- Người đẹp thì muốn đổi đời, đơn vị có bản quyền (hoặc muốn vịn vào sắc đẹp để kinh doanh hoặc để đánh bóng thương hiệu) nên đôi khi họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đô la cho nhiều cuộc so tài ở đấu trường nhan sắc thế giới. Đồng hành với những chuyến đi này, còn là nhiều chuyện hậu trường nghe đến... giật mình.

Xài đồ đi mượn, thậm chí là mắc nợ vì... đi thi

Trên thực tế không phải cuộc thi nhan sắc quốc tế nào, các người đẹp cũng mời được nhà tài trợ lo chi phí, hay nhà thiết kế nào đó lo vấn đề trang phục cho mình. Bởi vậy, mới có những trường hợp dù đại diện Việt Nam đi so tài nhưng họ phải xài đồ đi mượn là chủ yếu.

Á hậu M.T từng được chọn dự Hoa hậu Thế giới. Tuy nhiên, khó ai có thể biết được hành lý cô mang theo khi đó từ chiếc máy tính xách tay đến máy ảnh cá nhân thậm chí là quần áo, giày dép, bông tai  đều là mượn từ đàn chị là siêu mẫu T.H. Theo người đẹp này thì sở dĩ phải làm thế là bởi kinh tế không cho phép để tự mua đồ mới.

Mai Phương Thúy, Hoàng Điệp, Thiên Lý. Ảnh có tính minh họa.

Một người đẹp khác ở Hà Nội (xin giấu tên) cũng từng đại diện tham dự cuộc thi nhan sắc quốc tế cho biết, cô từng mắc nợ bố mẹ và bạn bè hơn 100 triệu đồng vì đầu tư quá nhiều trước và trong cuộc thi. "Nào là chi phí cho việc tẩy trắng răng, nhờ người dạy múa, mua sắm quần áo, mỹ phẩm, các món quà tặng cho các thí sinh, thậm chí là vé máy bay cũng phải tự bỏ ra..." - người đẹp nói.

Nhà thiết kế V.H ở TP.HCM thì chia sẻ rằng chi phí mà anh bỏ ra để đưa một hoa hậu dự HHTG cũng khoảng... 200 triệu đồng, trong đó 50 triệu cho việc thuê ê kíp chụp ảnh làm poster quảng bá hình ảnh, 50 triệu cho việc nối tóc, tẩy trắng răng, mua các phụ kiện cần thiết và 100 triệu cho việc thiết kế áo tứ thân, áo dài mặc trong quá trình dự thi.

Những danh hiệu ảo nhằm "đánh bóng" tên tuổi

Người mẫu T.Đ kể rằng việc một số người mẫu, người đẹp được cử đi tham dự một cuộc thi nhan sắc quốc tế rồi khi trở về nước tự khoác lên mình danh hiệu phụ nhằm "lòe" truyền thông và người hâm mộ để mong có thêm những hợp đồng quảng cáo, sô diễn khi về nước là điều có thực.

"Tôi từng theo dõi và tìm trên trang web một cuộc thi nhan sắc dành cho nam giới và không tìm ra giải thưởng hay bất cứ một hình ảnh nào mà một người mẫu đã khoe với báo chí sau khi trở về từ cuộc thi. Tôi càng bất ngờ hơn khi có dịp tiếp xúc với ông chủ tịch cuộc thi năm đó và được biết họ không hề trao giải này cho thí sinh Việt Nam" - người mẫu T.Đ nói.

Cựu người mẫu H.V tiết lộ thực tế có những cuộc thi chỉ cần thí sinh đăng ký là có giải vì thực tế lệ phí để tham gia còn cao hơn là giải thưởng. Vì thế, nhiều người đẹp thi hoài vẫn không đoạt được danh hiệu tại các cuộc thi lớn trong nước nên tranh thủ tham gia những cuộc thi quốc tế như thế này để được những danh hiệu ảo nhằm "đánh bóng" tên tuổi của mình.

Với một chiều cao rất khiêm tốn dưới 1m70, Vũ Hương Giang và Dương Trương Thiên Lý - hai người đẹp từng dự Hoa hậu Thế giới 2005 và 2008 thừa biết khả năng đoạt giải của mình đến đâu nên khẳng định một cách rất khiêm tốn ngay trước ngày lên đường đi thi để học hỏi, để tự tin hơn.


Người đẹp Chung Thục Quyên.

Còn Chung Thục Quyên, người từng so tài ở nhiều cuộc thi (Nữ hoàng du lịch quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia) lại cho rằng đi thi quốc tế còn là dịp để đánh bóng tên tuổi của chính mình. Đối với Phương Mai - Top 10 Siêu mẫu Châu Á 2009, vị trí này đã giúp cô nhiều trong việc đi diễn, tự tin hơn, cát sê cao hơn, được mời tham gia nhiều sô hơn.

Các cuộc thi quốc tế là một trong những đấu trường sắc đẹp lớn, nơi người đẹp nào cũng mơ ước được tham dự. Nhưng với việc thổi phồng giải thưởng, sự "gian lận" trong việc tự phong danh hiệu đã biến các người đẹp từng tham dự các cuộc thi quốc tế trở nên hỗn tạp khiến khán giả bội thực và càng xa lánh hơn.

Sơn Hà