- Nam ca sĩ Tuấn Hiệp nói gì khi
bị Thái
Thùy Linh chất vấn trong buổi họp báo ra mắt album "Bơ vơ" rằng tại sao lại
không mời cô góp mặt trong sản phẩm mới và phải chăng anh "chê" giọng
hát của cô dở?
Ca sĩ Thái Thùy Linh nói rằng cô ấy rất giận vì anh không giữ lời?
- Đúng là tôi từng gọi điện mời Linh tham gia album nhưng năm qua cô ấy bận ra sản phẩm riêng, đi làm từ thiện và bây giờ là mải mê với vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền âm nhạc vì thế giữa chúng tôi chưa có sự tái hợp. Tôi hi vọng, thời gian tới, anh em có thể kết hợp để thực hiện một album nhạc xưa nữa.
Chứ không phải vì anh lỡ mời ca sĩ Quỳnh Lan nên đành "thất hứa" với Thái
Thùy Linh?
- Quỳnh Lan là "nữ hoàng hát phòng trà" ở TP.HCM và là ca sĩ rất nổi tiếng
với cộng động hải ngoại bên Mỹ. Tôi và Quỳnh Lan quen biết nhau đã lâu.
Chị cũng
gắn liền với dòng nhạc xưa và tôi chị song ca cùng ca khúc khá mới của nhạc sĩ
Ngô Thụy Miên là "Nỗi đau muộn màng". Chúng tôi dự định sẽ song ca chung một album
nữa và phát hành trong tháng 8 năm nay.
Trong 10 ca khúc thì có tới 7 bài anh rớt nước mắt khi thu thanh. Có vẻ
như đằng sau vẻ phong trần rất nam tính là một Tuấn Hiệp "mong manh"?
- Nói khóc thì hơi quá nhưng đúng là 6 bài thu xong tôi đều rơm rớm nước mắt
riêng bài "Khúc thụy ru" thì tôi khóc thật và phải dừng lại nhiều lần để tôi
trấn tĩnh lại. Tôi đam mê dòng nhạc xưa và mỗi khi trải lòng vào các ca khúc đi
cùng năm tháng ấy tôi hay bị cảm xúc lấn át.
Anh được đào tạo hát opera trong Học viện âm nhạc quốc gia nhưng dường như
bỏ quên nó. Anh có thấy tiếc không?
- Phải thú nhận rằng theo opera cần nhiều công sức. Tôi may mắn được cố NSND
Lê Dung, NSND Quang Thọ hướng dẫn và dạy dỗ khi học trong trường nên khi chuyển
qua hát nhạc xưa, giọng của tôi "trường" và cách nhả chữ nhẹ nhàng, đặc biệt một
đêm có thể hát được nhiều bài mà không xuống sức.
NSND Quang Thọ là "bố nuôi" của anh?
- Cũng có thể hiểu là như vậy. Khi tôi đang theo học tại ĐH Nông nghiệp thì
một lần đi mua dây đàn guitar cùng mấy người bạn cho khoa Kinh tế của trường có
rẽ vào căng tin Nhạc viện, lúc đó nằm ngay sát khoa Thanh Nhạc ngồi uống nước
thì gặp thầy Quang Thọ. Tôi có chào thầy vì một lý do thật đơn giản xem NSND
Quang Thọ hát nhiều trên tivi, lần đầu được gặp thầy ở ngoài đời.
Thầy Quang Thọ thì nghĩ tôi là một câu học trò đến để xin học hát như bao trò
khác, nên đã bảo vào phòng NSND Lê Dung thử giọng. Sau đó, hai thầy cô nhận tôi
vào học; thậm chí, sau đó, để khuyến khích tôi theo nghề ca hát, để đỡ một phần
gánh nặng kinh tế thầy Thọ đã cho tôi ở tại nhà và mua cả quần áo cho vì thấy
cậu học trò cả tháng chỉ có diện một bộ quần áo.
Phòng trà ca nhạc do anh làm "ông chủ" trên phố Trấn Vũ là "bản sao" từ
phòng trà của NSND Thanh Hoa?
- Thẳng thắn mà nói các chương trình biểu diễn ở phòng trà của NSND Thanh Hòa
những năm trước giống như một nồi lẩu thập cẩm. Nhạc đỏ, nhạc xưa, nhạc sến,
nhạc trẻ, nhạc gì cũng có thể hát được. Còn phòng trà tôi góp cổ phần gu nhạc là
nhạc trữ tình, nhạc xưa...
Tựa đề album của anh là "bơ vơ" vậy, ngoài đời anh còn "bơ vơ" hay đã có
"bến đỗ" nào rồi?
- Tôi đã có vợ, con rồi. Cô ấy làm kế toán. Cũng xin nói thêm rằng, tựa đề
album không có ý đồ gì cả mà chỉ lấy từ một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Tôi thực hiện album là phục vụ đam mê, còn đam mê đi tới đâu thì tùy. Trong vai
trò ca sĩ, có những đêm, phòng trà chỉ có 2 khán giả tôi vẫn hát hết lòng. Tôi
quan điểm rằng không cần thiết phải đông, hò reo hú hét thì mình mới có cảm xúc
hát hay được.
- Cảm ơn Tuấn Hiệp về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà