- Theo đánh giá của các nhà khoa học, có nhiều cây lim ở đây trên dưới 800 năm tuổi. Hiện 54 cây lim cổ thụ đã được đánh số và đưa vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt.


Vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức vinh danh công nhận 54 cây lim ngót nghìn tuổi tại Đền Cao, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương là Cây Di sản Việt Nam.

Để bảo vệ những cây cổ thụ, quý hiếm, cây có giá trị cao về mặt tinh thần cũng như thời gian, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc vinh danh cây di sản từ nhiều năm nay. Theo quy định, cây di sản không chỉ là cây mọc trong các khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia mà có thể mọc ở bất cứ đâu, nông thôn hay thành thị, trên đường hay trong vườn, sở hữu công hay tư nhân

Ý tưởng vinh danh cây di sản được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (BVTN&MTVN) thực hiện nhằm huy động cộng đồng chung sức bảo vệ môi trường sống của con người. Đến nay Hội BVTN&MTVN đã tổ chức vinh danh cây di sản cho 64 cây cổ thụ, ngoài 54 cây lim này còn có chín cây muỗm ở Đền Voi Phục (Hà Nội), một cây thị ở Huế.

54 cây lim trên là những cây còn giữ lại được từ rừng lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng gắn với di tích lịch sử Đền Cao được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ năm vị tướng đồng thời là năm anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981.


Ngày 25/02/2011, Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam đã làm lễ gắn bia Cây di sản cho 54 cây lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng.

Người dân ở đây cho biết, rừng lim cổ thụ này gắn liền với lịch sử ra đời và tồn tại hơn 1000 năm của ngôi đền thờ 5 anh em họ Vương này.

Mỗi cây lim cổ thụ đều được gắn số kèm theo biển báo nghiêm cấm chặt phá.


Giống như nhiều cây lim cổ thụ ở đây, một trong những cây lim cao niên nhất mang trên thân chiếc bướu hình con cáo cuộn tròn gắn với nhiều sự tích được người xưa truyền lại đến ngày nay.

“Cụ” lim với cây đa sống tầm gửi trên thân được người dân quanh vùng ví như tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt.
 “Cụ” lim này án ngữ bên cổng đền đã ngót ngàn năm.


 Một cao niên của thôn Đại, nơi “sở hữu” rừng lim, ông Dương Văn Tuynh cho biết cách đây mấy chục năm ban lãnh đạo Hợp tác xã thời ấy đã định chặt lim để làm nông cụ, bán ghế… nhưng do tâm linh những người dân trong thôn, xã cứ hai, ba người ôm một gốc lim phản đối nên rừng lim này mới còn đến bây giờ.

Mật độ dày những cây lim cổ thụ trước sân Nhà Long giá chứng tỏ người dân đã bảo vệ, giữ gìn rừng lim cổ rất nghiêm ngặt.

Điểm đặc biệt là tất cả những cây lim còn lại đến ngày nay đều nằm gọn trên quả đồi có tên là núi Thiên Bồng và trải qua chiến tranh, bom đạn mà chưa bao giờ bị tàn phá.


Đường lên Đền Cao hai bên xỏa những cành lim râm mát ngay cả trong những ngày nắng to.

Gốc một “cụ” lim đã xuất hiện dấu hiệu của mối.

 Rất nhiều cây lim đang lớn lên xung quanh khu Đền Cao bên cạnh 54 cây lim đã được vinh danh là cây di sản.

Anh Lê