Hòa nhạc HG&YT 2011 thực sự là sự thăng hoa của lý tưởng lớn, khi chinh phục được mọi tầng lớp, từ những thanh niên trẻ tuổi đến lớp trí thức, tinh hoa ở Boston. Ngày 10/8/2011 đánh dấu một bước phát triển mới của lý tưởng cao đẹp đầy nhân văn về Hòa giải và Yêu thương, ngày một lý tưởng lớn đã tìm ra biển lớn.

Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương 2011 diễn ra tại thành phố Boston (Massachusetts, Mỹ) vào tối 10/8 (giờ Mỹ).

Ngày 10/8, dự báo thời tiết cho biết Boston sẽ mưa vào tối 10/8, buổi hòa nhạc chuyển vào khán phòng John Hancok – Back Bay , trung tâm tổ chức nhiều sự kiện lớn và trang trọng của vùng với 2.000 chỗ ngồi, thay vì ở nhà hát ngoài trời Hatch Shell như dự kiến.

Ngay từ rất sớm, khán phòng John Hancock đã gần như chật kín, không còn một chỗ trống, thậm chí rất nhiều người phải đứng. Khán giả tới nghe nhạc cũng rất đa dạng, từ những ông bà lão mái tóc bạc phơ, tới những người trung niên, cho tới những giáo sư và sinh viên trẻ tuổi đang dạy và học tại các trường trong vùng như MIT, Harvard, Boston. Đặc biệt, Trịnh Tuệ, một nghiên cứu sinh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) vào buổi chiều 10/8 cùng một số sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại đây cũng tới tham dự. Trịnh Tuệ và các bạn hứng khởi và xúc động khi biết rằng giữa đất Boston , lại có một chương trình hòa nhạc lớn với sự tham dự của hàng ngàn người Mỹ, do người Mỹ thực hiện, xuất phát từ ý tưởng của một người Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, Boston vốn được là trung tâm tinh hoa văn hóa tụ họp nhiều trường đại học hàng đầu thế giới (Harvard, MIT, Boston,…). Đây gần như là một thế giới thu nhỏ, mỗi năm có khoảng 500.000 sinh viên, học giả, trí thức từ khắp nơi trên thế giới đến đây để nghiên cứu và học tập và làm việc. Từ bên ngoài, có thể thấy nhịp sống nơi đây êm đềm, sinh viên, giáo sư đi lại từ tốn giữa các khu học xá xanh mướt, cổ kính; nhưng bên trong mỗi ngôi trường là không khí học tập nghiêm túc, hối hả, đôi khi còn có nhiều căng thẳng. Từ khía cạnh những người tổ chức một chương trình âm nhạc cổ điển, đây đúng là những khán giả tri thức, là khán giả “mơ ước”.

Nhạc công của dàn nhạc cũng rất đặc biệt, có người chơi nhạc thuần túy, nhưng cũng có một số là giáo sư như giáo sư David (Khoa Ngôn ngữ và Triết học, Trường MIT), giáo sư toán học tại ĐH Massachusetts…


Nguyên TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn (trái) - Giáo sư Toán học University of Massachusetts - Nhạc công trong dàn nhạc (phải).

Giáo sư Triết học Đại học MIT - Nhạc công trong dàn nhạc (trái) - Nguyên TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn (phải)

Không khí nhà hát trước giờ diễn rất ấm cúng thân thiết, dường như việc ‘bất khả kháng’ - phải tổ chức trong  khán phòng được trang bị công nghệ âm thanh hiện đại, chuyên nghiệp phục vụ biểu diễn lại làm tăng chất lượng âm nhạc và không khí gần gũi, ấm áp của buổi hòa nhạc.

Đúng 7h tối, người phụ trách sản xuất chương trình của kênh truyền hình WGBH, đơn vị ghi hình và tường thuật chương trình đọc khai mạc. Đại sứ Swanee Hunt - người tổ chức chương trình, phu nhân cố nhạc trưởng Charles Ansbacher, cùng nhà báo Nguyễn Anh Tuấn bước lên sân khấu. Đại sứ Hunt mặc chiếc áo của nhạc trưởng Charles khi ông chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong chương trình Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tháng 4/2010, đã phát biểu rất xúc động.

Cả nhà hát tràn ngập tiếng vỗ tay, mọi người đều tâm đắc với ý nghĩa của buổi hòa nhạc HG&YT, và ủng hộ ý tưởng về HG&YT mà đại sứ Hunt trình bày.

Câu từ lần lượt nhường chỗ cho âm nhạc.

Dàn nhạc New Philharmonia Orchestra lần lượt chơi những tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc thế giới, Slavonic Dance của Dvorak, Violin Concerto Số 4 của Mozart, Symphony số 5 của Tchaikosky. Bản giao hưởng số 5 vốn được chơi nhiều trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2 với ý tưởng cổ vũ tinh thần cho người dân Leningrad trong chiến tranh, loạn lạc, nay được chơi lại như tiếp lửa cho những thăng hoa, cho giấc mơ về thế giới đại đồng, hạnh phúc.

Dường như mỗi nhạc công đều được truyền lửa sau bài diễn văn xúc động của đại sứ Hunt và xúc động bởi lý tưởng Hòa giải và Yêu thương, nên dàn nhạc chơi đầy cảm hứng. Bên dưới khán phòng không một tiếng động, kể cả những người phải đứng.


Bản nhạc cuối cùng kết thúc, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay rất lâu.

Nhạc trưởng và dàn nhạc hứng khởi chơi lại phần cuối bản giao hưởng số 5 của Tchaikosky trong không khí phấn khởi, náo nhiệt, tiếng vỗ tay không ngớt. Nhiều khán giả không giấu được niềm hào hứng, xúc động, bước lên bắt tay nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và đại sứ Hunt, chúc mừng cho thành công của buổi diễn và bày tỏ sự yêu mến với ý tưởng Hòa giải và Yêu thương.

Trong khuôn khổ chương trình hòa nhạc, còn có phần Post-Reception (tiệc tiếp tân sau chương trình) để tôn vinh người khởi xướng ý tưởng Ngày Hòa giải & Yêu thương cùng nhạc trưởng. Trong không khí trang trọng của tiệc tiếp tân, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã gửi đi những thông điệp đầy tính nhân văn.

Đó là ý tưởng xây dựng Boston trở thành thành phố của Hòa giải và Yêu thương, là thành phố của Tinh thần Thế giới (Spirit of the World) trong  thế kỷ 21. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cũng kêu gọi xây dựng một giải thưởng âm nhạc uy tín cho tòan thế giới, mang lý tưởng Hòa giải và Yêu thương, mang tên Charles Ansbacher, người con của Boston đã dành nhiều tâm huyết và dùng âm nhạc để hỗ lực hòa giải những nơi có xung đột trên thế giới.

Trong không khí trầm lắng, dường như những trí thức nơi đây đang dần bị chinh phục bởi lý tưởng cao đẹp mang tinh thần đại đồng, hòa hợp.

Ông William Snyder, một cựu sinh viên Harvard, nhà sáng lập Social Capital Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, một trong những khán giả sau khi tham dự chương trình đã chia sẻ, “Những bông hoa của buổi hòa nhạc vẫn tỏa hương và sắc ngọt ngào trong phòng khách của chúng tôi. Đây thực sự là một chương trình hòa nhạc đầy nhân văn và xúc động. Thật tuyệt vời biết bao, khi cảm nhận được âm nhạc gần gũi ngay trong mình, với tinh thần mạnh mẽ đầy nhân văn. Những chia sẻ của ông Tuấn về Charles và mong muốn đưa Boston trở thành thành phố của tinh thần đại đồng và yêu thương đã truyền cả vào những xúc cảm âm nhạc… Tôi thấy mình như được tiếp thêm nội lực sau khi nghe những chia sẻ của một người đến từ đất nước cách xa chúng ta, đất nước mà chúng ta từng tàn phá – giờ lại coi Boston như quê hương thứ hai, và rất nhiệt thành nghĩ về ‘quê hương thứ hai’ ấy như nơi mang ánh sáng của tình yêu tới nhân loại. Không có gì ngọt ngào hơn thế…”.

Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương năm 2011 thực sự đã là một sự thăng hoa của lý tưởng lớn, khi nó chinh phục được mọi tầng lớp, từ những thanh niên trẻ tuổi đến lớp trí thức, tinh hoa ở Boston khi tham dự hòa nhạc.

Ngày 10/8/2011 sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của lý tưởng cao đẹp đầy nhân văn về Hòa giải và Yêu thương, ngày một lý tưởng lớn đã tìm ra biển lớn.

Theo Tuần Việt Nam