- "Đừng trông chờ một cơ chế quản lý nào bảo vệ bạn trên mạng, còn nếu bạn không đủ sức đề kháng, không có bản lĩnh, vậy bạn đừng online và đừng gây chiến", blogger Trang Hạ khẳng định.


Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng công nghệ thông tin làm vũ khí tấn công như gửi tin nhắn đe dọa, tung ảnh nóng, clip sex của người khác lên mạng, đưa số điện thoại của nhau vào các diễn đàn gay, gái gọi, lập blog giả để nói xấu nhau... ngày càng gia tăng.

Là một blogger nổi tiếng trong cộng đồng mạng, Trang Hạ không ít lần trở thành nạn nhân của trò "khủng bố" này. VietNamNet xin chia sẻ với cộng đồng mạng giải pháp "sống chung với lũ" của Trang Hạ.

Tôi đã nhiều lần phải đóng cửa blog để tự vệ


Mạng là nơi một người có thể giấu mặt và tên thật sau một nickname, vì thế, có nhiều người thích dùng chiêu “ném đá trên mạng” với bất cứ thứ gì họ không ưa, cho dù đó là một tác phẩm, một nhà văn hay một blogger họ thấy gai mắt.

Tôi không chỉ nhận nhiều trận “mưa đá” và chửi bới miệt thị, thậm chí tôi còn được nhận các bức ảnh sex ghép đầu tôi vào, hoặc một bức biếm họa Trang Hạ đang trần truồng cưỡi trên cây bút, với lời chú thích: “Trang Hạ - một con điếm chữ!”.

Thậm chí, còn có lần khi sóng gió trên mạng nổi lên quanh những nội dung liên quan đến lý tưởng và quan điểm sống trên blog Trang Hạ, những kẻ xấu đã dùng phần mềm để clone (nhân bản) vô số lời chửi bới để dán vào phần comments của mọi bài viết trên blog tôi, mà để xóa nó, với tốc độ mỗi phút xóa 20-25 comments tục tĩu, tôi đã phải ngồi ròng rã vài ngày.

"Không có mạng xã hội nào giết người được, chỉ có nạn nhân tự để cho mình trở thành nạn
nhân mà thôi" (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nghiêm trọng nhất là lần bị kẻ xấu tạo blog giả Trang Hạ (với ảnh đại diện và nickname hiển thị giống hệt blog tôi) để chửi bới, viết bậy bạ, rồi họ lại tự chụp ảnh màn hình lại những thứ đó để… làm bằng chứng bôi nhọ tôi.

Tôi đã nhiều lần phải đóng blog lại để tự vệ và ngăn chặn những sự công kích dữ dội. Thế nhưng sau một thời gian, tự tôi nhận ra rằng, những lời khen ngợi trên blog đâu có làm tôi thấy vẻ vang tự hào, vậy những lời xúc phạm trên blog càng không thể quyết định sự nghiệp hay cuộc đời tôi, hay đối với bất cứ ai. Vậy, hòn đá ác ý đã ném đi rồi, rời tay kẻ kia rồi, sao tôi cứ để nó nằm lại mãi trong lòng?

Đã có gan online phải chấp nhận chịu sự phiền toái


Những phản ứng tiêu cực của chúng ta trên blog không phải cách đáp trả tốt nhất mọi sự công kích, bởi người chịu thiệt thòi lại là hàng chục nghìn bạn đọc hàng ngày đã quen vào đọc blog Trang Hạ. Nếu đã lên mạng, buộc phải chấp nhận sự phiền toái của mạng, như thế mới là sòng phẳng.

Và nghĩ kỹ hơn, thì chúng ta làm sao bắt người đời phải tử tế với ta y như ta đang sống tử tế với đời được, đúng không? Mạng cũng vậy thôi, dù mạng chỉ là một cuộc đời ảo.

Người dùng mạng xã hội chỉ có một số biện pháp kỹ thuật hỗ trợ, ví dụ, ngăn chặn nick xấu không cho vào blog mình, hoặc tạo một thói quen im lặng với mọi công kích vô cớ. Thời gian sống nên tiêu phí vào những thứ đáng giá hơn.

Tôi nghĩ không có mạng xã hội nào giết người được, chỉ có nạn nhân tự để cho mình trở thành nạn nhân mà thôi. Ví dụ như, khi bị mỉa mai là xấu xí, bạn sẽ: Xóa nick? Đi thẩm mỹ viện sửa nhan sắc? Dùng photoshop cải thiện chân dung mạng? Reg nick đi chửi lại? Kêu gọi bạn bè xúm vào 'ném đá' bảo vệ mình? Cần 100 nick khác khen xinh để nguôi ngoai?

Chỉ cần chọn một đáp án, bạn đã tự làm bản thân trở thành nạn nhân của mạng. Bỏ qua lời mỉa mai ác ý vì bạn biết giá trị bản thân ở đâu, bạn đang tìm kiếm gì ở cuộc sống, bạn mới là người mạnh mẽ và hiểu biết. Khi đó, lại chẳng có nick nào biến nổi bạn thành kẻ bị hại nữa.

Những thị phi vô căn cứ trên mạng của những kẻ giấu mặt, ai quản lý nổi. Mỗi người chỉ nên tự xác định lấy những giá trị của bản thân cũng như những mục đích họ tìm kiếm trên mạng, từ đó điều chỉnh bản thân trong các mối quan hệ trên mạng ảo mà thôi.

Ví như, tôi là nhà văn mạng, tôi rất cần độc giả mạng, những ai không đọc, không phải độc giả, tôi sẽ không quan tâm, dù họ tỏ tình với tôi hay họ ném đá vào tôi. Đừng trông chờ một cơ chế quản lý nào bảo vệ bạn trên mạng, còn nếu bạn không đủ sức đề kháng, không có bản lĩnh, vậy bạn đừng online và đừng gây chiến.