- "Đại gia đồng nát" - cái biệt danh có phần hơi ngoa ngoắt nhưng lại rất phù hợp để miêu tả hắn, một kẻ chuyên đi thu mua những thứ người ta bỏ đi đem về bày lên tủ. Hắn là Trần Quang Vinh, hay còn được biết tới với cái tên: Vinh đồ cổ.


Chính cái tính tự nhiên và cởi mở khiến ai gặp hắn cũng cảm thấy dễ chịu mà không hề có cảm giác xa lạ. Đặc biệt khi hỏi về từng thứ đồ cổ hắn trưng bày, hắn hào hứng đọc vanh vách tiểu sử từng thứ, tất cả từ sản xuất ở đâu, đời nào và hắn kiếm chúng thế nào. Hắn thao thao nhiều đến nỗi nếu chưa quen sẽ không thể nhớ nổi là những điều hắn nói, bởi đơn giản có quá nhiều thông tin.

Chiếc bàn là "ngày xửa ngày xưa"

Tại căn phòng tầng 3, nơi vừa có thể coi là quán cafe vừa có thể coi là phòng khách nhà hắn bày la liệt các thứ đồ mà nếu người những người chưa từng sống qua thời kì những năm 50 trước đây chắc hẳn sẽ giống như nhìn thấy những cỗ máy, vật dụng như trong chuyện ông bà kể ngày xửa ngày xưa bay về đặt la liệt xung quanh vậy.

Ghế tràng kỷ - bàn uống nước làm bằng máy khâu hiệu Singer cổ.

Ngắm quanh căn phòng từ vị trí cao nhất là chiếc quạt trần, thấp hơn một chút là chiếc đèn bão, đèn chùm rồi bắt đầu tới đồng hồ và rồi trên kệ, dưới đất thì không thể đếm xuể, nào là máy radio, điện thoại, máy chữ, ti vi, máy nghe nhạc, bàn là.... Nhiều đến nỗi thậm chí ngay cả chiếc ghế tràng kỷ và chiếc bàn làm bằng máy khâu cũng là đồ cổ.

Bộ dàn hắn mới tậu. Siêu khủng!

Bắt đầu buổi nói chuyện, hắn nhẹ nhàng ra dàn cát-xét cực khủng với 2 chiếc loa lớn cao chừng 1,5m, mỗi chiếc một âm li và đầu đọc là đầu đọc băng từ. Cái máy cát-xét cổ là vậy mà khi bật nút, đầu quay băng chạy đến mượt mà, âm thanh đầu tiên cất lên: Một bản nhạc Việt! Lắng nghe thêm chút nữa thì không thể nhầm đi đâu những bản nhạc của thập niên 50 mà người hát chính là ca sĩ Thái Thanh nổi danh thuở nào.

Hắn đang loay hoay bật cát-xét.

Hắn cười, ngồi vào bàn và nói : "Mình thích nghe những bản nhạc của thời trước đây, nhất là trước những năm 1980 trở về trước. Nhạc ngày ấy chất và có hồn lắm...". Trong không gian bao bọc bởi toàn đồ cổ, âm thanh từ hai chiếc loa phát ra, bỗng dưng tôi giật mình bởi cảm giác như quay trở về những năm 50 của thế kỉ trước. Khi mà thời ấy, ước mơ nghe một bản nhạc đã khó, lại ngồi uống chè bên cạnh là tiếng kêu của chiếc Odo và tiếng gió phe phẩy của chiếc quạt trần điện là cả một ước mơ của nhiều người.

Bắt đầu câu chuyện được vài câu, hắn lại đứng dậy, chạy tót vào phòng ngủ, rồi gọi tôi vào. Hắn lôi ra cuốn album và bắt đầu giở từng trang. Cuốn album tưởng là thứ gì đó hấp dẫn hay bí mật, hóa ra là album cưới của con trai hắn. Mắt hắn vui hẳn lên, pha trong giọng nói có một chút gì đó hãnh diện lắm. Con trai hắn khi chụp ảnh cưới chả đi đâu xa, mà chụp ảnh ngay tại căn nhà của hắn. Bối cảnh là những chiếc quạt cây, rồi là tủ ghỗ, ghế tựa, máy nhạc...

Ngắm nghía cuốn Album cưới của con trai.

Nhìn xung quanh phòng ngủ, tôi giật mình bởi phòng ngủ sao lại lắm đồng hồ thế. Mà không phải đồng hồ chết, cứ thi thoảng một cái lại kêu. Chả hiểu hắn nghĩ sao, chứ đi ngủ mà nghe từng đấy thứ thi thoảng kêu lên một tí chắc chắn sẽ mất ngủ cả đêm!

Tôi bất giác hỏi: "Thế khi rỗi, anh thường làm gì?". Hắn trả lời: "Khó nói lắm, nhưng thích nhất là xuống kho lôi con xe máy ra. Dựng !". Dựng tức là lại kiếm phụ tùng, làm mới và lắp ráp nên một con xe nguyên lành chạy được. Nhắc đến xe tôi ngó xuống bếp nhà hắn, tại đó, rất ấn tượng, là chiếc Mobylette vàng dựng ngay cửa sổ, cạnh bàn ăn. Nó mới tinh, sạch bong tới từng chi tiết. Tôi cứ liên tưởng cái hình ảnh hắn ngồi trên bàn ăn ăn cơm mà mắt đắm đuối nhìn con xe này.

Chiếc Mobyllete bày tại phòng bếp

Ước mơ của hắn là gì? Đáp: "Lập một viện trưng bày". Rõ ràng, với cái kho "đồng nát" giờ đã lên tới gần 1000 món đồ các loại từ xe cộ, máy móc gia dụng, cơ khí, gốm sứ, đồng hồ, đèn, công cụ lao động... có liệt kê tên thôi cũng đã mệt thì ước mơ của hắn cũng không có gì là khó hiểu.

Vinh đồ cổ, cái tên đã được quá nhiều người biết đến vì báo chí viết về hắn quá nhiều, thế nên ngồi tâm sự, hắn bảo: "Giờ đi săn được một món đồ cổ mà quý ở Việt Nam khó lắm. Người ta biết mình chơi, nên mua được là rất khó. Mà khổ cái không mua thì tiếc, mua thì mất quá nhiều tiền nên kiểu gì cũng tiếc. Nhưng tiếc cái thứ nhất hơn nên phần lớn bây giờ phải đi kiếm đồ ở nước ngoài".

Một số đồ cổ trong căn nhà và quán cafe của đại gia đồng nát - Vinh đồ cổ:

Chiếc Solex quý hiếm được dựng cạnh chiếc bàn cafe với góc nhìn đẹp nhất của quán.

Hai chiếc điện thoại trong bộ sưu tập

Đâu đâu cũng thấy quạt.

Chiếc máy khâu bé xíu được hắn rất yêu quý, bởi những năm 1980 hẵn cũng từng là thợ sửa máy khâu.

Món đồ hắn mới sưu tập được. Chiếc âm ly McIntosh 265 của Mỹ

Chiếc đàn và máy chơi nhạc đĩa than loa kèn

Radio hiệu Phillips của những năm 80-90

Chiếc Tivi tủ hiệu Panasonic, gia tài và ước mơ của không biết bao người thời đó

Đầu đọc đĩa băng từ cỡ lớn


Chiếc máy chữ thời kì mới xuất hiện ở Việt Nam

Chiếc máy tính tiền

Chiếc máy quay băng từ được gã mua được từ Mỹ xách về.

Bộ dụng cụ dùng cho bếp sưởi thường thấy trong các căn nhà biệt thự Pháp thời trước.

Quán cafe, nơi những chiếc xe đặt cạnh những chiếc bàn lắng nghe từng câu chuyện của những vị khách

Hy sinh hẳn một chiếc Vespa, bẻ một bánh xe để treo lên cửa hiệu. Đôi khi đại gia đồng nát cũng có một chút gì đó... ngông

Bài và ảnh: Hoàng Nguyễn