Trong khi "cuộc chiến" tranh luận về hồ Gươm có bao nhiêu Cụ Rùa vẫn đang hồi "gay cấn" thì ông Lưu Đức Ngò- người luôn cho rằng Hồ Gươm có nhiều Cụ Rùa, và cũng là người đang sở hữu hàng trăm bức ảnh về Cụ Rùa đã mang đến tòa soạn một số ảnh "độc" về các Cụ Rùa với lời khẳng định có một "Gia đình Rùa" tam đại đồng đường đang sinh sống ở dưới Hồ Gươm.

 
Bức ảnh "độc" 2 Cụ Rùa cùng nổi
 
Gần 10 năm rong ruổi bên hồ Gươm và chụp ảnh Cụ Rùa,  ông giáo về hưu  Lưu Đức Ngò đã có rất nhiều chuyện để kể. Và ông luôn kể câu chuyện của mình bằng những bức ảnh. Cách đây vài năm, ông chính là người gây "sốc" với bộ ảnh "5 anh em nhà rùa". 

Ảnh 2
Theo ông Ngò,  Hồ Gươm có ít nhất 5 Cụ Rùa. Rùa cả có sống mũi nhô cao (ảnh 1) , rùa hai có cục thịt thừa trên đầu (ảnh 2), rùa ba hàm dưới bị sứt (ảnh 3), rùa bốn trên đầu có đốm trắng hình tròn (ảnh 4), rùa năm đầu có màu vàng, bên mép có nhiều nếp nhăn. Theo ông Ngò, Cụ Rùa này có đặc điểm khác biệt rõ nét nhất so với Cụ Rùa đang được chữa trị (ảnh 5). Thậm chí, có lần, ông Ngò còn chụp được một  "Cụ" rùa nhí, theo ước tính của ông, đường kính mai của "cụ" này to bằng một bánh của xe đạp mini.

Ảnh 1
Tuy nhiên, trong số những bức ảnh mà ông Ngò mang đến Đại Đoàn Kết, có một bức vẫn "độc" hơn cả, đó là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc 2 Cụ Rùa cùng nổi. Bức ảnh ghi lại cảnh một Cụ Rùa đang nổi trong một vòng xoáy nước và ngay sát cạnh cụ này là một vòng xoáy nước to không kém.

Ông Lưu Đức Ngò giải thích, khi trông thấy hai cụ nổi, tôi vội vàng đưa máy ảnh lên chụp, vào đúng khoảnh khắc tôi bấm máy, rất tiếc một cụ lại tụt xuống. Nhưng nhìn vào 2 vệt xoáy nước trên ảnh có thể thấy là bằng nhau, điều này chứng tỏ hai cụ có trọng lượng tương đương nhau và chỗ hõm cụ thứ 2 tụt xuống,  nước vẫn chưa tràn vào. " Bức ảnh này có thể xem là một minh chứng rõ ràng nhất cho câu trả lời hồ Gươm có ít nhất 2 Cụ Rùa", ông Ngò khằng định.

Ảnh 3

"Nhà Rùa ở phía tây Tháp Rùa"
 
Qua những lần theo dõi Cụ Rùa nổi, ông Ngò khẳng định rằng "nhà " của "gia đình nhà rùa" nằm ở phía tây Tháp Rùa, bởi vì lần nào các cụ cũng nổi từ phía tây. Ông Ngò cũng nhẩm tính, 10 năm qua, các cụ đã bò lên khu vực Tháp Rùa 5 lần. Lần thứ nhất Cụ Rùa bò lên khu vực Tháp Rùa phơi nắng là vào năm 2000, năm 2005 các cụ bò lên 2 lần, năm 2006, 2007 đều bò lên và lần nào ông cũng có cơ may ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi ấy.
Ảnh 4
 
Hiện công việc chữa trị cho Cụ Rùa được đưa lên ngày 3-4, vẫn đang được các bác sĩ tiến hành. Cụ Rùa này nặng khoảng gần 169 kg. Tuy nhiên, ông Ngò cho rằng, một Cụ Rùa mà ông chụp được trong lần bò lên khu vực Tháp Rùa nặng khoảng gần 300kg. Để chứng minh, ông Ngò đưa ra bức ảnh một người đàn ông đang sờ tay lên mai Cụ Rùa. Người đàn ông này ngồi ở phía đuôi của cụ, và anh ta nặng khoảng 60kg mà chỉ bằng 1/5 so người cụ.
Ảnh 5
 
Vài trăm bức ảnh về Cụ Rùa và mỗi bức ảnh lại có một câu chuyện khác nhau, ông Ngò thực sự đã có một bộ sưu tập ảnh đồ sộ về "gia đình nhà Rùa". Vì thế, rất nhiều người còn biết đến ông với những cuộc triển lãm ảnh Cụ Rùa ở Hà Nội, Hưng Yên, thậm chí ông còn "mang" Cụ Rùa đến cả những Trại điều dưỡng thương bệnh binh ở Bắc Ninh, Hà Nam...Sau những cuộc triển lãm ấy, ông thầy giáo già này lại trở về, lóc cóc đạp xe đi bán ảnh Cụ Rùa. Tích cóp từng ngày, những bức ảnh rùa ấy chẳng ngờ lại đem về cho ông số tiền hàng chục triệu, ông đã đem một nửa làm từ thiện, nửa còn lại ông "xin" Cụ rùa để lo cơm áo...

Cụ Rùa bò lên Tháp Rùa ngày 14-3-2000,
ước chừng nặng gần 300kg

Một Cụ Rùa đang nổi trong vòng xoáy nước và
ngay sát cạnh cụ này là một vòng xoáy nước to không kém

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và điều trị cho Cụ Rùa hồ Gươm, cho biết, sau một tuần điều trị, sức khỏe cụ ngày càng tiến triển. Cụ Rùa chỉ có biểu hiện của bệnh ngoài da do nấm và vi khuẩn, không có dấu hiệu của bệnh viêm phổi hay những bệnh nghiêm trọng khác. Về việc xác định giới tính của Cụ Rùa, các bác sĩ đưa ra chuẩn đoán là cá thể cái. Nhưng để có kết luận chắc chắn về giới tính của cụ Rùa, theo ông Tề vẫn cần chờ kết quả xét nghiệm ADN hoặc giải phẫu.

  

(Theo Đại đoàn kết)