Hàng trăm phụ nữ ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị mất tích bí ẩn trong mấy năm vừa qua đang trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống của người dân. Có gia đình, cả hai cô con gái xinh đẹp như bông hoa rừng cũng bị mất tích. Nhiều gia đình đang phải đối mắt với nỗi đau con thơ mất mẹ, vợ mất chồng…
Đến Bắc Hà, vùng đất cao nguyên trắng, hỏi thăm về những thôn bản để nhận thấy vùng đất này đang phải đối mặt với nạn “phụ nữ mất tích”. Hướng mà người dân xác định là phụ nữ ở đây đã được đưa qua biên giới phía Bắc, sang Trung Quốc.
Anh Nguyễn Đức Công - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra về tệ nạn xã hội huyện Bắc Hà cho biết, từ năm 2005 trở lại đây, riêng xã Bản Phố đã có hơn 80 phụ nữ mất tích bí ẩn. Trong đó năm 2009 có nhiều người mất tích nhất là 23 người, độ tuổi thường từ 14 trở lên.
Những người phụ nữ có tuổi, còn xinh xắn, cũng là “điểm ngắm” của bọn buôn người. Nhẩm tính, đầu năm 2010 đến nay Bản Phố cũng có 29 người bị dụ dỗ, lừa bán hoặc bị nghi lừa sang Trung Quốc để làm vợ lẽ, hoặc làm nhiều công việc vất vả khác.
Thiếu nữ xinh đẹp ở vùng cao dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người |
Anh Công tỏ ra xót xa: “Nhiều người phụ nữ Mông cực khổ quá, hoặc đói nghèo đến nỗi khi nghe tới cuộc sống tốt đẹp ở miền đất xa xôi họ chẳng nghi ngại gì, cứ theo nhau lao sang bên kia biên giới. Đi rồi đi mãi, không thấy ai về. Từ đó có nhiều tin đồn, người thì nói ở bên kia sung sướng quá, phụ nữ không muốn về quê hương nữa. Cũng có cô gái tự bỏ đi, khi cuộc sống khổ cực, hoặc ở tuổi 25 đến 28 mà chưa lấy được chồng. Họ được người ở phía bên kia (Trung Quốc) gọi điện, thế là bỏ nhà đi theo luôn. Cứ như bên đó là miền đất hứa không bằng.”
Sau này, chính quyền và người dân ở Bắc Hà đề phòng, cảnh giác hơn với những lời dụ dỗ. Bọn tội phạm lại nghĩ ra chiêu thức mới, đó là thuê những người môi giới đóng làm bà mai, bà mối để lừa lọc. Chúng cũng vờ tổ chức cưới xin hẳn hoi, nên nhiều gia đình, các cô gái nhẹ dạ mắc mưu.
Từ năm 2007 đến năm 2009 là ba năm Bắc Hà có nhiều người bị lừa hoặc nghi bị lừa bán nhất. “Hàng” được đưa lên Mường Khương, biên giới Xín Mần (Hà Giang), cửa khẩu Phố Tèo (TP. Lào Cai)… rồi đưa sang Trung Quốc giao dịch. Giá của mỗi người được định là khoảng 10 triệu đồng. Có gia đình hai cô con gái xinh đẹp như bông hoa rừng bị bắt. Nghệ nhân nấu rượu Ma Seo Dí cũng có cô con gái Ma Thì Dở (sinh năm 1982) bị dụ dỗ bắt đi, đến nay gia đình vẫn chưa có tin tức gì.
Ông Dín nói trong ngậm ngùi: “Con Dở đã có chồng và hai con, nhưng nhìn nó còn xinh lắm. Năm 2007, Dở đi chợ, có thằng bảo nó lên xe ôm, chở về cho đỡ mỏi chân. Dở nhẹ dạ nghe theo, thế là bị nó chở đi mất, không về được nữa. Hai đứa con của nó giờ thì không có mẹ chăm sóc. Năm đó, nó cứ khóc suốt đòi mẹ. Ở đây, nhiều đứa trẻ tội nghiệp, vì mẹ bị bắt đi không về. Chẳng ai biết cái thiên đường mà nhiều kẻ nói láo là có thật không nữa.”
Nỗi hoang mang
Nguyên nhân chính của nạn “phụ nữ mất tích” ở Bắc Hà được xác định là do phong tục tập quán còn lạc hậu, con gái dễ tin kẻ xấu; do đời sống kinh tế khó khăn và do những mâu thuẫn trong gia đình gây áp lực và sự tủi thân cho người phụ nữ. Bọn tội phạm, với nhiều mánh khóe đã nghĩ ra nhiều chiêu thức đánh vào tâm lý của người phụ nữ, vốn không được chiều chuộng, hoặc vừa bị chồng mắng chửi… Cũng nhiều ý kiến cho rằng, không ít phụ nữ ở độ tuổi 24-28 chưa có chồng, liền bị chê cười là ế chồng. Điều này làm họ tủi thân, nên họ đã nghe người khác vượt biên để sang Trung Quốc, lấy được chồng vừa tử tế, vừa giàu có.
Bọn buôn người, bọn bắt cóc đã gây ra nỗi đau đớn cho dân, cho bản ở Bắc Hà, đặc biệt ở ba xã Bản Phố, Cốc Ly, Hoàng Thu Phố. Theo nghệ nhân Ma Seo Dí, bọn chúng phải bị trừng trị thích đáng. Năm nay cụ Dí đã hơn 70 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng thì nay cụ lại phải chịu cảnh mất con. Điều khiến cụ Dí đau đớn nhất là không biết con gái cụ và các cô gái khác sang bên kia biên giới sống chết thế nào. Nếu còn sống thì ra sao, hay phải chịu nhiều khổ cực, bị đánh đập…
Hiếm mới có người phụ nữ bị đưa qua biên giới trốn được để trở về. Trường hợp của chị Li Thị Ly 28 tuổi, vợ anh Ma Seo Dế, xã Bản Phố là một trường hợp đặc biệt. Chị Ly cho biết, một ngày cuối tháng 5/2009, chị địu con trai thứ hai là Ma Seo Phừ, 2 tuổi, đi chợ phiên Bắc Hà thì gặp ông Giàng Seo Lao đến bắt chuyện. Ông ta kể nhiều về một nơi có cuộc sống sung sướng lắm chứ không như ở Bản Phố.
Ông rủ chị đi đến nơi sung sướng ấy. Chị đồng ý đi theo sự gạ gẫm của người đàn ông lạ đó. Từ khu vực biên giới thuộc xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng), ba người vào đất Trung Quốc, đi bộ hơn hai ngày, khi ông Lao nói đã đến nơi chị mới giật mình. Hóa ra nơi ông ấy bảo là sung sướng lại là một vùng nông thôn nghèo. Giàng Seo Lao đã bán Ly cho một người đàn ông khác, cũng nghèo lắm. Hàng ngày chị phải làm việc trên nương từ sáng sớm đến tối mịt, lại phải chăm sóc gia đình họ, nhưng khổ nhất là bất đồng ngôn ngữ và những trận đòn roi.
Một buổi sáng, tranh thủ lúc người đàn ông đi chợ, Ly địu con nhằm hướng Việt Nam mà chạy, không dám đi đường cái mà tìm đường mòn để tránh bị đuổi theo. Đến biên giới, Ly nhờ người gọi điện về nhà, mẹ con Ly được chồng và đại diện công an xã tới đưa về, khép lại chuỗi ngày lo âu đáng buồn ấy. Thời điểm đó cũng có hai cặp mẹ con nữa tìm được đường trở về, đó là Vàng Thị Chô (SN 1971) cùng con gái Vàng Thị Dín (SN 1999) và Vàng Thị Cở (SN 1976) cùng con gái Vàng Thị Minh (SN 2000) ở thôn Háng Dê.
Nhiều người đàn ông ở Bản Phố, khi được hỏi đến sự mất tích của vợ đã khóc nức nở trong uất ức. Vì vợ chồng vẫn sống thuận hòa, êm ấm, không có đánh nhau, thế mà vợ họ vẫn mất tích.
Chính quyền nói gì?
Ông Đỗ Thế Hồng - Trưởng công an huyện Bắc Hà cho biết, trước tình hình phức tạp của nạn buôn bán người và việc nhiều phụ nữ bỏ đi, UBND huyện Bắc Hà cùng với Công an Bắc Hà đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống buôn bán người. Theo đó, chính quyền kết hợp cùng với các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để người dân nhận thức, đối phó, không tiếp tay cho bọn buôn người. Công an Bắc Hà cũng đã bắt và lập hồ sơ, khởi tố nhiều đối tượng buôn bán người, trong đó có cả đối tượng là người Trung Quốc.
Anh Giàng A Sành - Điều tra viên Đội cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an Bắc Hà thì cho biết, một nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình trạng đau lòng trên là do tập tục của người Mông. Họ có tục bắt con gái, nên nhiều khi con gái bị bắt đi mấy ngày, bố mẹ cũng chẳng biết mặt mũi và địa chỉ của người bắt. Hết thời hạn ba ngày, không thấy con gái về, họ mới tá hỏa đi tìm và báo công an. Cho nên, chúng tôi phải thực hiện cùng lúc là tuyên truyền, kêu gọi bà con dân bản phối hợp hạn chế tình trạng này.
(Theo PLVN)