- Tiếp tục câu chuyện về Kevin Bowen. Nhà văn – cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam sau khi trở về lại trở thành Sứ giả hòa bình nối liền hai dân tộc. Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao Kevin lại phải âm thầm làm điều đó mà không ngại hiểm nguy thậm chí tới mất mạng. Câu trả lời xin dành cho độc giả sau khi chúng tôi kể hai câu chuyện. Những câu chuyện kì lạ như chính Kevin Bowen, người Mỹ kì lạ trên mảnh đất Việt.


Truyện cổ tích giữa lòng Hà Nội

Năm 1991, tôi gặp ông lần đầu tiên ở Hà Nội. Ngày ấy ông dẫn đầu một đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Hà Nội để tham gia cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và nhà văn cựu binh Việt Nam. Đấy là một bước ngoặt rất quan trọng trong quan hệ không chính thức giữa Mỹ và Việt Nam mà rất ít người để ý. Chính phủ Việt Nam đã cho phép cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các nhà văn hai nước được tiến hành ở khu nghỉ Quảng Bá. Đó là nơi mà trước đấy ít năm không mấy ai dễ dàng được bước vào.

Kevin Bowen đến Hà Nội trước để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ông mang vào Việt Nam 10.000 USD tiền mặt. Khoản tiền đó trong thời gian ấy là một khoản tiền rất lớn.

Ngày đó Mỹ không muốn cho bất cứ ai mang nhiều tiền mặt vào Việt Nam. Chính vì thế mà khi hai ngày hội thảo vừa kết thúc, ông không thể cùng đoàn nhà văn Mỹ đi dọc đất nước Việt Nam như chương trình. Ông phải quay về Mỹ để điều trần trước Quốc hội Mỹ việc ông mang 10.000 USD tiền mặt vào Việt Nam để làm những gì. Nhà văn của hai phía đã gặp nhau và chủ đề chính là họ nói về tương lai của dân tộc. Một tương lai mà mọi dân tộc sớm hay muộn phải đi đến. Đó là tương lai của hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.

Nhưng buổi tối đầu tiền đến Hà Nội, ông đã đánh mất 10.000 USD để trong một cái túi nhỏ. Kevin Bowen, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu và tôi đã thức suốt đêm nhưng không thể nào biết được cái túi đựng tiền kia biến mất lúc nào và ở đâu.
Kevin Boewn trong buổi giới thiệu tập thơ mới của ông tại Hà Nội
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở lại quán phở của ông Sách, một nghệ sỹ hát chèo của Đài tiếng nói Việt Nam đã về hưu để ăn sáng. Khi nhìn thấy chúng tôi bơ phờ và rất buồn, ông Sách cười toét miệng và đưa lại cho chúng tôi chiếc túi có 10.000 USD trong đó. Kevin Bowen đã bỏ quên chiếc túi ở ghế ngồi ăn phở từ chiều hôm trước.

Tất cả chúng tôi ứa nước mắt. Một điều kỳ lạ xảy ra trong lòng tôi lúc đó: tôi yêu đất nước mình hơn trước dù chỉ là một chút bởi chính hành động của một người dân nước tôi: ông Sách. Ông Sách đã làm cho chúng tôi tự hào hơn về dân tộc mình trước những người Mỹ.

Năm 1991 là một trong những năm kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Có không ít người nước ngoài nghĩ Việt Nam lúc đó chỉ cần tiền. Và hành động của ông Sách đã thổi tắt những ý nghĩ đó. Kevin đã kể câu chuyện này cho các nhà văn Mỹ và sau này là rất nhiều người Mỹ khác nghe. Tất cả đều lặng người đi. Một sự kỳ diệu của đời sống đã hiện ra chẳng khác gì một phép thiêng. Và có lúc tôi nghĩ có lẽ với những gì Kevin Bowen đã làm một cách chân thành cho dân tộc Việt Nam thì 10.000 USD ngày đó không thể mất trên xứ sở này.

Nhân tình thế gian

18 năm về trước tại một chiều trên bến cảng của Boston, có một cô bé hai tháng tuổi khóc mãi trước gió. Bố cô dỗ, mẹ cô dỗ, những người khác dỗ cô cũng không nín. Có một người đàn ông, từ bên kia đại dương, người mà đã từng là kẻ thù của cha cô và cả của chính đất nước cô. Người đàn ông ấy đến bế cô lên, hát vào tai cô bé bài dân ca Việt Nam và cô bé ngoan lành ngủ trong vòng tay của ông. Hình ảnh người đàn ông ôm đứa bé trên bến cảng chiều hôm đó đã khiến Kevin cũng như những người xung quanh ông phải sững sờ.
Nhà thơ Hữu Thĩnh và con gái của Kevin Bowen - cô bé trong câu chuyện sau 20 năm

Người đàn ông trong buổi chiều đó không ai khác chính là nhà thơ Hữu Thỉnh trong chuyến đi mang thông điệp về văn hóa, về khát vọng bình an và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh bến cảng chiều hôm đó như một sự khởi đầu cho tương lai, một tương lai của hai dân tộc muốn hàn gắn sau bao nỗi buồn bi thương…

( Trích từ "Kevin Bowen và một tình yêu nhẫn nại” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)