- “Em gái thanh niên xung phong thân mến. Các anh thấy như vậy đã chạy sang lúc 7 giờ sáng. Bây giờ các anh phải vào Nam chiến đấu. Em cố gắng ăn nhiều cơm vào để mau chóng hồi phục sức khoẻ”. Không hơn, không kém, một miếng giấy nhỏ ghi lại để vào lòng bàn tay người con gái Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng ‘tiểu đội thép’, người duy nhất được cứu sống sau loạt bom quần phá của không quân Mỹ thả xuống Truông Bồn.

Tình yêu nơi 'yết hầu'


Trước lúc ‘tiểu đội thép’ bị bom Mỹ đánh gục trên trục đường QL15A, hàng ngày những người TNXP luôn sẵn sàng tay cuốc, tay xẻng, chắc tay súng làm cọc tiêu cho đoàn xe thông suốt tiếp viện chiến trường miền Nam. Vì sao Truông Bồn được đánh giá là cửa sinh tử trên trục đường QL15A? Bởi, trục đường này là huyết mạch đường tránh nối liền QL1A, từ Thanh Hoá đi vào, từ cột mốc Km số 0 của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh xâu chuỗi với QL15A. Do vậy, không quân Mỹ chọn Truông Bồn để bắn phá ngay tại ‘yết hầu’ con đường vận chuyển của bộ đội ta từ Bắc vào Nam.

Từng đoàn xe lần lượt đi qua ‘yết hầu’ Truông Bồn và những khoảnh khắc ngắn ngủi của tình đồng chí, đồng đội khi bắt gặp đồng hương là người Nghệ. Văn nghệ nảy sinh từ những câu hò ước mơ hồi sinh trên cung đường ‘tử nghiệp’ của các chàng trai và cô gái. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn nhớ lắm những câu hò dệt nên tình yêu vợ chồng của chị sau này.

Những dòng khẩu hiệu quyết tử cho Tổ quốc, ‘Sông bám cầu, bám đường...ngay tại phần mộ di tích lịch sử Truông Bồn.


Bên các chàng trai hò: “Đến đây ai vợ ai chồng/ Ai đi đánh Mỹ, ai bồng con thơ?”. Phía các cô gái TNXP cũng không kém phần ngộ nghĩnh, hò lại: “Đến đây em vợ anh chồng/ Anh đi đánh Mỹ em bồng con thơ”. Rồi những câu hỏi vội vàng mà chân tình, như một lời ‘cầu hôn’ của các chàng trai mỗi khi đoàn xe lăn bánh qua Truông Bồn thật ấm cúng, tình cảm: “Tình cờ gặp gỡ nhau đây/ Có cho chung mẹ, chung thầy không em?”. Cô gái TNXP lúc bấy giờ ở độ tuổi mười tám đôi mươi cũng khao khát, ao ước một mái ấm gia đình hạnh phúc. Họ hò đối lại: “Xe chạy lăn bánh làm chi/ Tình ta chưa gắn thì xe đi sao đành”.

Vậy đó! Người lính TNXP Truông Bồn năm xưa yêu thì thầm kín, làm việc hết mình quên đi cả tuổi thanh xuân. Dù có mưa bom bão đạn, nhưng người lính ấy vẫn bám đường, bám cầu để những chuyến hàng thông suốt từ Bắc vào Nam. Những câu nói như mệnh lệnh cấm tình yêu đôi lứa tuổi trăng tròn ở thời chiến, A trưởng Thông vẫn còn nhớ mãi: “Yêu thì thầm kín không biết. Xác định vào đó chỉ có học và bám đường làm việc. Sống thì để bụng mà có chết thì mang theo. Khoan yêu, khoan cưới, khoan có con,…Thời điểm đó thanh niên đi làm không sợ chết đâu”.

Chàng trai Lê Hải Diên, chiến sỹ quân y Sư đoàn 308, trong một lần đi qua Truông Bồn vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu, đã hỏi to các cô gái TNXP đang làm cọc tiêu dưới đường: “Ở đây có ai người Nghệ An không? Ở đây toàn người Nghệ An thôi. Anh hỏi tiếp, thế có ai người Hưng Nguyên không? Thực chất anh hỏi vậy để gửi một bức thư về cho gia đình, trong thư có 1 tấm hình của anh Diên. Bởi trong tiểu đội có Nguyễn Thị Hoài là người ở huyện Hưng Nguyên để anh nhờ gửi thư về gia đình, rồi lên đường theo xe đi tiếp vào Nam” - tiểu đội trưởng Thông nhớ lại.

Được đơn vị cho nghỉ phép, anh Diên trở về nhà, như nhân duyên “trời định” sau này là chồng của A trưởng Trần Thị Thông . Năm 1969, chị Thông được nhận lệnh về làm công nhân tại Xí nghiệp may Việt Đức và được phân công vào ở nhà ông Lê Văn Đức và bà Nguyễn Thị Em (thường gọi là ông bà Đèo) là bố mẹ của anh Diên.

Ông bà Đèo xem chị Thông như con cái trong nhà. Có lần bố anh Diên ốm, về thăm gia đình thì tình cờ gặp lại người con gái năm xưa trên dốc Truông Bồn ngay trong nhà mình. Sau một năm thư từ, đến năm 1970 hai người cưới nhau. Anh Diên tạm biệt người vợ trẻ sau 5 ngày nghỉ phép, rồi vào Nam chiến đấu. Năm 1973, anh trở về và sống với nhau đến tận bây giờ.

“Chết kiên cường dũng cảm”

Giữa trưa trời nắng gắt, chúng tôi về đến cung đường QL15A. Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn vắng vẻ đến lạnh lùng. Hỏi mấy người dân để tìm về nhà mẹ Thởm, một trong những người mẹ nuôi của nhiều đứa con TNXP chiến đấu tại đây. Đã ở tuổi 90, song mẹ vẫn còn nhớ như in từng đứa hồi còn chiến đấu ở trong gia đình.

Mẹ Thởm kể lại: “Khoảng hơn 5 giờ sáng, con Thông, con Vinh chạy về nhà đùn đẩy nhau ăn lưng bát cơm nguội rồi ra đi làm. Đến hơn 6 giờ thì nghe bom nổ lần một, rồi đến lần hai. Hết bom thì nghe tin tiểu đội con Thông chết hết cả rồi. Sau đó mọi người bồng con Thông về nhà, tui cứ nghĩ là nó cũng chết vì nó nằm bất tỉnh”.

 Mẹ Thởm năm nay bước sang tuổi 90, vẫn còn nhớ lại thời khắc các con anh dũng hy sinh và lúc đồng đội cứu sống A trưởng Trần Thị Thông.


May mắn đã mỉm cười với chị Thông, khi trong đoàn xe lánh bom gần nhà có 2 đồng chí quân y sang cấp cứu lúc chị đang bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, trong lòng bàn tay chị Thông là một miếng giấy nhỏ ghi mấy dòng ngắn ngủi, động viên người lính TNXP may mắn thoát chết dưới làn bom: “Em gái thanh niên xung phong thân mến. Các anh thấy như vậy đã chạy sang lúc 7giờ sáng. Bây giờ các anh phải vào Nam chiến đấu. Em cố gắng ăn nhiều cơm vào để mau chóng hồi phục sức khoẻ”.

Cách đây mấy năm, chị Thông và người con trai út sang nhà hàng xóm xem tivi và phát hiện bộ phim tư liệu quay về huyền thoại Truông Bồn, nhân vật còn sống sót là một người phụ nữ ở một đại đội khác, chứ không phải là chị - người sống sót duy nhất trong trận bom làm 13 người chết, ở đại đội 317. Xem xong thước phim đó, chị Thông quyết tâm đi tìm chân lý lịch sử không phải cho cá nhân mình, mà là cho các anh linh đồng đội không tiếc thân mình ngã xuống nơi mảnh đất Truông Bồn.

Trong số 13 TNXP ngã xuống Truông Bồn thì có 7 người không tìm thấy chút thi hài nào trong trận bom định mệnh sáng hôm đó. Họ đã chết, hoà tan trong đất đá với bao dự định trước cánh cửa ước mơ đang cầm trong tay. Nếu anh Cao Ngọc Hoà, tiểu đội trưởng đội 6 và Nguyễn Thị Tâm chuẩn bị về quê làm lễ đính hôn giữa hai gia đình tại nhà chị Tâm ở xã Hợp Thành, (huyện Yên Thành, Nghệ An). Dự định đó bị không quân Mỹ xé ngang một cuộc đưa dâu.

Mấy giờ đồng hồ nữa thôi, người Mỹ sẽ ký lệnh ngừng ném bom từ Nghệ An ra Bắc. Chị Đàm Thị Bốn sẽ về chăm nom mẹ khi anh trai vừa hi sinh ở chiến trường.

3 cô gái có tấm giấy báo chuẩn bị bước vào học ngành Y tại Trường Trung cấp Y Nghệ An đọc còn chưa ráo mực cũng phải ngã xuống là: chị Hà Thị Đam, Trần Thị Doãn và Nguyễn Thị Tâm. Bom Mỹ đã dập tắt tuổi đời các chàng trai cô gái TNXP mang cái tên: Nguyễn Thị Phúc, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên, Trần Văn Hạp và Nguyễn Thị Văn- là người trẻ nhất, mới 17 tuổi; người lớn nhất là 22 tuổi. Tất cả đều bị quật ngã xuống dưới con đường huyền thoại QL15A: Truông Bồn.
 
Quốc Huy – Hoàng Sang