- Chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt, những thù hằn cay cú không đáng có, hay chỉ là 1 thú vui, 1 trò giải trí, không ít cô cậu bé tuổi teen sẵn sàng trở thành “kẻ chủ mưu” cho những quái chiêu “khủng bố” nhau trên mạng mà không hề lường hết hậu quả hành động thiếu suy nghĩ của mình. Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi những tổn hại tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là không hề nhỏ…

Ngỡ ngàng với những lý do "chơi xấu"

Tưởng rằng chỉ có những teen có “máu mặt”, chuyên đi “gây thù chuốc oán” với thiên hạ mới “có khả năng” trở thành mục tiêu của các trò chơi xấu, trả đũa trên mạng, nhưng thực tế lại không hoàn toàn là như vậy.

Có không ít những trò chơi xấu bắt nguồn từ những lý do hết sức…trên trời, đôi khi còn hết sức khó tin. “Nạn nhân” Hoàng V. (15 tuổi) từng gặp phải trường hợp như vậy.

Chỉ vì bất đồng ý kiến khi “tán chuyện” về một chàng diễn viên Hàn Quốc điển trai, V và cô bạn gái thân đã xảy ra cãi cọ. Vốn chơi thân từ nhỏ, cãi nhau xong là V. xem như xong chuyện, nào ngờ trong lúc nóng giận, cô bạn đã đem những câu chuyện bí mật “sống để bụng, chết mang theo” của V. nói tràn lan trên mạng ảo, thậm chí cô bạn còn mang các bức ảnh xấu xí nhất của V. ra bêu rếu và gán cho V những tiếng xấu mà đến chính V. còn không thể tưởng tượng nổi.

Đôi khi teen chơi xâú nhau vì những lý do hết sức "khó hiểu"

Ngỡ ngàng vì bỗng nhiên bị bạn bè trong lớp xì xào bàn tán về mình bao nhiêu, V. càng thấy buồn bấy nhiêu khi biết cô bạn thân chính là chủ mưu trò “chơi xấu” mình, V. còn buồn hơn nữa trước cái lý do vô cùng ngớ ngẩn khiến người bạn thân thiết bao năm đang tâm “phản bội” mình.

Tuấn A. (trường cao đẳng CN, Hà Nội) cũng bỗng dưng được “đặc cách” trở thành “nạn nhân” của một trò chơi xấu quái đản.

Suốt 1 tuần dài, Tuấn A. bỗng nhiên thuờng xuyên nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ các số máy lạ với những lời lẽ “mời mọc” rất thiếu văn hóa. Ban đầu Tuấn A. còn bình tĩnh vì nghĩ có sự nhầm lẫn nhưng đến khi số lượng các cuộc gọi “mời mọc” lên đến con số gần…trăm trong 1 ngày thì Tuấn A. gần như…phát điên.

Lờ mờ đoán được mình đang bị “chơi xấu”, cậu bạn vào cuộc “điều tra” thì mới…tá hỏa khi thấy tên, số điện thoại của mình “góp mặt” trên không ít web dành cho gay, web sex, thậm chí cả web dành cho les.

“Em gái mình “kết” 1 chàng hot boy trong trường nên suốt ngày thích…nháy máy điện thoại của anh chàng này. Nhưng tệ cái, không biết nó sợ cái gì mà chỉ lấy máy mình nháy chứ không bao giờ dùng máy của nó. Tệ nữa là chàng kia lại có “thú vui” cho tất cả các số máy nháy điện thoại của cậu ta vào diễn đàn của dân gay.

Vì em mình nháy máy cậu ta không phải 1 lần nên số của mình cũng không chỉ được đưa vào một diễn đàn gay. Biết chuyện thì giận đến…sôi người mà “trả thù” thì…không lỡ” - Tuấn A. ngao ngán nói.

Hậu quả khôn lường…

Có một thực tế đáng lo ngại là tần suất của các trò “khủng bố” nhau trên mạng đang ngày một tăng. Dù teen có ý thức được hết hậu quả hành động của mình hay không thì những tổn hại mà “nạn nhân” phải chịu đựng là không thể phủ nhận.

Khi bỗng nhiên “được” trở thành nạn nhân của 1 trò “chơi xấu”, nhiều người chọn phương án “ngó lơ”. Với quan điểm “cây ngay không sợ chết đứng”, Mai Phương, nạn nhân của một trò “rao tình” trên mạng thẳng thắn: “Mình chẳng cần phải thanh minh với ai cả, cứ kệ rồi mọi chuyện sẽ lắng xuống, mình không làm gì sai nên không có gì phải sợ. Mình tin mọi người đều biết mình là người như thế nào”.

Hậu quả của các trọ chơi xấu mà nạn nhân phải gánh chịu là không thể tránh khỏi

Cũng có những người khi bị oan thì vô cùng ấm ức và quyết tìm cho ra thủ phạm để “ba mặt một lời”, nhưng cũng có không ít trường hợp các teen sau khi là “nạn nhân” thì lại âm thầm lên kế hoạch để “trả thù” và lại tự biến mình thành “hung thủ”. Chính thực tế này là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng chơi xấu trên mạng ngay một tăng, thậm chí tạo ra một cơn lốc chơi xấu ngầm trong thế giới ảo.

Đó là phản ứng của những “nạn nhân” được xếp vào hạng có “thần kinh vững”. Còn với nhiều người, bị “chơi xấu” là một cú sốc cần nhiều thời gian để vượt qua.

Ngoan hiền, xinh xắn, lại học giỏi, Thảo L., sinh viên 1 trường đại học tại Hà Nội đã khiến trái tim của không ít chàng bảnh bao phải loạn nhịp, nhưng vì muốn chú tâm vào chuyện học tập nên L. không mấy quan tâm đến những lời có cánh từ các “cây si”. Nhưng chính vì vậy mà cô bạn đáng thương bỗng dưng được gắn cái “mắc”: kiêu, chảnh và trở thành “chủ đề” để các cô bạn xấu tính trong lớp bới móc, nói xấu.

Vốn hiền lành lại trầm tính, L. đã bị sốc nặng sau khi đọc được dòng chữ bôi xấu bên cạnh những bức ảnh của bản thân đã bị chỉnh sửa và tung lên một diễn đàn gái gọi.

Một thời gian dài sau đó, L nghỉ học ở nhà và không tiếp xúc nhiều với mọi người. Thậm chí, không ít lần L. đã phải tìm đến lời khuyên của chuyên gia tâm lý. Tâm hồn quá trong sáng, ngây thơ và non nớt của một cô gái nông thôn mới bước chân vào cuộc sống thành thị nhiều ghen ghét, đố kỵ đã bị một vết thương nặng trước một cú shock bất ngờ.

Có được sự động viên, an ủi, chia sẻ của người thân, và các chuyên gia tâm lý, L. cũng đã có thể được vượt qua cú shock. Tuy nhiên, cuối cùng cô bạn vẫn quyết định thi lại đại học để chuyển sang 1 ngôi trường mới.

Tại nhiều nước trên thế giới, có không ít trường hợp nữ sinh đã tử tự khi bị “chơi xấu” trên mạng. Việc bắt nạt, nói xấu qua web cá nhân, blog, tung tin đồn sai lệch trên các trang web bẩn được nhận định còn nguy hiểm hơn bạo hành ở trường học. Ở trường thì các teen còn có thầy cô và bạn bè, còn ở trên mạng, họ bị tra tấn bởi các tin nhắn và điện thoại, không có lối thoát, và cũng khó khăn hơn cho phụ huynh khi phát hiện ra sự việc.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, khi trở thành “nạn nhân” của một trò chơi xấu, trước tiên nên bình tĩnh, không nên phản ứng quá vội vàng. Cần xem xét lại vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá lỗi lầm từ cả hai phía có thể nhìn nhận sự kiện một cách tích cực hơn.

  • Cao Thùy Thơm