Mỗi tầng “địa ngục” là một khoảng không gian
rộng cả sào và để đi tiếp, phải chui qua một hang nhỏ. Qua mỗi hang nhỏ, với con
đường ngoắt ngoéo, lại dẫn đến một tầng “địa ngục” tiếp theo.
Trước khi xuống Thần Quang Động, còn gọi là hang Cắc Cớ, hang động cao nhất của
núi Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), tôi đã tham khảo, tìm hiểu thông tin từ người
dân sống quanh núi Sài Sơn.
Bất cứ ai sống quanh ngọn núi Sài Sơn cũng kể vanh vách những truyền thuyết về
ngọn núi và hang động đầy ma quái, chết chóc này. Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể
đường đi lối lại trong động, thì họ đều mù tịt. Những chuyện họ kể chỉ là nghe
lại từ những người ngày xưa từng xuống hang, nhưng những người từng khám phá
hang động phần lớn đều đã mất vì tuổi tác. Bao nhiêu năm nay không có ai khám
phá lòng núi này nữa.
Bà Hoa, người đàn bà bán hàng lặt vặt và cho thuê đèn pin ở hốc đá ngay cửa động
là người nắm được nhiều chuyện nhất về Thần Quang Động, mặc dù bà chưa xuống
hang sâu bao giờ. Bà sinh ra, lớn lên ở chân núi Sài Sơn, lại bán hàng ngay cửa
động đã hơn 20 năm nay, nên sưu tầm được vô số câu chuyện về hang động này.
Theo bà Hoa, truyền thuyết kể rằng, núi Sài Sơn là quái long (con rồng bướng)
hóa đá. Hang Cắc Cớ chính là bụng của con rồng. Đây là nơi có con quỷ án ngữ, lo
việc tuyển các linh hồn, để cho lên thiên đường hay đày xuống địa ngục.
Bụng con rồng này gồm 9 tầng “địa ngục”. Hang Cắc Cớ có bể xương, nơi khách tham
quan lên xuống chỉ là tầng thứ hai, 7 tầng còn lại nằm sâu trong lòng núi. Xưa
kia, đã có một số người trong làng khám phá hết các tầng “địa ngục”, song họ đã
chết cả. Ông cụ Thứ là người đi đủ các tầng địa ngục và hết tổng cộng 1 tuần.
Ông cụ Thứ cũng đã mất nhiều năm nay rồi.
Mỗi tầng “địa ngục” là một khoảng không gian rộng cả sào và để đi tiếp, phải
chui qua một hang nhỏ. Cứ mỗi hang nhỏ, với những con đường ngoắt ngoéo, lại dẫn
đến một tầng “địa ngục” tiếp theo.
Thông tin chỉ nắm được vậy, tôi và một đồng nghiệp lên đường. Dù chẳng mê tín tí
nào, song tôi cũng làm lễ như lời bà Hoa dặn dò. Tôi thắp nén nhang, thầm khấn
vái trước hàng ngàn bộ xương trong bể hài cốt, cầu được bình an trở về.
Trước khi xuống hang, vào lúc 8h sáng, tôi không quên dặn dò vợ chồng bà Hoa:
“Nếu 5h chiều mà chưa thấy cháu lên, nhờ cô tổ chức người đi tìm”. Bà Hoa tốt
bụng bảo: “Cháu không dặn thì cô cũng phải đi tìm thôi. Cháu cứ đi cẩn thận,
chậm chạp thôi. Chúc cháu lên đường thành công”.
Tôi thuê liền lúc 10 chiếc đèn pin của bà Hoa, cộng với 1 chiếc đèn sạc lớn, một
chiếc đèn pin nhỏ kèm 10 cục pin tôi chuẩn bị trước. Ngoài ra, còn 2 chiếc điện
thoại có đèn, phòng trường hợp các đèn pin đều hết điện, cháy bóng. Với số lượng
đèn điện này, tôi dự tính đủ dùng cho 3 ngày, nếu bị lạc đường.
Chồng bà Hoa dẫn tôi đến khu vực 5 ông tượng, là 5 khối thạch nhũ có hình dạng
người và chỉ tay xuống hang sâu. Soi đèn pin xuống không thấy đáy đâu cả. Bật
chiếc đèn sạc sáng choang, song cũng chả nhìn thấy đáy hang đâu. Nhưng biết
hướng đi rồi, tôi và đồng nghiệp cứ thế mà đi. Vì không có người dẫn đường, nên
quan điểm thám hiểm của tôi là cứ chỗ nào có đường là tiến, chỗ nào hết đường
thì quay lại.
Những ngày này, trời chưa có mưa lớn, thi thoảng chỉ có cơn mưa rả rích, song đá
đã “đổ mồ hôi” (từ người dân Sài Sơn dùng), nên đi khá trơn. Mặc dù đôi giày rất
bám đá, nhưng nếu không bấu tay vào những gờ đá, lần từng bước chắc chắn, sẽ bị
trượt ngã lập tức. Những khu vực ẩm ướt, những tảng đá trơn như bôi mỡ.
Tuột xuống khỏi vách đá, ngẩng đầu lên, chỉ còn thấy ánh sáng mờ mờ hắt xuống từ
động Cắc Cớ và tiếng rì rào của những người tham quan. Hôm tôi xuống động là
ngày chính hội, người kéo xuống hang Cắc Cớ đông nườm nượp, nhưng tuyệt nhiên
chẳng có ai xuống hang sâu cả.
Hết lên dốc lại xuống dốc, rồi thứ ánh sáng nhờ nhờ trên nóc hang Cắc Cớ biến
mất hoàn toàn, tiếng rì rầm của hàng trăm người trong động cũng mất hút. Bóng
đêm nén mạnh đến nỗi, luồng sáng của chiếc đèn pin không tỏa ra nổi, cứ co lại
như một đường thẳng nhỏ. Tôi thử tắt đèn pin, một cảm giác khá khủng khiếp bao
vây, như muốn ngộp thở.
Đi hết con dốc quanh co, thì đến một vực sâu hun hút. Soi đèn pin xuống dưới
thấy ở độ sâu khoảng 5 mét có khoảng không gian chừng nửa mét vuông để đứng. Đây
là một vách đá dựng đứng, lại trơn trượt, rất khó xuống. Tôi và đồng nghiệp phải
bật một lúc 7 đèn pin, soi vào các ngóc ngách, lần từng mấu đá để bám, đặt chân
mới tụt xuống được. Đứng giữa vực đá này, cảm giác sợ hãi chợt xâm chiếm cơ thể,
khiến lạnh toát. Đồng nghiệp của tôi đề xuất: “Hay là quay lên!”.
Đỉnh Fasipan, đỉnh U Bò (giáp Yên Bái và Sơn La), đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngã ba biên
giới còn chinh phục được, há gì ngọn núi Sài Sơn bé xíu này. Cứ nghĩ đến những
bộ xương nằm lạnh lẽo trong lòng núi, lòng tôi lại bùng lên ngọn lửa quyết tâm.
Tôi buộc sợi dù vào một mấu đá và tiến hành rải dây. Tôi đã chuẩn bị độ vài ngàn
mét dù, đủ cho cả ngày cuốc bộ trong hang không sợ lạc.
Tụt khỏi vách đá dựng đứng, thì đến một khe núi hẹp, phải lách người đi. Tiếp
đó, phải chui qua một lỗ nhỏ, chỉ vừa một người bình thường chui. Một ông bụng
phệ có lẽ không chui qua được cái lỗ này. Nhóm leo núi của Đặng Bá Hiệp đặt cho
cái khe nhỏ xíu này một cái tên khá vui là “lỗ giun”.
Bò qua “lỗ giun”, một khoảng không gian rộng lớn hiện ra. Có lẽ, tôi đã đặt chân
đến tầng thứ 3 của hang động. Địa hình của khu vực khá bằng phẳng, nền đất nhẵn
thín, mái hang cao hun hút, các vách đá đầy thạch nhũ đủ các hình thù đẹp mắt,
kích thích trí tưởng tượng của con người. Không biết có phải đây là Bãi Ba Sào
(rộng bằng 3 sào Bắc Bộ) như lời kể của người dân Sài Sơn hay không nữa.
Theo lời các cô hướng dẫn viên du lịch, hầu hết xương cốt gom vào bể xương trong
những năm 30 của thế kỷ trước là ở hang Cắc Cớ và tầng thứ 3 của Thần Quang
Động. Có lẽ, lời các cô hướng dẫn viên nói là đúng, vì tôi lòng vòng mãi, soi
vào các khe vách ở khu vực này, song tuyệt nhiên không thấy bộ xương nào. Thứ
tôi gặp chỉ là những mảnh gốm vỡ, những hố đào nham nhở, là vết tích của những
cuộc đào cổ vật diễn ra từ nhiều năm trước.
Tôi và đồng nghiệp đã có gần trọn một ngày lần lục, lăn lóc với các khe vách,
ngóc ngách ở Bãi Ba Sào nhuốm màu huyền thoại này.
(Theo VTC News)