!”
Kevin William đôi khi được ví như một người Mỹ trầm lặng. Trầm lặng bởi ông phải đối mặt với quá nhiều cuộc kiện tụng và đe dọa tới tính mệnh khi ông vấp phải một số người không thiện chí và còn nhiều thù địch. Vượt lên tất cả, Kevin William đứng dậy đầy ý chí để tiếp tục làm tất cả những gì vì tình yêu và lẽ phải cho lợi ích đầy tính nhân văn của cả hai dân tộc.

Con đường ông đã chọn đó là dùng thơ văn để nói lên quá khứ. Ông cho rằng bất kì mối bất hòa nào đều cần phải có sự ngồi lại từ hai phía để trao đổi, mà trao đổi đơn giản là lắng nghe những gì hai bên muốn nói. Con đường ông chọn đó chính là con đường văn thơ.

Khi có người ngỏ lời muốn đề xuất trao tặng cho Kevin Bowen Huân chương Hữu Nghị, ông vội vàng xua tay và nói: No, No. Rồi với gương mặt bừng đỏ ngượng ngùng và lúng túng, ông quay đi phía khác và cố nói về những câu chuyện khác… Đó là con người Kevin Bowen – “Người Mỹ trầm lặng”.

Những hình ảnh trong đêm ra mắt thơ của Kevin:

Người bán phở, chiếc xích lô, trà sen... rất nhiều hình ảnh thân thuộc của Việt Nam xuất hiện trong thơ của Kevin.
Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ cho tập thơ của Kevin - Bức tranh mà Kevin đã thốt lên rằng chưa họa sĩ nào hiểu ông như thế.

  • Nguyễn Hoàng (Ghi và chụp ảnh)
  • Bài tiếp theo:  Kevin Bowen - điều kì lạ trên mảnh đất Việt Nam