- Đã hơn 10 ngày trôi qua, 11 người vợ cùng hàng chục trẻ thơ ngẩn ngơ ngóng chồng, cha trong nỗi nhớ, lo da diết. Trong những ngôi nhà đơn sơ ở xóm chài, cảnh vợ chờ chồng, con nhớ cha não nề, phủ kín. Chiều đến, trên bến sông, những người đàn bà dắt díu con thơ ra biển khơi ngóng chồng trong tuyệt vọng...

Tàu cá và 11 ngư dân lại bị bắt giữ
Đại tá Nguyễn Văn Thắm, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Phú Yên cho biết: Đã có báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh Phú Yên về việc 11 ngư dân đang đánh cá ngoài khơi thuộc quần đảo Trường Sa bị bắt giữ.


Những “hòn vọng phu” nơi xóm chài

Trong 11 ngư dân bị Brunei bắt giữ vào tối ngày 21/5, có 5 người ở khu phố Bạch Đằng, phường 6 (TP Tuy Hòa, Phú Yên) gồm: Thuyền trưởng Đỗ Văn Phụng, sinh năm 1974; Mai Thành Độ, sinh năm 1972; Hồ Minh Định, sinh năm 1987; Lê Ngọc Tánh, sinh năm 1985; Trần Công Hoan, sinh năm 1980.

Còn lại 6 người là anh Dương Thái Vũ, sinh năm 1977, ở Ninh Tịnh, Phường 9 (TP Tuy Hòa), Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1987, ở khu phố Lê Duẩn, Phường 6 (TP. Tuy Hòa); Nguyễn Minh Khương, sinh năm 1981, trú ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa); Lê Nguyên Quý, sinh năm 1985, ở xã Hòa Quang (huyện Phú Hòa); Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1984, ở xã An Hòa (huyện Tuy An) và Võ Hoàng Thanh, sinh năm 1969, ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Xuất bến từ ngày 14/5, tàu có số hiệu PY 90260  mang theo 11 ngư dân trên đến tọa độ 07025’N – 112038’E cách đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa về phía Tây Nam khoảng 40 hải lý thì không may bị phía Brunei bắt giữ vào tối ngày 21/5 cho đến nay.

Theo lời kể của ông Đỗ Năm, cha ruột thuyền trưởng Đỗ Văn Phụng, tàu có ghé đảo An Bang để xác nhận đánh bắt xa bờ, làm thủ tục về địa phương xin hỗ trợ dầu, sau đó gặp sự cố.

Chị Ái dàn dụa nước mắt thương nhớ, lo âu chồng bị bắt giữ nơi đất khách quê người
Trước lúc bị bắt, anh Phụng còn kịp dùng điện đàm gọi cho em ruột là Đỗ Văn Phường, thuyền trưởng tàu mang số hiệu PY 921160 đang đánh bắt xa bờ, nói trong hốt hoảng: “Thuyền tao đã bị lính nước ngoài bắt, họ đã lên thuyền”.

Mãi cho đến chiều ngày 23/5, Phụng mới gọi về từ số máy của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cho biết sức khỏe cả 11 người đều bình thường, nhưng không biết bao giờ phía họ mới thả cho về. Từ đó đến nay bặt vô âm tín...

Mọi thông tin về con và những người cùng đi ông Năm đều nhờ chính quyền và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Ông Năm cho biết thêm: “Tàu có giá trị hơn 1,5 tỉ đồng. Để trang bị cho chuyến đánh bắt xa bờ này, gia đình đã bỏ ra một khoản chi phí 150 triệu đồng. Nếu không có sự cố trên, sau khi trả tiền nhân công đánh bắt mỗi người từ 4 – 5 triệu và các khoản chi phí, cũng kiếm được từ 35 – 40 triệu đồng. Nhưng giờ coi như trắng tay. Nếu phía bạn tịch thu phương tiện thì coi như tan gia bại sản”.

Vắng giọng nói của người chồng yêu quý đã hơn 10 ngày nay, chị Trần Thị Thúy Ái (sinh năm 1975), vợ thuyền trưởng Đỗ Văn Phụng nghẹn ngào trong nước mắt: “Không biết giờ này ổng sống chết ra sao. Từ khi hay tin chồng bị bắt trên biển cho đến nay, không đêm nào tôi ngủ được, cố tưởng tượng hình bóng, bộ dạng ổng mà không sao hình dung nổi. Giờ chỉ còn cách trông chờ vào sự can thiệp của Nhà nước, mong sao chồng cùng phương tiện mau chóng trở về bình yên”. 

Còn cháu Đỗ Trần Phụng Hoàng (con út anh Phụng), đang học lớp 4 trường THCS Trưng Vương, phường 4, TP Tuy Hòa vừa khóc, vừa nói: “Cháu không biến ba bị bắt về tội gì, hỏi mẹ thì nói vài bữa ba về. Mấy đứa bạn cứ hỏi hoài, cháu không biết trả lời ra sao. Giờ rất nhớ ba, nhờ mấy chú giúp dùm!”.

Chị Hạnh vợ của anh Mai Thành Đô là hộ cận nghèo ở xóm chài, khu phố Bạch Đằng cùng 4 đứa con thơ dại trong ngôi nhà chấp vá ngóng biển trông chồng
Bi thảm hơn, trong ngôi nhà tạm bợ mái ngói, tường tôn trống hoác, quanh năm nắng nóng, mưa dột, chị Trần Thị Tuyết Hạnh (SN 1975), vợ của anh Mai Thành Đô là hộ cận nghèo ở xóm chài, khu phố Bạch Đằng (Phường 6, TP. Tuy Hòa).

Gia cảnh của chị Hạnh hết sức khó khăn, lại phải nuôi 4 đứa con thơ dại, đứa lớn 14 tuổi, đứa út mới tròn một năm. Chị Hạnh nghẹn ngào: “Đầu năm đến giờ “ổng” đi được 3 chuyến, đem về hơn 20 triệu đồng nên cũng đỡ. Từ ngày “ổng” bị bắt giữ đến nay, ngoài đi khiêng cá thuê, tôi phải đi đan lưới mướn để kiếm thêm tiền nuôi con. Ngày nào nhiều thì được 50.000đồng, ít thì từ 20.000 – 30.000 đồng”.

Lo sợ cha bị bắt dài ngày, mẹ không đủ sức nuôi các em cầm cự, cháu Mai Ngọc Đan (14 tuổi, con anh Đô) đã tính đến chuyện xin mẹ nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp.

“Nghe con thơ nói mà tôi trào nước mắt, ôm con vào lòng mà lòng quặn đau. Khuyên bảo con yên tâm lo chuyện học hành, chuyện của ba đã có các bác, các chú lo, nhưng nó cứ nặng nặc đòi đi” - chị Hạnh nói trong tâm trạng rối bời.

Gần bên, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, hàng xóm của chị Hạnh chia sẻ: “Xóm này còn nghèo lắm các chú ơi, cả xóm sống quanh năm nhờ vào biển cả. Nhà chị Hạnh là khó khăn nhất, lại đông con. Bình thường, mọi chi phí trong gia đình đều do một tay anh Đô lo hết. Giờ Đô bị bắt, không biết bao giờ mới về, chị Hạnh phải đầu tắt, mặt tối chạy vạy làm mướn nuôi con, tội nhất là đứa trẻ mới tròn năm thiếu người chăm sóc”.

Sát cánh cùng dân

Theo lời ông Đỗ Năm, khoảng 16 giờ 30 ngày 23/5, có một người phụ nữ giới thiệu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei (không rõ tên) điện thoại về cho gia đình thông báo phương tiện PY90260TS đã bị hải quân của Brunei bắt giữ.

Hiện sức khỏe của 11 thuyền viên tàu PY90260TS vẫn bình thường, có khả năng 15 ngày sau tòa án Brunei sẽ đưa ra xét xử.

Trước sự việc trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cũng đã báo cáo về Bộ Ngoại giao Việt Nam để can thiệp.

Trong những ngôi nhà đơn sơ ở xóm chài, cảnh vợ chờ chồng, con nhớ cha não nề, phủ kín.
Ngày 24/5, UBND tỉnh Phú Yên cũng nhận được công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei thông báo tàu cá nêu trên đã bị hải quân Brunei bắt giữ. Đến sáng 25/5, UBND tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei tích cực giải quyết trường hợp này, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, đưa ngư dân về nước theo nguyện vọng, bảo vệ tốt nhất lợi ích cho ngư dân…

Ông Phạm Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường 6, TP. Tuy Hòa cho biết: “Đã đến động viên các gia đình yên tâm lao động sản xuất, dạy dỗ, khuyên bảo con cái không được bỏ học giữa chừng. Trước mắt triển khai hỗ trợ sách vợ cho các cháu, đồng thời đề nghị Hội phụ nữ phường và các ngành liên quan kêu gọi các tập thể, cá nhân quyên góp, hỗ trợ lương thực cho những gia đình nghèo khắc phục khó khăn tạm thời. Trường hợp cần thiết sẽ đề nghị lên UBND thành phố xem xét, có chính sách hỗ trợ”.

Ngày 6/6 sẽ xét xử các ngư dân Việt Nam?

Chiều 26/5, đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát Đà Rằng (TP Tuy Hòa) thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết: Ông Đỗ Văn Phụng, thuyền trưởng tàu cá PY90260 bị lực lượng hải quân Brunei bắt giữ ngày 21/5 cho hay rằng phía Brunei đã thông báo với 11 ngư dân đang bị tạm giữ tại nước này vào ngày 6/6 họ sẽ bị đưa ra xét xử tại tòa án Brunei.

Ngày 21/5 tàu cá PY90260 do ông Phụng làm thuyền trưởng cùng 10 thuyền viên khác đang hành nghề câu cá ngừ đại dương tại khu vực biển có tọa độ 7025’ vĩ độ Bắc – 112038’ kinh độ Đông, cách đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa 40 hải lý về phía Tây Nam thì bị 2 tàu hải quân của Brunei áp sát, khống chế và đưa về giam giữ tại nước này từ đó đến nay.

Ngày 25/5, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn khẩn đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Brunei trả tự do vô điều kiện 11 ngư dân trên.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm yêu cầu xác minh việc bắt giữ và trả tự do 11 ngư dân Việt Nam gửi Brunei. Phía Brunei cũng đã xác nhận việc bắt giữ 11 ngư dân Việt Nam.


Mạnh Hoài Nam

Tàu cá và 11 ngư dân lại bị bắt giữ
Đại tá Nguyễn Văn Thắm, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Phú Yên cho biết: Đã có báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh Phú Yên về việc 11 ngư dân đang đánh cá ngoài khơi thuộc quần đảo Trường Sa bị bắt giữ.