- Mẹ mất, bố bị bệnh qua đời, năm chị em ở thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần lẫn thiếu thốn cùng cực về vật chất...
Cận cảnh đau thương
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nước mặn, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và nuôi tôm, anh Trần Văn Dục (53 tuổi) và chị Hiến có với nhau được 5 mặt con, gia đình sống rất hạnh phúc. Vợ chồng anh vốn hiền lành chân chất, lo làm ăn nên được bà con hàng xóm thương và quý mến.
Vất vả mưu sinh trên đầm tôm đã cạn nước. |
Nào ngờ, năm 2003, chị Hiến trong một lần làm đồng bên kia sông, khi về chèo thuyền thúng do sơ ý để thuyền lật. Gia đình và bà con không ai phát hiện kịp thời, chị đã đột ngột qua đời.
Nỗi đau dằng xé khi vợ ra đi vĩnh viễn, anh Dục cố gượng dậy để làm chỗ dựa tinh thần cho các con dại (lúc đó, đứa lớn nhất học lớp 9, đứa nhỏ nhất 18 tháng tuổi). Anh âm thầm lầm lũi cảnh gà trống nuôi con, không một lời than vãn, ngày đêm lao động vất vả kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Anh đã dồn hết sức lực và tiền của vào hồ nuôi tôm của mình với mong muốn có được đồng lời để trang trải mọi việc lớn nhỏ trong gia đình và chu cấp tiền học cho các con.
Nhưng nguồn nước bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm nhiều lần thất bát. Nợ cũ chưa trả, nợ mới chồng chất. Anh lo lắng, nhiều đêm mất ngủ chưa biết xoay sở thế nào để lo cho con ăn học tiếp.
Một hôm đi làm về, anh cảm thấy đau rác ở cổ. Nghĩ mình bị viêm họng, anh sai con đến quầy thuốc Tây lấy thuốc. Uống được vài hôm, anh phát bệnh ngày càng nặng. Theo chuẩn đoán của bác sĩ, anh bị ung thư thực quản. Các con anh đã vay mượn tiền của bà con, hàng xóm để đưa bố đi chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa Huế.
Hy vọng mong manh của năm chị em bị dập tắt, khi căn bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối đã cướp đi người cha vừa là "người mẹ" vào đầu 2011, sau hai tháng chạy chữa.
5 chị em gần như sụp đổ, bơ vơ không nơi nương tựa. Bà con hàng xóm động viên, giúp đỡ nhưng nỗi mất mát quá lớn, không gì có thể bù đắp được.
Nỗi đau “chồng chất” nỗi đau
Trước đây có ba, gia đình tuy vất vả những vẫn còn hơi ấm, có nơi để nương tựa, để hỏi han mọi việc lớn nhỏ. Khi ba mất, mấy chị em không chỉ gánh chịu nỗi đau về tinh thần mà còn thiếu thốn cùng cực về vật chất. Các em chưa biết phải xử lý như thế nào, bà con hàng xóm thấy vậy người cho vài lon gạo, người vài chục ngàn để lo tang lễ cho ba.
Cuộc sống gia đình vắng bóng cha lẫn mẹ, nợ nần chồng chất từ bây giờ đều đổ lên vai của người chị cả Thu Hải. Trong khi đó, bản thân em còn lo chưa xong cho gia đình riêng của mình, vợ chồng mới cưới được hơn một năm có với nhau được một đứa con bây giờ đã đi vào bế tắc, sắp phải ra tòa ly dị.
Chị em sống lắt lay trong căn nhà trống hoác |
Hải tâm sự: “Ba bị bệnh, gia đình lo chạy chữa cho ba đến nỗi trong nhà không còn gì để bán, tụi em rất may được bà con hàng xóm cưu mang giúp đỡ”.
Hai em Hoài Bảo (SN 1989) và Mộng Bảo (SN 1991) đang học phải ngậm ngùi xa trường lớp, xa bạn bè, nghỉ ngang ở nhà, chạy khắp nơi kiếm việc, kiếm tiền. Nỗi đau chưa vơi lại thêm cuộc sống mưu sinh quá vất vả, hai em trở nên trầm cảm ít nói trước mọi người.
Còn Vân và Hậu nhiều năm liền là học sinh khá giỏi. Chúng còn quá nhỏ để đối diện với cảnh gia đình chia ly. Mỗi lần đi bộ đến trường, chúng chỉ cần thấy bạn bè có bố, mẹ đưa đi học là nước mắt chảy dài. Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, tự trong đáy lòng, các em đang mang một vết thương khó có thể chữa lành.
Chị em “tan đàn xẻ nghé”
Căn nhà trống bây giờ lại vắng hơn khi chị Hải chạy ngược xuôi lo chuyện gia đình, thỉnh thoảng mới ghé về thăm. Hoài Bảo và Mộng Bảo buộc phải rời ghế nhà trường, đi làm làm công nhân xa nhà nuôi thân đến nay đã gần một tháng.
Ở nhà giờ đây chỉ còn 2 hai đứa nhỏ (Vân và Hậu). Chúng bảo ban nhau học hành, sáng ra phải lo dậy sớm quét dọn nhà cửa rồi mới bắt đầu đi học. Buổi trưa, hai chị em đi học về một đứa nấu cơm, đứa rửa chén. Bữa cơm có được nhờ gạo hàng xóm cho và thức ăn sơ sài với một gói mì làm canh hay một quả trứng luộc.
Những đứa trẻ mồ côi vẫn đang tự lo cho cuộc sống của mình khi không còn bố mẹ. |
Có những hôm học cả ngày, trường xa đi bộ về nấu ăn không kịp, hai em mỗi đứa cầm theo gói mì bỏ cặp để tranh thủ ăn vào buổi trưa.
Vân tâm sự: “Nhà ai cũng đi hết, em học xong nhiều lúc không muốn về. Nhất là chiều lại, ngồi nhìn hồ tôm, máy móc, vật dụng nuôi tôm của ba bỏ lại nằm ngổn ngan, em nhớ ba lắm, nhớ mẹ nữa”. Em nói rồi không cầm được nước mắt.
Cùng lúc đó, có bà Nguyễn Thị Hạnh hàng xóm ghé qua thăm tụi nhỏ. Gặp tôi, bà xúc động: “Cô thấy đó, căn nhà bây giờ chỉ còn hai đứa nhỏ, thấy thương quá… Hàng xóm ai cũng quý, mà biển động suốt, không đánh bắt được nên mọi người không ai giúp được gì nhiều”.
Tuyết Phan