- Ngày 14/4, TAND Quận Tân Phú (TP.HCM) sẽ đưa ra xét xử vụ tranh chấp quyền thừa kế số tài sản trên 140 nghìn USD mà một ni sư đem tiền chùa…đi gửi tiết kiệm. Khi ni sư mất, đại diện hội Phật giáo và người thân vị trụ trì này vướng vào vụ kiện tụng chưa từng có tiền lệ.   

Chỉ “cúng chùa” 42 triệu đồng

Như VietNamNet đã thông tin, trong thời gian làm trụ trì chùa Thiên Chánh (đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) ni sư Huệ Tịnh, thế danh Đỗ Thị Thiềng, có gửi số tiền số tiền 138.850 USD (thể hiện qua 5 cuốn sổ tiết kiệm) và số tiền mặt 423 USD, gần 42 triệu đồng tại ngân hàng Vietcombank.

Sổ tiết kiệm của ni sư Huệ Tịnh
Tháng 5/2008, ni sư này qua đời. Ban đại diện Phật giáo Tân Phú đến tổ chức tang lễ, tình cờ mới phát hiện 5 cuốn sổ tiết kiệm nêu trên, nên tổ chức niêm phong, cất giữ…

Sau đó, bà Đỗ Thị Thanh (em ruột ni sư) nộp đơn khởi kiện đòi thừa kế ra TAND quận Tân Phú. Bị đơn của vụ kiện dân sự này là Ban đại diện Phật giáo quận Tân Phú.  

Sau nhiều lần hòa giải, bà Thanh vẫn một mực cho rằng tài sản mang tên bà Đỗ Thị Thiềng gửi tại ngân hàng Vietcombank là dưới tư cách cá nhân, nên căn cứ vào Luật dân sự thì bà là người thừa kế hợp pháp. Bà Thanh chỉ đồng ý “cúng chùa” số tiền mặt trị giá 42 triệu đồng…     

Vụ án chưa có tiền lệ ?

Theo một cán bộ ngành tòa án, đây là vụ án “chưa có tiền lệ” vì đụng chạm tới các vấn đề tôn giáo, áp dụng pháp luật rất khó khăn, cần thận trọng khi đưa ra xét xử.

Cũng chính vì lý do này, vụ kiện kéo dài, Tòa án Tân Phú đã vận dụng biện pháp hòa giải, coi như đây là phương án “tối ưu”, nhưng cũng không có kết quả.

Thậm chí, TAND quận Tân Phú phải có văn bản gửi TAND TP.HCM đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vụ án này. Cuối cùng, ngày 14/4 tới đây, dự kiến phiên tòa sẽ được mở…

Trước ngày vụ kiện được đưa ra xét xử, trao đổi với PV, Hoà thượng Thích Thiện Xuân – chánh đại diện Ban đại diện Phật giáo quận Tân Phú cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng trong trường hợp phải lên tới cấp xử tối cao.

“Luật dân sự là một lẽ, nhưng tôn giáo cũng có giới luật của mình. Cô Thanh là người ngoài đời có chi liên quan đến người xuất gia mà đòi thừa kế? Số tiền này là để phục vụ tam bảo” – Hòa thượng Thích Thiện Xuân nói.

Còn theo quan điểm Luật sư Nguyễn Minh Thuận – Công ty Luật Sài Gòn Việt Nam, phiên tòa tới sẽ rất căng, mấu chốt của vụ việc các bên phải đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình trước tòa.

Luật sư Thuận cho rằng: “Theo quy định của pháp luật dân sự thì những người được thừa kế di sản của bà Thiềng vẫn có cơ sở để hưởng di sản là số tiền gần 140.000 USD đó…

Trước đây TAND TP.HCM đã có xét xử một vụ án có tính chất tương tự nhưng khi đó di sản mà các bên tranh chấp là… cái tịnh xá mà vị trụ trì đã dầy công tạo dựng. Trong vụ án này, tòa đã tuyên bác đơn của nguyên đơn yêu cầu phân chia thừa kế khi có nhiều chứng cứ cho thấy tịnh xá này tài sản của giáo hội phật giáo (bản thân vị trụ trì trước khi mất cũng đã thừa nhận).

Trở lại vụ việc ở chùa Thiên Chánh, vấn đề là bị đơn phải tìm chứng cứ để chứng minh số tiền này là của nhà chùa, do Ni sự Huệ Tịnh đại diện quản lý như trường hợp trong bản án tranh chấp cái tịnh xá mà tôi nêu trên. Còn ngược lại, nếu không có chứng cứ, nhiều khả năng tòa sẽ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Trong trường hợp nguyên đơn thắng kiện, hi vọng họ sẽ tự nguyện đóng góp lại cho nhà chùa phần lớn tài sản vì như nói ở trên, nhiều khả năng số tiền gần 140.000 USD này là do những nhà hảo tâm đóng góp và trong chúng ta thì ai ai cũng biết rằng ở nhà chùa thì việc thu chi tiền quyên góp không phải theo chế độ tài chính như một doanh nghiệp, nên rất khó có chứng cứ…”.

Thái Thiện  

>> Ai hưởng 140 ngàn đô của ni sư viên tịch?