- Chuyện hoàn toàn có thể xảy ra nếu cuộc thi dũng cảm đi tới cùng công nghệ khai thác người nổi tiếng vốn thành công ở bản gốc "Dancing with the Stars".

 

“Quên chuyện cân nặng đi, bạn chính là tài năng” – câu động viên cửa miệng của nhiều vị giám khảo Dancing with the Star – nay đã thành một trong những bài học giúp cuộc thi này, dù non trẻ nhưng sớm vươn lên như một trong những trò chơi truyền hình thành công nhất hiện nay.

 

Lực sĩ, vận động viên…vào cuộc chơi khiêu vũ


Cựu vô địch quyền anh Evander Holyfield là minh chứng cho: Ai cũng có thể nhảy dance sport!

 

Khi cựu vô địch quyền anh Evander Holyfield bước vào buổi tuyển chọn người tham gia, các nhà sản xuất Dancing with the Star mùa thứ nhất năm 2005 cho kênh ABC (Mỹ) biết rằng, họ đã tìm được thí sinh…lý tưởng nhất. Bởi xét cho cùng, ông không chỉ là người nổi tiếng mà còn khiến bất cứ ai cũng phải tò mò xem một thể hình đô vật như ông sẽ nhảy nhót thế nào.

 

Từ đó đến nay, cuộc thi này đã lần lượt ghi danh những thí sinh nổi tiếng nhưng “khó tưởng tượng nổi là có khả năng khiêu vũ” như vận động viên từng đoạt huy chương vàng Olympic Kristi Yamaguchi, lực sĩ Shawn Johnson, võ sĩ Mike Tyson…Mối quan hệ cộng sinh hai chiều cho thấy họ cũng có lợi khi tham gia chương trình, tên tuổi liên tục được truyền thông trong suốt quá trình dự thi.

 

Có lẽ cần ngược dòng lịch sử ngắn ngủi của cuộc thi để hiểu hơn về sự thành công khi khai thác người nổi tiếng làm chuyện khó tin trước mắt khán giả. Năm 2004, kênh truyền hình BBC rà soát lại trong thư viện của mình, phủi lớp bụi hồ sơ về cuộc thi khiêu vũ Come Dancing ra đời năm 1948, có ý định tái sinh cuộc thi này trong một cái tên mới Strictly Come Dancing.

 

Mùa đầu tiên với tên gọi này diễn ra thành công tại Anh vào mùa hè năm 2004. Giữa bối cảnh những cuộc thi na ná kiểu “Idol” đang thất bại và ngành truyền hình đang cần một chương trình thực sự khác biệt, Strictly Come Dancing nhanh chóng được các nhà sản xuất ở Mỹ, Pháp, Úc…nhanh chóng mua lại cấu trúc nội dung và đổi tên thành Dancing with the Star.

 

Trên thực tế, sự vắng bóng trong nhiều thập niên của các cuộc thi khiêu vũ trên truyền hình, cộng thêm khả năng tích hợp cùng lúc ba yếu tố giải trí gồm âm nhạc – thời trang – trình diễn, đã khiến chương trình này trở thành một phi vụ kinh doanh đầy khả thi về lợi nhuận.

 

Chưa đi tới cùng nguồn cảm hứng về điều kỳ diệu


Võ sĩ Mike Tyson từng có mặt tại phiên bản cuộc thi ở Argentina.

 

Chưa kể, nếu các cuộc thi “Idol” kích thích đám đông vô danh rằng họ hoàn toàn có thể “từ số không thành người hùng”; thì Dancing with the Star bằng cách dùng người nổi tiếng, đem đến cho người xem nguồn cảm hứng rằng họ có thể làm được những điều kỳ diệu, khiến người khác kinh ngạc. Các phóng sự hậu trường tập luyện gian khổ của thí sinh được chiếu trước màn trình diễn cũng nhằm mục đích này.

 

Các cuộc thăm dò cho thấy, trong khi phụ nữ thường dễ phát cuồng thì cánh mày râu có phần hờ hững hơn. Sự tham gia của những ngôi sao cơ bắp như Mike Tyson, Evander Holyfield không chỉ lôi giới đàn ông chịu khó ngồi lại xem chương trình, mà còn là thực tế có sức nặng để thuyết phục nhận thức rằng họ cũng có thể…bay lượn trên sàn nhảy!

 

Tuy nhiên, thực tế qua hai mùa diễn ra cho thấy, Bước nhảy hoàn vũ chưa thực sự áp dụng triệt để những công thức đã khiến “format” gốc thành công. Không hiểu vì sao cuộc thi lại chọn phương án an toàn là quy tụ các ngôi sao giải trí, vốn dễ dàng tiếp thu các bài luyện tập dự thi hơn các ngôi sao lĩnh vực khác. So với Đại Nghĩa, Thu Minh, Thủy Tiên, Khán giả hẳn sẽ thích thú hơn nhiều khi thấy lực sĩ Lý Đức hay cầu thủ Công Vinh tham gia nhảy nhót!

 

Xét về hiệu ứng xã hội, ngoài việc đem lại một món ăn giải trí tinh thần hấp dẫn cho màn ảnh nhỏ, nhiều người cho rằng sự quan tâm của đông đảo khán giả có thể khiến các lớp học khiêu vũ thể thao (dance sport) ngày một đông. Nhưng khi được hỏi liệu thành công của cuộc thi có giúp công chúng đổ xô đến các phòng tập dance sport hay không? Khánh Thy cho rằng rất khó để khẳng định điều này. Theo cô, sự nổi tiếng của cuộc thi mới chỉ dừng ở tác dụng “giúp công chúng biết được dance sport là gì”.

 

Việc cô vừa mới bung ra mở thêm cơ sở huấn luyện dance sport thứ ba tại TP.HCM mới đây chỉ cho thấy nhu cầu rèn luyện thể thao ngày càng tăng của thị dân, trong đó bộ môn này là một trong những lựa chọn thú vị khi vừa có tính nghệ thuật vừa rèn luyện cho sức khỏe.


Nghệ sĩ hài Minh Béo, một trong những thí sinh “thách thức” nhất của BNHV tại VN cho tới nay.

 

Minh Chánh