- Một cuốn sách mà tờ Los Angeles Times nhận định rằng "không chê vào đâu được về tình cha con chứa đầy biến cố, óc hài hước và những nhân vật gợi nhớ đến phong cách của Charles Dicken và John Irving".

"Một mảnh trò đời" (DT Books, Phương Nam books, NXB Hội nhà văn) là tác phẩm nặng ký của nhà văn trẻ sinh năm 1972 Steve Toltz từng gây xôn xao văn đàn thế giới, lọt vào danh sách shortlist của giải Man Booker 2008. Các nhà phê bình không tiếc lời khen tặng đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay "hài hước vô biên", "một quyển sách có thể chứa đựng bí mật cuộc đời", "một chiếc tàu lượn nhào lộn điên loạn", "nghìn lẻ một đêm thời hiện đại"...

"Một mảnh trò đời" là câu chuyện về những nhân vật bất bình thường sở hữu những ý tưởng điên rồ, sống một cuộc đời không giống ai. Câu chuyện diễn ra qua lời kể của hai cha con Martin Dean và Jasper Dean. Người cha Martin luôn có những suy nghĩ khác người, từng vào viện tâm thần và sau đó sống cuộc đời ẩn dật tại một căn nhà giấu trong một mê cung. Các dự án điên rồ của ông đã giúp ông được nước Úc tung hê như anh hùng, nhưng cũng chính chúng đẩy ông xuống vực sâu, phải trốn chạy khỏi nước Úc.

Cậu con trai Jasper, chịu sự dạy dỗ khác người của bố từ bé, phải vật lộn chứng tỏ bản thân để thoát khỏi cái bóng của bố mình, chỉ để rồi sau đó nhận ra ông đáng thương hơn cậu tưởng, và cậu cũng yêu ông nhiều hơn cậu tưởng. Gắn kết hai nhân vật ấy là Terry Dean, em trai của Martin, một tên tội phạm khét tiếng của Úc, phạm tội với mục đích duy nhất là làm trong sạch ngành thể thao!

Cuốn sách đưa người đọc vào một chuyến phiêu lưu trên phạm vi rộng lớn, từ vùng đất hoang xơ của xứ xở chuột túi đến thủ đô Paris phóng túng, tới những cánh rừng tại đất nước Thái Lan, đặt chân tới một mê cung kỳ quái, nhà thương điên, thâm nhập vào hang ổ tội phạm, cho tới chuyến vượt biên khủng khiếp lênh đênh trên biển,... Toàn bộ tạo ra một cơn lốc xoáy của các sự kiện, như thể tác giả đưa người đọc lên một chuyến tàu lượn nhào lộn điên loạn, bị hút sâu vào một thế giới đầy rẫy những điều lập dị, kỳ quái.

Gia đình nhà Dean bị cười chê bởi họ không suy nghĩ như đám đông, không hành động như đám đông. Nói tóm lại, họ khác với số đông. Song có vẻ như chính cái số đông cho mình là bình thường mới là những kẻ đầu óc có vấn đề. Đó là số đông mù quáng tung hô những tên tội phạm lên thành anh hùng. Đó là số đông vô cảm hau háu trước các tin tức giật gân, được đáp ứng bằng một bộ phận truyền thông sẵn sàng vào cuộc moi móc chuyện đời tư của người khác. Và khi giá trị giải trí không còn, số đông đó sẽ không ngần ngại tống những kẻ suy nghĩ ngược lại với nó vào tù, hoặc nhà thương điên.

Truyện đặt ra nhiều câu hỏi: Xã hội có thể chấp nhận sự khác biệt của các cá thể trong nó đến mức độ nào? Mỗi con người có cần gò mình vào khuôn khổ để được chấp nhận, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi? Câu hỏi đó đeo đẳng hai cha con Martin và Jasper suốt cuộc đời.

Trong khi người bố quyết định sẽ làm kẻ khác người đến phút chót, thì cậu con trai, trước khi bước vào cuộc phiêu lưu của đời mình, lại lưỡng lự "khi bạn là đứa trẻ, để ngăn bạn làm theo số đông, bạn sẽ bị phủ đầu với câu "Nếu mọi người nhảy khỏi cầu, con cũng làm thế ư?". Nhưng khi bạn là người lớn và sự khác người bỗng dưng trở thành một cái tội, thì người ta hình như hay nói, "Này. Mọi người đang nhảy khỏi cầu. Sao cậu không làm đi?".

Tác giả Steve Toltz đã đặt những vấn đề đó vào một tác phẩm có thể ví như bữa tiệc thịnh soạn của ý tưởng và ngôn từ. Viết về những điều khác thường, người viết phải có một trí tưởng tượng cực kỳ phong phú. Những ý tưởng sáng tạo và cách kể chuyện hài hước khiến câu chuyện lôi cuốn ngay từ đầu. Steve Toltz gây tò mò với những sáng kiến kỳ dị: lập ra liên minh dân chủ tội ác, xuất bản cẩm nang tội ác cho tội phạm, xây nhà trong mê cung, biến tất cả những người Úc thành triệu phú,...

Những suy nghĩ quái chiêu làm người đọc không nhịn được cười: "Anh sẽ ngạc nhiên khi biết nhiều tên trộm đã cởi găng tay ra để ngoáy mũi. Tôi muốn nhấn thật mạnh điều này: Đừng để dấu vân tay lại bất kì đâu! Ngay cả trong mũi của anh!".

Sự sáng tạo về ngôn từ là không giới hạn trong "Một mảnh trò đời". Hài hước, tốc độ ngôn từ cực nhanh mà Booklist đã gọi là một "câu chuyện xóc-và-nảy tưng tưng". Thi Trúc, dịch giả của hai tác phẩm văn học nổi tiếng là "Cọp trắng" (Aravind Adiga - giải Man Booker 2008) và "Bà mụ" (Chris Bohjalian), cho biết, chị đã cố gắng chuyển thể tác phẩm thật sát với cách thể hiện trong nguyên tác với hy vọng bạn đọc cảm nhận được văn phong của tác giả và sự thú vị trong lối hành văn độc đáo.


Seattle Times: "Hãy nắm thật chặt vì bạn sắp bắt đầu một chuyến đi tàn phá của ngôn từ, ở đó mọi việc lướt qua rất nhanh và bạn nên chú ý thật kỹ... Điều thú vị thật sự khi đọc quyển sách này là tốc độ và ngôn ngữ. Điều Toltz đã xuất sắc làm được là trình bày mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại một cách dễ dàng. Anh đã khuấy tung chúng lên và hạ gục chúng với sự dí dỏm sắc bén, sự biến đổi câu cú hợp lý, và một góc nhìn hài hước kinh khủng về mọi thứ thuộc con người".

Sunday Times: "Một tiểu thuyết đầu tay hài hước vô biên mà bạn nên đi tìm chỗ để ngồi đọc... Có rất nhiều chuyện gây cười trong "Một mảnh trò đời" và đồng thời, không cần bàn cãi, có rất nhiều cốt truyện và tốc độ kể truyện của một chú cún con bị rối loạn mất tập trung. Nhưng nó đồng thời cũng có một tấm lòng… Một thành tựu to lớn và sự chào sân của một tài năng hài vĩ đại".

Independent on Sunday: "Giọng văn sôi sục, chua loét, buồn cười của Toltz mang sức mạnh của một vẻ đẹp trữ tình vỡ vụn... Giữa cơn lốc xoáy chóng mặt của các sự kiện, Toltz không bao giờ rời mắt khỏi một dòng chảy sâu xa chạy xuyên suốt tác phẩm của anh... Đó là cuộc tìm kiếm tinh thần cho phép một cái kết có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc người đọc. Vâng, "Một mảnh trò đời" là một chiếc tàu lượn nhào lộn điên loạn. Nhưng ở đó không chỉ có sự vui nhộn vô nghĩa, mà còn nhiều hơn thế".

Long Hà