Tuy chỉ có 23 trong tổng số 66 tham luận (cùng 5 ý kiến phát biểu) được trình bày trên diễn đàn do thiếu thời gian, nhưng chủ đề của hội thảo đã được giải quyết tốt. Nhiều tham luận tại hội thảo khẳng định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là quan hệ nội tại, mang tính bản chất. Nó phải được giải quyết hài hòa, để tăng trưởng kinh tế là tiền đề, điều kiện phát triển văn hóa. Ngược lại, phát triển văn học nghệ thuật là mục tiêu và động lực của tăng trưởng kinh tế.
Quang cảnh hội thảo |
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã đưa ra dẫn chứng về nhiều thành tựu, như chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta có xu hướng liên tục tăng bậc, hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói giảm nghèo trước hạn đến 10 năm. Hoạt động sáng tạo trong điện ảnh, văn học, âm nhạc... mở rộng biên độ phản ánh và có bước phát triển mới. Dù suy thoái kinh tế, Nhà nước vẫn bảo đảm chi 1,9% ngân sách đầu tư cho văn hóa, có năm đạt hơn 2,1%...
Tuy nhiên, giữa những thành tựu văn hóa, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế không thể tránh khỏi trên con đường phát triển. Ngoài những hạn chế tầm vĩ mô như phát triển văn hóa chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, tư duy văn hóa chậm đổi mới so với kinh tế, thì còn những yếu kém gây bức xúc ở các lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, tệ nạn xã hội, tội phạm và các sản phẩm độc hại làm suy đồi đạo đức, nạn bạo lực diễn ra ngay trong nhà trường, đặc biệt là những vụ học sinh nữ bạo hành, lột áo nhau.
Giải pháp và những câu hỏi còn lại
Không những không ngợi ca thành tựu hay nêu hạn chế phiến diện, nhiều tham luận đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp cấp bách. Chẳng hạn, cần khẩn trương xây dựng, bổ sung các tiêu chí về văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hóa thẩm mỹ..., đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục đào tạo, xem đầu tư văn hóa là đầu tư cho phát triển...
Các chế độ về lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp... cũng được một số ý kiến đề nghị khẩn trương rà soát, bổ sung và xây dựng mới. Đáng chú ý, việc mở rộng và coi trọng chất lượng đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa đã được khẳng định tầm quan trọng. Không chỉ phải nâng sức hấp dẫn của các sản phẩm văn hóa, tạo nên những thương hiệu đậm bản sắc dân tộc, việc nghiên cứu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong phát triển văn hóa vận dụng vào trong nước cũng được nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với chủ đề rộng lớn của cuộc hội thảo, ban tổ chức cho biết không có tham vọng giải quyết gói gọn các vấn đề. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng "còn khá nhiều vấn đề cần được tiếp thu nghiên cứu, trao đổi, tranh luận" như một số kiến nghị được nêu trong tham luận cũng như phát biểu qua hai ngày hội thảo.
Đó là những câu hỏi chưa có thời gian, điều kiện để giải quyết rốt ráo như: Có thị trường văn hóa, có thể thương mại hóa hay không? Có nên tiến hành tổng kết điển hình những chuyển đổi trong các giá trị văn hóa từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, như ý kiến của GS Nguyễn Đức Bình? Nghệ thuật biểu diễn là hoạt động công ích hay kinh doanh (ý kiến nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), hoặc như tham luận của PGS.TS Trần Luân Kim, làm gì để khắc phục nhanh tình trạng phân bổ lợi ích văn hóa ngày càng dãn cách giữa thành thị và nông thôn?...
Long Hà