- Tháng 3 năm 2011, hồ sơ "tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam" chính thức hoàn thiện và trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hồ sơ được thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp thực hiện. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của những người con đất Việt trong việc đưa tín ngưỡng văn hóa truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
Lễ dâng hương các vua Hùng được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 hàng năm
Hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, lòng thành kính và thái độ biết ơn của con cháu đối với tổ tiên của mình. Kết quả của sự đan xen giữa lịch sử 4000 năm nước Đại việt và huyền thoại Hùng Vương.
Tín ngưỡng này thể hiện dự gắn bó mật thiết giữa các thế hệ, của người đang sống với người đã khất, tạo nên sự cộng cảm sâu sắc của người Việt. Trong gia đình người ta thờ cúng ông bà, cha mẹ. Ở dòng họ thờ  cúng ông Tổ họ, rộng hơn là thờ Thành hoàng làng, cao nhất là thờ Quốc Tổ, vị Tổ chung của dân cư cả nước.
Hùng Vương được coi như Thủy tổ của người Việt. Từ thế kỉ XIV – XV, dưới triều nhà Lê tục thờ Hùng Vương được tổ chức theo nghi thức cấp nhà nước phong kiến và từ đó trở đi tục thờ cúng Hùng Vương dần trở thành nét văn hóa tâm linh truyền thống ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam.
Ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm là ngày Quốc giỗ của Việt nam. Núi Nghĩa Lĩnh và khu di tích Đền Hùng ở Việt Trì, Phú Thọ được ví như tâm điểm của tục thờ cúng Hùng Vương tại Việt Nam. Hàng triệu đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài lại hướng về đền Hùng, dâng nén nhang thơm tưởng nhớ đến các tiền nhân tiên tổ.
Người đi lễ hội đền Hùng không phải để cầu may, cầu tài hay cầu lộc mà là tấm lòng của con dân Việt Nam hướng về nguồn cội, cầu cho Quốc thái dân an, trời đất thuận hòa để nhà nhà no ấm.
Theo PGST Trương Quốc Bình: hiện tượng thờ Quốc Tổ là hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới, bởi lẽ cả dân tộc Việt Nam tự coi mình có chung nguồn gốc Lạc Hồng. Rồi lập nên một khu Tổ mộ và đặt ra một ngày giỗ Tổ chung để tiến hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm các vị Quốc tổ Hùng Vương.
PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam bình luận về nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: đây là một tín ngưỡng khá đặc biệt vì luôn luôn được sự đồng thuận giữa các thể chế xã hội và thái độ của cộng đồng. Hoạt động này khơi dậy ý thức cội nguồn thiêng liêng, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 2000, cứ 5 năm 1 lần, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.
Thạc sĩ Trần trọng Dương lại cho rằng: tín ngưỡng thờ Hùng Vương là một tín ngưỡng phổ quát ở Việt Nam, tín ngưỡng này có mặt ở hầu hết các địa phương với tư cách là tín ngưỡng bản địa.


Theo thống kê của cục Văn hóa thông tin cơ sở, cả nước có đến 1417 địa điểm có tục thờ Hùng Vương hoặc vợ con, tướng lĩnh dưới thời vua Hùng. Mỗi vùng miền có một đặc trưng văn hóa khác nhau, nhưng vẫn chung một điểm là tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai quốc.
Ngoài ra, trong nhiều lễ hội khác cũng có tục thờ Hùng Vương như: lễ hội cướp bóng, ném chài tại Vân Lương; lễ hội Nghinh Ông ở Tiền Giang, lê hội ở Phong Cốc, Bắc Ninh…
Quốc giỗ Việt tại Mỹ
Việc ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên là hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Đã là con Lạc, cháu Hồng dù đi đâu về đâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn được ghi sâu trong tiềm thức.
Vì lẽ đó mà những chàng thanh niên người Việt tại Califonia, Mỹ những năm 1975 - 1980, dù xa quê hương mà vẫn  ngày đêm nung nấu về tục lệ cha ông, ước mơ xây dựng cho được một ngôi đền thờ các ông tổ Việt Nam. Ước mơ ấy nhằm mục đích nuôi dưỡng và bảo vệ nguồn cội Việt cho thế hệ sau, giới thiệu tập tục tốt đẹp của đất nước mình với bạn bè quốc tế.
Họ đã cùng nhau lập ra hội Hùng Vương, hội của những người con đất Việt. Họ vượt lên trên hàng loạt những khó khăn về xã hội, rào cản chính trị,và cả kinh phí để thực hiện ước mơ của mình.
Năm 1993, ngôi đền thờ các vua Hùng đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại đất Mỹ. Nó minh chứng cho lòng tự hào dân tộc, tình đoàn kết của đồng bào Việt Nam luôn hướng về Tổ Quốc, hướng về nguồn cội.
Quốc giỗ và những thách thức
Theo thạc sĩ Phạm văn Dương: trong quá trình phát triển về mặt quy mô của lễ hội đền Hùng đã bộc lộ những yếu tố bất cập như: lễ hội bị thương mại hóa, lễ vật bị lãng phí, nghi thức truyền thống bị mai một.
Bánh chưng, bánh dày là lễ vật truyền thống của ngày Quốc giỗ
Đáng buồn hơn, vị trí và vai trò của người dân trong lễ hội dần thay đổi, nhân dân từ chủ thể sáng tạo của lễ hội trở thành người đi xem, người đứng ngoài lễ hội. Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Hải Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Chủ thể của lễ hội là Nhà nước. Nhà nước tổ chức, điều hành và bảo vệ giá trị lễ hội theo đúng truyền thống. Người dân không phải là người xem mà họ tham gia trực tiếp vào lễ hội ngay từ công đoạn đầu tiên. Đồng thời bà nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc bảo vệ và phát triển lễ hội.
Ban quản lý khu di tích Đền Hùng sẽ từng bước rút kinh nghiệm và ghi nhận những ý kiến đề xuất mang tính chất xây dựng từ các cá nhân, đơn vị nhằm sớm đưa ra được những quy định mang tính chất chuẩn mực cho Du khách thập phương về thắp hương, dâng lễ trên đất Tổ.
Cùng với việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đi sản văn hóa phi vật thể cho tục thờ Hùng Vương ở Việt Nam thì Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với UBND tỉnh Phú Thọ phải khôi phục lễ hội đền Hùng theo đúng truyền thống từ ngàn đời.
  • Văn Thanh