- Xăng tăng giá, kéo theo tiền nước, tiền sinh hoạt, vệ sinh, thực phẩm cũng tăng, khiến cho đời sống hàng nghìn người dân nghèo, sinh viên, những người có thu nhập thấp phải lao đao, chật vật.
Chiêu tiết kiệm lạ thường khi giá xăng tăng
Giá xăng tăng thêm 2000 đồng/lít
Giá xăng tăng lên 21.300 đồng
Việc xăng sẽ tăng giá không mấy ai là không biết, nhưng xăng đột ngột tăng giá vẫn khiến cho không ít người bất ngờ.
Rất nhiều độc giả có chung sự bày tỏ: “Giá xăng lên kéo theo giá cả thị trường lên, lương thì không lên”.
Người dân nháo nhào đi đổ xăng trước giờ tăng giá - (Ảnh: Internet) |
Tại nơi công sở, mọi người vẫn bàn tán xôn xao về tin giá xăng tăng đột biến. Chị Minh than với bạn đồng nghiệp: “Xăng tăng thế này thì chết, có khi em lại phải đi xe đạp mất thôi”.
Những người có thu nhập thấp và trung bình đều có cảm giác hoang mang, lo lắng mỗi lần xăng tăng giá. Một số người còn lo xa hơn như anh Dũng, nhân viên văn phòng: "Tôi lo ngại sắp tới lạm phát sẽ gia tăng, lương thì chưa tăng, cuộc sống thấy bấp bênh quá!".
Xăng, dầu tăng giá cũng khiến những người lái xe ôm không khỏi lo âu. Anh Nguyễn Văn Thùy, lái xe ôm ở đường La Thành cho biết, giá xăng tăng thì chắc chắn giá đi xe ôm cũng sẽ phải tăng.
“Mấy lần trước xăng dầu tăng giá buộc cánh lái xe ôm chúng tôi cũng phải tăng giá theo. Mỗi lần giá xăng dầu tăng, lượng khách đi xe ôm ngày càng ít đi, trong khi người chạy xe ôm ngày càng đông hơn, kiểu này đến phải chuyển nghề mất thôi” - anh Thùy than thở.
Xăng dầu, điện tăng giá, kéo theo tiền nước, tiền sinh hoạt, vệ sinh, thực phẩm cũng tăng, khiến cho đời sống hàng nghìn người dân nghèo, sinh viên, những người có thu nhập thấp phải lao đao, chật vật với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, học hành...
Bạn Hứa Thu Thủy, sinh viên Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Nhà nước tăng giá điện và giá xăng dầu nên nhà trọ nào cũng tăng giá là chuyện bình thường. Tháng này nhà em trọ cũng tăng, tính cả tiền điện nước vào với tiền phòng là tăng tổng cộng 200 nghìn đồng, cái gì cũng tăng, choáng 'toàn tập' luôn".
Cuống cuồng đối phó
Xăng tăng giá, người người lo lắng, cuống cuồng nghĩ “kế” đối phó.
“Nhà cách cơ quan khoảng hơn 2km, mai đi bộ đi làm cho đỡ tốn xăng! Đang phải bóp mồm bóp miệng tiết kiệm đủ thứ giờ tối về lại thêm bóp chân nữa” - bạn có nick Honey… chia sẻ.
Sắm chiếc xe ga từ lâu, trước khi xăng tăng giá chị Nguyệt cũng phải hạn chế đi lại bởi xe ga khá “ngốn” xăng, còn hiện tại thì chiếc xe ga thường xuyên… để ở góc nhà. Chị Nguyệt đã tính đến một phương án tiết kiệm hơn, đó là đi xe buýt.
Nhiều chị em công sở lại lựa chọn cho mình một phương tiện mới. Sau mấy ngày tham khảo, chị Hoa quyết định chọn chiếc xe đạp Delta khá gọn, màu trắng khá bắt mắt để đi làm. “Xăng tăng quá, tôi chọn chiếc này vừa rẻ lại không tốn xăng mà tốc độ chạy 40 - 50 km/h thì cũng chẳng thua gì xe máy", chị Hoa cho biết.
Thời gian gần đây, xe đạp điện đang có xu hướng “soán” ngôi xe máy. Đặc biệt là thời điểm giá xăng tăng kỉ lục như hiện nay. “Đi xe đạp điện cũng đẹp, gọn trông khá nữ tính và lại dễ đi nữa. Tôi đi thấy thích hơn xe máy, những lúc thong thả, đường vắng chút, tôi có thể tự đạp xe, vừa khỏe người, lại kinh tế”, cô gái trẻ tên Lan cho hay.
Xe đạp lên ngôi thời xăng tăng giá (Ảnh:Internet) |
Đối phó với mức tăng cao kỷ lục của giá xăng, nhiều tài xế taxi lại tìm cách để tiết kiệm tối đa chi phí. Anh Nguyễn Văn Việt, hay bắt khách quanh khu vực đường Trần Duy Hưng - Phạm Hùng kể, bình thường, cứ có điện thoại của tổng đài là các tài xế lại chạy đi đón khách. Nhiều khi, hai xe cùng hãng lại “đụng” nhau cùng một địa điểm là chuyện bình thường.
Người đi làm đã khổ, giới sinh viên cũng méo mặt theo giá tăng vút cao. Sinh viên Nguyễn Thị Yến ở Đại học Kinh tế cho biết: "Giá xăng tăng thì em ít đi chơi, mà em mới nghĩ ra cách này, đổ xăng thì nên đổ vào buổi sáng, lúc ấy nhiệt độ thấp, xăng co lại, tầm trưa nắng xăng giãn ra nên sẽ hao hơn. Giá thực phẩm tăng thì ăn ít đi, vừa tiết kiệm lại còn giảm béo, chứ bình thường bảo nhịn ăn mà giảm béo thì không làm được, giờ cái gì cũng đắt nên mua nhiều thì xót".
Không chỉ biết than thở, giới sinh viên còn vội vã truyền tai nhau những “mẹo” tiết kiệm để đối phó với tình hình giá xăng tăng.
“Ra đường nên xác định cần thiết hãy đi. Nếu đi gần nên dùng xe máy hoặc đi bộ. Nếu đi ngoại tỉnh mới nên đi ô tô. Nếu đi chơi vài người không xác định được giờ giấc thì nên chọn xe buýt hoặc taxi. Khi tắc đường nên tắt máy động cơ nếu chờ lâu quá 2 phút. Khi dừng xe nên tắt máy trước khi về số…” - một sinh viên đưa ra lời khuyên.
Quỳnh Anh (Tổng hợp)