- Bài viết mang tính nhận định chủ quan nhưng khá thú vị của một độc giả về chuyện thú lạ ăn thịt hàng chục con chó gây xôn xao dư luận Quảng Ngãi trong thời gian vừa qua.


Thú dữ xuất hiện ở địa bàn thôn Sơn Trà và Tân Hy (Bình Đông – Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã khiến cho người dân địa phương hoang mang lo sợ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng vẫn chưa xác định rõ con thú gấu hay báo (?). Công việc cấp bách hiện tại là tiếp tục khai thác hành vi con thú và có các biện pháp “trị tội” nó, bảo vệ tài sản người dân...

Qua lời kể của người dân thôn Sơn Trà và theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi về việc thú dữ tấn công ăn thịt chó của bà con, bản thân tôi cũng xin có chút trao đổi, nhưng trước hết xin khẳng định rằng đó chính là con gấu, có khẳng năng là gấu ngựa, mặc dầu số lượng loại thú này hiện nay rất quý hiếm.

Dấu chân in trên cát, theo người dân cho rằng của thú dữ - Ảnh: ANTĐ
Căn cứ theo đặc điểm của gấu và cọp hay tất cả các loại thú thuộc họ hàng mèo nói chung. Đối chiếu, so sánh với đặc điểm và hành vi của thú dữ ăn thịt chó ở thôn Sơn Trà (Quảng Ngãi) như báo chí đã đưa tin.

Thứ nhất là căn cứ vào đặc điểm dấu chân của thú dữ trên đất cát với đường kính là 6,2 cm, có cả móng vuốt và giống chân thú họ mèo (như báo chí phản ảnh).

Đây khả năng là dấu chân của gấu, vì chỉ có gấu khi đi mới để móng ra ngoài nên có dấu móng để lại trên đất cát, còn báo và cọp khi đi móng vuốt của chúng được dấu kín nên không có trường hợp có dấu móng trên đất cát. Thú họ mèo nói chung chỉ dùng móng vuốt của mình khi bắt mồi.

Già làng Alăng Bhéc (75 tuổi, xã Za Hung, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cũng khẳng định: “Chỉ có con gấu mới để lại dấu chân có móng”.

Trường hợp dấu chân báo hay cọp thì già làng Bríu Brăm (80 tuổi, ở Đông Giang, Quảng Nam) cho biết thêm: “Dấu chân cọp, báo làm gì có móng”. Tuy nhiên, cần phải nói rõ thêm, dấu chân thú dữ ăn thịt chó ở thôn Sơn Trà (Quảng Ngãi) chưa được xác định một cách rõ ràng, vì thú đi trên đất cát nên dấu chân đó có thể thay đổi nhiều.

Thứ hai là căn cứ vào đặc điểm hành vi của thú dữ. Thú dữ di chuyển rất nhanh, rình rập bắt mồi rất khéo léo, có thể nói “nhanh như cắt” làm cho đối thủ không kịp “trở tay” thì bị đứt họng. Hành động này của thú dữ cả gấu và báo đều xảy ra.

Tuy nhiên, khi xét về mức độ tiêu thụ con mồi, ta thấy rơi vào đặc điểm của con gấu nhiều hơn, mặc dù gấu là động vật không ăn thịt nhiều so với báo (mỗi đêm 5 con chó – theo lời kể của người dân Sơn Trà). Cọp hay báo khi bắt mồi không bao giờ “xơi” phần ruột và đầu, trong khi theo phản ảnh của dân Sơn Trà thì thú dữ ăn thịt chó hết phần nội tạng và đầu.

Về điều này, ông Zơ Râm Vui (70 tuổi, TT Prao, Đông Giang, Quảng Nam) cho hay: “Cọp khôn có ăn ruột con mồi đâu". "Hồi nớ cọp bắt trâu của ông Trư, nó có ăn ruột gan đâu” – già làng Bhnướch Đốih (85 tuổi, Za Hung, Đông Giang, Quảng Nam) cho biết thêm.

Một trường hợp nữa là đa số chó bị thú dữ ăn thịt đều bị xé, có con bị xé làm đôi, thú dữ cũng hay gầm thét và đây chính là đặc điểm nổi bật của gấu. Nhưng tại sao gấu lại ăn thịt quá nhiều đến thế (5 con chó mỗi đêm)? Đơn giản, đây là gấu nuôi đã quen ăn thịt (nếu có dây xích trên cổ – theo người dân phát hiện), hoặc có khả năng khi gấu bắt chó xong và ăn một phần thì có động vật khác nhảy vào cùng hưởng thụ.

Còn nữa, chó bị thú ăn mất phần đầu, đây chắc chắn là hành động ăn mồi của gấu ngựa, vì loài gấu này rất hung dữ và rất ghét đôi mắt. Trường hợp này, già làng Alăng Amrứh (85 tuổi, Za Hung, Đông Giang, Quảng Nam) gợi ý thêm: “Hồi xưa tôi nhỏ, mẹ tôi lên rẫy gặp gấu ăn lá môn rừng, nó (gấu) tấn công cắn xé mẹ, đến khi nó bứt được khuyên tai mẹ, nó tưởng con mắt thì mới bỏ đi, mẹ tôi bị thương nặng lắm”.

Truy lùng thú lạ (Ảnh: Bee.Net.vn)
Một đặc điểm quan trọng không thể bỏ qua là ngoại hình bên ngoài của thú dữ. Theo người dân thôn Sơn Trà và Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi nhận xét, thú có lông màu đen xám, trọng lượng nặng khoảng 35 – 40kg, thở hì hộc.

Một chi tiết nữa là người dân phát hiện thấy có dây xích trên cổ con thú, đây chính là vạch trắng trên ngực gấu. Do người dân thường phát hiện con thú vào sáng sớm, trong điều kiện sương mù hoặc chiều tối, hoặc là do con thú di chuyển rất nhanh bị vật cản trở tầm nhìn nên họ cho rằng con thú có đeo dây xích trên cổ.  

Bằng việc tiếp thu ý kiến những người lớn tuổi có uy tín ở huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), tìm hiểu kĩ các chi tiết sự việc như báo chí đưa tin, bản thân tôi xin khẳng định lại một lần nữa, thú dữ ăn thịt chó ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là gấu chứ không phải báo hay beo.

Và xin có chút lời khuyên với những người dân sống ở khu vực đó, đặc biệt là bà con thôn Sơn Trà: Bà con không nên hoang mang lo sợ, tuy nhiên cần phải hết sức đề phòng với hành vi của thú dữ. Đặc biệt là không cho người già, trẻ em đi đêm, đi một mình nơi thú dữ hay xuất hiện, ban đêm phải khóa cửa nhà cẩn thật, nếu phát hiện thú về nhà thì phải đồng loạt nhiều người đổ ra đuổi thú đi.

Đối với cơ quan chức năng, cần phải vào cuộc sớm, thường xuyên theo dõi hành vi con thú, bảo vệ người dân. Đặc điểm con thú dữ là hay bắt và ăn thịt chó, nên có thể dùng “kế” bắt thú. Nên nhốt chó lại từ 2 - 4 con, đặt ngay nơi con thú hay xuất hiện và tiến hành gài bẫy xung quanh, tôi tin chắc rằng sẽ tóm được nó và đưa về vườn bách thú “trị tội”. 

Avô-Tô-Com