- “Khi quân bạo loạn xông vào lán cướp điện thoại, lao động Philippines cưỡng lại thị bị bắn vỡ nát chiếc ti vi, rồi tên thủ lĩnh dí súng vào đầu lao động nên anh em chúng tôi hoảng hốt đành phải đưa hết điện thoại và những gì giá trị ra cho chúng”, anh Nguyễn Bá Nam, lao động từ Libya về nước bàng hoàng kể lại những ngày di tản, chạy khỏi bạo loạn ở Libya.

Cướp bóc và… dí súng vào đầu

Anh Nguyễn Bá Nam (29 tuổi, quê Hoàng Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) sang Libya làm việc từ tháng 4/2009 qua Công ty Vinaconex. Nhưng sang đến nơi, làm việc chưa hết hạn hợp đồng, anh Nam đã phải về nước trước thời hạn do tình hình khủng hoảng chính trị ở Libya. Giờ đây nghĩ lại những ngày cuối cùng chạy khỏi bạo loạn ở Libya, anh Nam vẫn không hết bàng hoàng.

Anh Nam kể: Công việc chính của anh là làm công trường cho công ty ANC tại sa mạc ở thị trấn Glamit với mức lương chính 4,8 triệu đồng/ tháng. Công việc đang diễn ra suôn sẻ, thì ngày 15/2, anh và các lao động Việt Nam bỗng nghe tin có bạo loạn ở Banghazhi.
 
Dù đã về nước an toàn nhưng anh Nam vẫn bị ám ảnh bởi cảnh bị cướp bóc ở Libya. 

Thông tin bạo loạn ngày càng lan rộng. Đêm 19/2, đúng 3h sáng bất ngờ có 2 chiếc xe 24 chỗ của quân bạo loạn ập thẳng vào lán trại của công nhân: Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ… bắn chỉ thiên đe doạ rồi cướp đi 14 chiếc xe con cùng máy tính và điện thoại di động.

“Khi quân bạo loạn xông vào lán cướp điện thoại, lao động Philippines cưỡng lại thị bị quân bạo loạn bắn vỡ nát chiếc ti vi đang xem, sau đó tên thủ lĩnh gí súng vào đầu lao động nên anh em chúng tôi hoảng hốt đành phải đưa hết điện thoại và những gì giá trị ra cho bọn chúng”, anh Nam bàng hoàng kể lại.

Sáng ngày 20/2, anh em lao động Việt Nam, Philippines, Thái  Lan, Ai Cập được công ty thông báo chuẩn bị di tản đến nơi an toàn thì cùng lúc gặp lực lượng quân đội về bảo vệ.  

“Khi lực lượng quân đội vào, họ cảnh tỉnh anh em chúng tôi phải luôn trong tình thế sẵn sàng tránh quân bạo loạn quay lại bất kỳ lúc nào. Họ nói nếu nghe có tiếng súng bắn chỉ thiên thì anh em phải chạy hết ra ngoài còn không thì nằm im tại chỗ không được đi đâu hết”, anh Nam cho biết.

Đêm đó, anh em lao động Việt Nam không ngủ được nên đã đốt lửa thức trắng đêm chờ di tản. Sáng hôm sau, anh em di dời đến trại 3 (một địa điểm ở Banghazhi), tại đây anh em được ăn uống và chờ giấy tờ, hộ chiếu từ Tổng công ty của chủ Libya đưa xuống để làm thủ tục về nước.

"Từ tổng công ty của chủ Libya tới nơi ở của anh em lao động phải gần 1.000 cây số, nên trong thời gian chờ giấy tờ hộ chiếu anh em phải tự đi lượm củi về nấu ăn. Bốn ngày chờ đợi giấy tờ, anh em chúng tôi phải sống kham khổ. Do lương thực khan hiếm, củi nấu không có nên anh em lao động phải tự đi lượm về để nấu ăn chống đói qua ngày.

Sau những ngày chờ đợi, cuối cùng ngày 4/2, anh em được đưa sang cửa khẩu của đất nước Tuynidi. Tại đây anh em lao động được Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cung cấp lương thực ăn uống rồi đưa về trại tị nạn. Đến ngày 6/3 chúng tôi được đưa lên máy bay về nước và đến 10h trưa ngày 7/3, về đến sân bay Nội Bài, kết thúc hành trình di tản khỏi Libya".

Thấp thỏm chờ tin người thân

Trong những ngày này, chị Lê Thị Vân (xã Trung Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) đang đứng ngồi không yên vì đã gần một tháng nay chị không nhận được liện lạc từ chồng.

Chị Vân bảo, chồng chị, anh Lê Hồng Văn (35 tuổi) sang Libya làm việc qua Công ty Vinaconex Mex đã được gần 1 năm. Khoảng 1 tháng trước đây khi điện thoại về cho chị, anh Văn nói sẽ về nước sớm vì tình hình căng thẳng ở Libya, nhưng chờ mãi cho đến nay chị vẫn bặt tin chồng.

“Thấy lao động Việt Nam bên Libya về nước gần hết mà không thấy chồng về tôi lo lắm! Tuần trước tôi có điện ra ngoài công ty thì được họ nói chồng tôi sẽ về bằng đường biển và sẽ cập cảng Hải Phòng vào ngày 21/3 này, nhưng mới hôm qua nghe đài thông báo có thể chuyến tàu đưa lao động cuối cùng sẽ về đến Hải Phòng vào ngày 24/3. Tôi nghe mà chẳng biết thế nào nữa, chỉ mong sao trong chuyến tàu tới chồng tôi sẽ về nước an toàn”, chị Vân nói với nét mặt lo lắng.
 
Ngoài hơn 9.000 lao động Libya đã về nướcan toàn hiệm vẫn còn hơm 1.000 lao động vẫn chưa được về nước.

Không chỉ thấp thỏm chờ tin chồng, trong những ngày này chị Vân đang không biết phải xoay sở thế nào với khoản nợ gần 40 triệu đồng mà vợ chồng chị vay ngân hàng và vay ngoài cho anh Văn đi XKLĐ ở Libya.

Chị Vân bảo: Kể từ ngày sang Libya đến nay, anh Văn đã gửi về cho chị gần 20 triệu đồng. Số tiền này chị phải tằn tiện lo cho con ăn học rồi ốm đau nên tích cóp trả nợ cũng chưa được là bao. Giờ đây, tin chồng chưa thấy, nợ ngân hàng đã sắp đáo hạn. Thêm vào đó là nợ vay ngoài họ cũng đến đòi, nên chị đang không biết phải làm sao nữa.

Cũng lâm vào cảnh như chị Vân, suốt hai tuần nay, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thảo và bà Nguyễn Thị Bé ở xã Trung Chính như ngồi trên đống lửa vì người con trai thứ Nguyễn Hữu Minh (23 tuổi) đi lao động xuất khẩu ở Libya vẫn chưa thấy về.

Ông Thảo bảo: Sau hôm có thông tin sẽ đưa toàn bộ lao động Việt Nam từ Libya về nước, Minh có điện về cho vợ chồng ông nói đang di tản ra khỏi công trình để về nước thì điện thoại mất sóng, từ đó đến nay vợ chồng ông không nhận được bất cứ liên lạc nào từ Minh nữa.

“Mất liên lạc với con, trong khi số lao động về nước đã gần hết mà vẫn chưa thấy con mình về nên vợ chồng tôi lo lắm. Bà nhà tôi đã mấy tuần này không ngủ được, đêm nào cũng khóc vì không biết thằng Minh có mệnh hệ gì không”, ông Thảo cho biết.

Trong khi đó, thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Con tàu chở khoảng 1.100 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước sẽ cập cảng Hải Phòng vào ngày 24/3 tới. Đây là những lao động cuối cùng tại Libya về đến Việt Nam sau hơn 9.000 lao động đã về nước bằng đường hàng không. Số lao động này do Công ty VINACONEX MEC và Công ty VTC CORP đưa đi.

Để việc đón số lao động trên an toàn, trật tự và nhanh chóng về gia đình ổn định cuộc sống, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/3/2011, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn gửi Các Bộ Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao; và Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng đề nghị phối hợp trong việc đón lao động.

Được biết: Ngày 17/3/2011, Công ty CONSTRUTORA QUEIROZ GALVAO S.A. (Brazil) là Công ty sử dụng số lao động nói trên tại Libya đã cử 1 đại diện sang Việt Nam để phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng đón lao động và để họp với Cục Quản lý lao động ngoài nước về vấn đề trên.

Ngày 19/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức cuộc họp với các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp tại Hải Phòng để thống nhất phương án tổ chức đón tiếp người lao động.

Vũ Điệp