- “Tui đau ốm, em chăm sóc được, còn ngược lại thì tui có làm chi được mô. Đến với nhau, tui chỉ làm khổ em thêm”. Nghe ông Trai nói đến đây, bà Thương ngắt giọng bảo rằng: “Tui thương mẹ răng thì thương anh rứa”...
Để rồi, vượt qua trắc trở của cuộc sống, bà già cầm tay dắt người yêu về nhà kết duyên vợ chồng trước sự thán phục của mọi người.
Bất hạnh và cực khổ
“Tui được gặp em như là một câu chuyện cổ tích. Bởi chưa một lần mường tượng ra một ngày mô đó tui lấy được vợ, có một cuộc sống riêng đúng nghĩa. Như thế là tui mãn nguyện lắm rồi”, người đàn ông bất hạnh Nguyễn Trai, 61 tuổi không giấu được vẻ tự hào.
Đôi vợ chồng già dắt nhau đi khắp thành phố Huế bán
vé số mưu sinh.
“Hồi đó, ba mạ tui cũng biết bệnh nhưng vì nghèo quá không có điều kiện để đưa tui đi chữa chạy nên đành thả tay trước số phận”, nhớ lại chuyện của mấy mươi năm về trước, giọng của người đàn ông bất hạnh buồn thiu.
Công việc duy nhất để ông kiếm ra tiền hồi ấy là nhận trông con cho hàng xóm, ba bốn đứa trẻ được ông chăm bẵm với số tiền công ít ỏi phụ giúp cha mẹ già lo cái ăn.
Lo đến khi qua đời con sống lủi thủi một mình, cha mẹ ông đã nhiều lần ngỏ ý lấy vợ để có nơi nương tựa. Mỗi lần cha mẹ “xúc tiến” cưới xin, ông Trai một mực chối từ: “Không thể thuận theo lời cha mẹ để suốt cả một đời làm khổ người ta được. Bởi, số tui như một cái vung méo mó, không xứng để úp vào chiếc nồi mô cho vừa vặn cả”, ông Trai lý giải.
Rồi cha mẹ ông cũng lần lượt qua đời. Trong 3 người anh em, họ nghèo, đông con, nuôi thêm một miệng ăn chỉ thêm khổ. Ông Trai lầm lũi sống một mình cho đến năm 1992 khi Hội người mù huyện Hương Trà thành lập. Ông xin gia nhập làm chổi đót, tăm tre để tự lo lấy cuộc sống.
Ngồi cạnh bên, bà Nguyễn Thị Thương mắt ngân ngấn lệ, bà kể, cha mất sớm, mẹ làm lụng vất vả nuôi hai con. Em trai bà, ông Nguyễn Văn Sinh kém bà 10 tuổi. Từ ngày em mắc chứng bệnh dở người, lúc tỉnh lúc ngây thì cũng là lúc gia đình rơi vào cùng quẫn.
Đôi vợ chồng U 60 Nguyễn Trai – Nguyễn Thị Thương.
Ở nhà, những lúc cơn thèm rượu nổi lên, ông Sinh lại lục tìm gạo, hay thứ gì trong nhà còn bán được đem đi bán mua rượu uống: “Trong nhà mỗi lần mua được ít gạo là phải đem đi gởi nhờ nhà hàng xóm không là em tui hắn lấy đi đổi rượu uống hết…”.
Hết em rồi đến mẹ trở bệnh nằm ốm liệt giường, đôi mắt cũng bị mù hẳn. Sức khỏe yếu, hằng ngày, bà Thương lê la ở ra chợ Bao Vinh bán hành, tỏi kiếm chút lời và có thời gian chăm mẹ, lo em. Cứ thế, tuổi xuân xanh của người đàn bà cơ cực sát đất cứ trôi mãi mà không dám nghĩ sẽ có mộ bờ vai, một người nương tựa.
“Em thì chỉ có một thôi”
Bốn năm về trước, ông Trai chuyển về xã Hương Vinh làm việc. Thời gian đó, bà Thương mỗi tháng cũng thường lui tới Chi hội Người mù xã Hương Vinh nhận gạo, quà hỗ trợ cho mẹ mình.
Những lần gặp gỡ, họ quen nhau: “Lúc đó, nói quen thì cũng như kiểu biết rứa thôi chứ ít chuyện trò, cũng không có chuyện rung động, rung điếc chi mô”, bà Thương thèn thẹn kể.
Ở tuổi xế chiều, họ đến với nhau bằng sự đồng cảm về
số phận
Sau khi mẹ bà qua đời, Chi hội lại đề cập đến chuyện “cặp đôi”. Lần này, bà Thương đồng ý kết hợp cùng ông Trai đi bán vé số. Bà Thương sáng mắt dẫn đường, tiền lời bán vé số, chổi đót, tăm tre được bao nhiêu thì 'cưa đôi' mỗi người một nữa.
Hai bóng người gầy gò, chậm rãi bước qua phố cổ Bao Vinh, các hang cùng ngõ hẻm của TP Huế mưu sinh…họ sẻ chia cùng nhau về số phận, tâm sự với nhau những chuyện mà chỉ riêng họ có.
Ông Trai thật thà kể: “Đi bán thì cũng tâm sự với nhau. Có khi nói chuyện thì em khóc. Cũng có những lần ngồi nghỉ trưa hai đứa chọc qua chọc lại rồi cười với nhau thiệt vui”, ông Trai vô tư kể.
Cách đây đúng hai năm, trong một lần lang thang đi bán vé số, bà Thương bỗng dưng đặt vấn đề dắt ông về nhà mình ở: “Nghe bà nói rứa thật sự tui quá bất ngờ và sợ. Suốt một ngày, tui nghĩ đúng một chuyện là mình mắt không nhìn thấy chi hết ri làm răng xứng với em”.
Rồi ông cũng nói thật lòng với bà rằng: “Tui đau ốm, em chăm sóc được, còn ngược lại thì tui có làm chi được mô. Đến với nhau, tui chỉ làm khổ em thêm”. Nghe ông Trai nói đến đây, bà Thương ngắt giọng bảo rằng: “Tui thương mẹ răng thì thương anh rứa”.
Nghe bà Thương nói vậy, ông lặng thinh. Bà nắm lấy bàn tay khô ráp của ông dắt về nhà mình trong sự ngỡ ngàng, thán phục của người dân thôn Địa Linh, xã Hương Vinh.
Có vợ, ông dẫn về Bình Thành làm lễ ra mắt: “Tui dẫn vợ về làm mâm cơm ra mắt họ hàng, ai cũng vui, cũng dành nhiều lời chúc mừng cho vợ chồng tui. Tui thấy hạnh phúc!”. Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát, hai mảnh đời già nua, bất hạnh ấy sống tựa vào nhau và cưu mang cả người em bị tâm thần.
Căn nhà chính sách của bà Thương giờ đã tuềnh toàng,
ủ dột khiến bếp nấu ăn phải che tạm tấm bạt
Có lần, bà Thương bỏ quên vé số giữa đường, bị mất hơn 350 tờ. Hai lần đó, ông bà phải đền cho đại lý hơn 3 triệu đồng. “Mỗi ngày đại lý cho trả nợ 10 ngàn đồng. Chắc cũng phải đến cuối năm ni mới có thể trả hết nợ”, ông Trai thở dài.
Ông còn dự định kiếm tiền để sửa lại căn nhà tạm bợ của bà Thương được chính quyền địa phương hỗ trợ xây cất đã gần 10 năm, hư hỏng, dột tứ tung, căn bếp phải che tạm chiếc bạt để lấy chỗ nấu ăn.
Hôm nào bán vé kha khá, ông Trai đánh liều giữ lại một tấm vé để cầu may mắn sẽ đến với mình. Vậy mà, cả hai năm nay chưa một lần được toại nguyện. Nghe chuyện, những người hàng xóm của ông chọc vui: “Sợ ông Trai có tiền làm nhà, có tiền sẽ đi 'ưng mấy em trẻ đẹp' nên không trúng đó”.
Ông cười kha khả, đáp rằng: “Nhà thì mấy cái mình cũng mơ chứ em thì chỉ có một thôi”!
Trường Hà