– Gặp rắc rối trong cuộc sống, nhiều người đã tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý với hi vọng được chia sẻ và muốn được giúp đỡ để tìm ra cách giải quyết. Tuy nhiên, không phải người nào cũng đạt được ý nguyện. Có người sau khi tư vấn tâm lý xong còn bị stress nặng nề thêm.
Rối rắm vì tư vấn tâm lý
Nhiều chuyên viên tư vấn tâm lý vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống đã đưa ra những lời tư vấn khiến khách hàng stress thêm (Ảnh minh họa: phunuonline) |
Trên một số diễn đàn trực tuyến đã có những câu chuyện “để đời” về cách tư vấn tâm lý mà các thành viên của diễn đàn đã trải qua trong thực tế.
Có những trường hợp theo nhận xét của “người trong cuộc” là hôn nhân chưa đến mức phải li dị, nhưng chuyên viên tư vấn khuyên “chắc như đinh đóng cột”: li dị là cách tốt nhất!
Khi phản ứng lại với cách tư vấn trên vì cho rằng không phù hợp, vị khách lại tiếp tục nhận được một câu tư vấn: “Vậy chị nên sinh thêm một đứa con nữa. Tuổi chị năm nay mà có con thì mọi chuyện buồn đều sẽ qua đi hết” (!?)
Những trường hợp đưa con (độ tuổi dậy thì) đi tư vấn tâm lý ngày càng nhiều và những câu chuyện về tư vấn vẫn hàng ngày diễn ra. Chị Ly từng phát hiện con gái yêu khi mới học lớp 7, sau khi bị bố mẹ phát hiện thì trở nên xa lánh, lầm lì, ít nói và không còn chia sẻ với bố mẹ như trước đây.
Lo lắng khoảng cách ngày càng bị nới rộng, chị Ly tìm đến một trung tâm tư vấn tâm lý ở Hà Nội để tìm cách giải quyết.
Nhân viên tư vấn cho rằng chị nên để tình yêu của các con phát triển tự nhiên, với lý lẽ “học sinh lớp 7 bây giờ cũng đã rất lớn rồi (?!)” và “yêu cũng là cách để giải tỏa stress cho các cháu, nhất là khi các cháu phải học tập nặng nề, cha mẹ lại đi làm suốt, cháu không có cách nào để chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống của mình”.
Hiện nay, lứa tuổi học sinh (từ cấp 2 đến cấp 3) là đối tượng có nhu cầu tư vấn tâm lý rất cao nhưng có không ít trường hợp đã nhận được những tư vấn kiểu như trên khiến các phụ huynh khá bức xúc. Thậm chí có người không đi thẳng vào vấn đề mà chỉ hỏi lan man những chuyện ngoài lề khiến khách hàng bực mình.
Theo Giáo sư, Viện sỹ Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) thì kết quả của họat động tư vấn tâm lý còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng tiếp thu của người được tư vấn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những cách tư vấn như trên có thể khiến khách hàng choáng hoặc bị stress nặng nề hơn. Những tư vấn kiểu vậy cho thấy trình độ người tư vấn rất hạn chế, kiến thức non kém, kinh nghiệm sống chưa nhiều.
Cảnh báo với tư vấn, điều trị cho trẻ tự kỷ
Điều trị cho trẻ tự kỷ là cả một vấn đề ở Việt Nam. Có nhiều trung tâm tư vấn điều trị trẻ tự kỷ mọc lên để đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng thiếu sự kiểm soát, dẫn đến tình trạng các trung tâm “tự tung tự hứng) (Ảnh minh họa: GDTĐ) |
Vài năm trở lại đây, “tự kỷ” luôn là cụm từ ám ảnh những bà mẹ có con không may mắc phải căn bệnh này. Một trong những biện pháp được dùng để cải thiện tình trạng bệnh là điều trị tâm lý cho trẻ. Nắm bắt được xu hướng này, các phòng khám và điều trị bệnh tự kỷ đã mọc lên nhanh chóng. Nhưng phản ánh từ những phụ huynh đã sử dụng dịch vụ ở các phòng khám này cho thấy có nhiều vấn đề về chất lượng.
Chị Nguyễn Ngọc Vân từng đưa con đi khám tại một trong những phòng khám trẻ tự kỷ có tiếng ở Hà Nội. Con chị Vân mắc bệnh tự kỷ với các biểu hiện như phản xạ chậm, không dám và không muốn giao tiếp với ai…
Khi đến phòng khám này, con chị Vân được khám qua loa (hỏi han một số câu về sức khỏe, tâm lý) rồi bác sỹ kết luận phải cho cháu học ít nhất 10 buổi (mỗi buổi giá 100.000 đồng/giờ) thì mới xác định được mức độ tự kỷ của bé
Điều đáng nói là thay vì hỏi han thông tin về bệnh nhân nhiều hơn với một thái độ tận tình, tạo cho khách hàng sự an tâm thì vị bác sỹ này luôn miệng nói về cá nhân và trung tâm với hàng loạt “chuyến đi công tác, hội thảo nước ngoài với các chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh tự kỷ” như để khẳng định uy tín và tầm vóc của trung tâm, khiến chị Vân rất khó chịu.
Nhắm mắt cho con đi học, sau 10 buổi, tệ nhất là chị không có cảm giác con mình khác đi so với trước khi điều trị. Chị Vân cũng lưu ý cách điều trị ở trung tâm này cũng rất khác với ở những nơi khác (như khoa Tâm bệnh ở bệnh viện Nhi TW). Tại đây, các cháu mắc bệnh tự kỷ sẽ được dạy cách hòa nhập, cởi mở theo một “giáo trình” cụ thể và cha mẹ có thể đo được sự tiến bộ của con mình.
Giáo sư Phạm Minh Hạc cho rằng, phản ứng này của khác hàng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Lý do là vì hiện nay ở Việt Nam, thậm chí đến một cuốn giáo trình chính thống về căn bệnh này còn chưa có.
“Bệnh tự kỷ rất phức tạp,
người mắc bệnh hi vọng rất nhiều vào tâm lý trị liệu vì hiện chưa có thuốc chữa.
Nhưng các trung tâm tư vấn tâm lý làm như thế nào, có đúng khoa học không thì
không ai kiểm soát cả”, GS Hạc nói.
Nhu cầu
cao, lợi nhuận lớn, quản lý lỏng lẻo
Không có số liệu khảo sát gần đây liên
quan đến tỷ lệ người gặp vấn đề về tâm lý ở Việt Nam, nhưng theo số
liệu khảo sát thực tế của Hoffmann-La Roche
(tiến hành nhằm đánh giá tình trạng stress ở Việt Nam vào năm 2002)
thì tỷ lệ bình quân người bị stress trong cả nước là... 52%. Riêng
Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lần lượt là 55% và 52%. Một người trực tiếp làm trong lĩnh vực này là bác sỹ Nguyễn Văn Dũng – Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Vài năm trở lại đây, trong số các bệnh nhân bị tâm thần/có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi)” Trong khi nhu cầu của xã hội là rất lớn thì theo GS Phạm Minh Hạc, hiện nay chưa có một đơn vị nào đào tạo bài bản chuyên viên tư vấn tâm lý và đây cũng chưa được coi là một nghề vì chưa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận. “Vì thế, không có ai kiểm soát các trung tâm và họ cứ tự tung tự hứng, nhiều nơi kiếm ra rất nhiều tiền nhờ họat động này”, GS Hạc nói. |
N.Anh