- Là một trong những nghề lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay, những người thợ làm nghề đào giếng ở huyện Thạch Thất, Hà Nội thường ví von cái nghề luôn phải làm việc sâu dưới lòng đất với những hiểm nguy luôn rình rập là nghề “Ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”.

 

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Đỗ Văn Minh (43 tuổi) ở xã Kim Quan, Thạch Thất chia sẻ “Ngoài sức khỏe dẻo dai hơn người thì tính cẩn thận, kinh nghiệm trong việc chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề đến khâu kiểm tra khí độc để đảm bảo an toàn là điều kiện không thể thiếu của người thợ đào giếng”.

 

Đem lại thu nhập khá cao, nhưng nghề đào giếng rất vất vả, nguy hiểm. Ở độ sâu vài chục mét dưới lòng đất, người thợ đào giếng có vô vàn những nguy hiểm rình rập như đứt dây tời, sỏi đá rơi… mà hầu hết dụng cụ lao động của họ đều rất thô sơ, trang bị bảo hộ gần như không có.


Nhóm thợ đào giếng của anh Đỗ Văn Minh đều là người cùng thôn Mơ Nông ( Kim Quan – Thạch Thất) đã cùng làm việc từ hơn 20 năm nay. Các chị Chung, Phượng, Thúy chỉ chuyên làm các công việc trên mặt đất.

Anh Đỗ Văn Minh được gọi là Phó cả là người duy nhất trong nhóm làm việc dưới lòng đất hầu như cả ngày.

Chị Hoàng Thị Thúy cho biết ngày trước mọi việc đưa đất đá, gạch lên xuống đều phải kéo bằng sức người, nay được cải tiến bằng máy kéo tời đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Không thể thiếu chiếc máy nén khí, không khí được thổi xuống lòng giếng qua ống nhựa để Phó cả dễ thở khi làm việc sâu dưới lòng đất.

Phó cả, thợ chuyển đất, gạch và thợ điều khiển ròng rọc phải phối hợp rất ăn ý mới tránh được tai nạn đáng tiếc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Nguồn nước ngầm đã cạn kiệt nhiều năm nay ở Thạch Thất nên giếngthường phải đào sâu trên 30 m may ra mới có nước. Ở độ sâu này chỉ một viên sỏi nhỏ rơi xuống cũng có thể gây tai nạn với người ở dưới nên cẩn thận là đức tính quan trọng của thợ đào giếng.

Thường mỗi giếng phải đào mất chục ngày, có nước hay không thì gia chủ vẫn phải trả tiền công. Anh Vũ Đình Thuyến, chủ của chiếc giếng đang đào rất hồi hộp xem nắm cát vừa lấy dưới giếng ở độ sâu 30m cho biết đã đào đến cát thì chỉ thêm vài mét nữa là biết chiếc giếng có nhiều hay ít nước.

Đổ đất là công việc nặng nhọc, nhưng tìm được chỗ để đổ đất mới là việc khó ở vùng tuy là nông thôn nhưng mật độ dân cư cao này, chị Kiều Thị Phượng cho biết nhiều khi chỗ đổ đất cách nơi đào giếng hàng cây số khiến càng vất vả hơn.

Mỗi ngày Phó cả Minh làm việc dưới lòng giếng trên dưới 10 giờ.

Chiếc ròng rọc dùng để kéo đất, gạch cũng là để đưa Phó cả lên xuống, tất nhiên khi kéo người phải có hai, ba người cùng kéo hỗ trợ.

 Dù đã làm cái nghề đào giếng hơn 20 năm nhưng mỗi lần lên mặt đất sau nhiều giờ âm thầm đào bới một mình dưới lòng đất ướt át anh Minh vẫn có cảm giác sảng khoái như vừa trở về từ “âm phủ”.

Bữa cơm “trần gian” của những người “làm việc âm phủ”.

Lê Anh Dũng