- Rất khó để “bắt” được Phan Đăng Di, khi mà anh di chuyển như con thoi để lo những công việc cho cùng lúc ba bộ phim…


Đó là: Cha và con và những chuyện khác… do anh đạo diễn; Đập cánh giữa không trung do anh làm nhà sản xuất; và Southeast Loves, dự án phim omnibus (gồm những câu chuyện ngắn gộp lại thành phim truyện dài) làm chung với bốn đạo diễn đến từ Thái Lan, Sri Lanka và Bangladesh.

Khó “bắt”, nhưng không khó để nhận ra Phan Đăng Di giữa đám đông ồn ào và cồng kềnh hành lý ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Những ồn ào từ bộ phim “Bi, đừng sợ” có lẽ khiến số người quen mặt anh lớn hơn cả số người đã xem bộ phim của anh.

Nhìn anh đi lại như con thoi giữa các sân bay, chắc chẳng ai dám bảo thế giới điện ảnh là nhỏ hẹp và không nhiều cơ hội cho nhà làm phim độc lập.

Phan Đăng Di trong buổi tìm kiếm diễn viên cho dự án phim độc lập tiếp theo Cha và con và những chuyện khác… tại TP.HCM hồi đầu năm 2011, ảnh: Khải Trí

* Làm phim thương mại có thể mang lại cho anh cả danh tiếng lẫn tiền bạc. Vì sao anh vẫn cứ miệt mài theo con đường làm phim nghệ thuật độc lập?

* Dòng phim nào cũng đều có thể mang lại cho bạn tiền bạc, điều quan trọng nằm ở sự lựa chọn của mỗi người. Còn danh tiếng là chuyện thật khó đong đếm. Tôi chỉ đang thực hiện giấc mơ của mình và có người đưa tiền cho tôi thực hiện giấc mơ ấy. Thu nhập cũng đủ cho tôi sống một cuộc sống đơn giản, vui vẻ. Tôi cũng may vì luôn được bạn bè và các nhà đầu tư giúp đỡ tận tình. Họ đều là những nhà kinh doanh dày dặn kinh nghiệm, nhưng khi đầu tư vào phim trước của tôi họ chỉ đơn giản là muốn giúp cho bộ phim được ra đời, không gây áp lực nào cho tôi cả, đó là một duyên may mà có lẽ chỉ khi mình làm một bộ phim độc lập mới gặp được.

* Anh phản ứng thế nào trước ý kiến trái chiều về những bộ phim của anh?

Phim nào thì cũng có thể gây ra những ý kiến trái chiều cả. Bi, đừng sợ! cũng vậy thôi, có  người bạn rất quý mến và giúp tôi nhiều trong lúc quay phim nhưng đã không thích bộ phim.

Sự không thích đó hoàn toàn xuất phát từ trái tim và lý do của nó cũng thuyết phục như lý do của những người  thích bộ phim .

Tôi rất buồn nhưng  phải chấp nhận sự thật rằng mình chỉ có thể làm một bộ phim mà mình thích chứ không thể làm một bộ phim tất cả mọi người đều thích.

Người chê họ cũng chê đúng theo những gì họ nghĩ thôi. Phản hồi nào cũng có thể tốt và cũng có thể là vô nghĩa. Cái quan trọng là muốn đi tiếp thì vẫn phải tự mà tìm lấy đường.

Đạo diễn Phan Đăng Di đang trao đổi với 3 nhà sản xuất của dự án Southeast Loves tại LHP Busan 2011

* Bi, đừng sợ! của anh được nhiều người so sánh là giống với phong cách làm phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Anh có nghĩ thế không?

* Nhiều đạo diễn có chung một chia sẻ về quan điểm và ngôn ngữ điện ảnh, đây là chuyện bình thường. Nhưng sự thể hiện điểm chung này ra bên ngoài sẽ rất khác bởi môi trường văn hóa mà họ sống cũng như các yếu tố về đời sống riêng, tuổi tác, sự trải nghiệm…

Tôi luôn thấy phim của anh Hùng rất sang trọng, đẹp như một giấc mơ, trong thế giới của anh ấy, mọi thứ dù xáo động thế nào cuối cùng đều trở về một trạng thái hoàn hảo, cân đối. Phim của tôi thì thực tế và trần trụi, cũng hơi khó thăng bằng nữa....

Dù vậy, tôi luôn tôn trọng anh Hùng trong quan điểm của anh ấy về điện ảnh…đó là một trong số ít những đạo diễn có một quan điểm vững chắc và thanh khiết về ngôn ngữ điện ảnh trong phim mà tôi có dịp được xem.

* Cảm giác như diễn viên bước vào phim của anh đều phải hi sinh rất nhiều. Anh suy nghĩ gì về những điều được – mất cho những diễn viên đã vượt qua khó khăn để có mặt trong bộ phim của anh?

Tôi cho rằng, nghệ thuật không phải là chỗ cho người ta bước vào chỉ để hưởng lợi. Đối diện với một vai diễn, ai cũng đều phải xác định tinh thần hi sinh để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức. Và có lẽ, chỉ họ, những diễn viên mới có thể trả lời chính xác họ cảm thấy gì về những được – mất khi tham gia phim của tôi.

Có thể là nỗi buồn, sự hối hận, cũng có thể là niềm vui, trải nghiệm tuyệt vời, một cục tức tối, một ít tiền mặt … Là một đạo diễn, điều lớn nhất mà tôi  có thể mang cho họ - những diễn viên là cơ hội cùng tôi kể một câu chuyện trên màn ảnh hầu khán giả.

Minh Chánh thực hiện