HTML clipboard

- Những ngày đầu tháng 6 này, tàu của ngư dân vùng biển miền Trung vẫn mải miết ra khơi. Nhiều ngư dân bảo rằng họ không hề lo sợ đối mặt với tàu Trung Quốc.

Hậu duệ hùng binh

Nhiều người gọi ông là “sói biển”. Nhưng với tôi, ông là một trong những hùng binh Hoàng Sa can trường nơi đất đảo Lý Sơn cưỡi sóng đạp gió ngày đêm bám biển, mặc cho bao tai ương sầm sập đổ xuống đầu suốt mấy năm nay.

Nhiều lần ông trắng tay, lên bờ, vợ con ly tán. Nhưng ông vẫn nuôi khát vọng một ngày được đóng tàu mới ra lại Hoàng Sa…

Ký ức về những tháng ngày bám biển Hoàng Sa vẫn còn tươi nguyên trong trái tim của hùng binh Mai Phụng Lưu. Ông bảo rằng, cho dù có hiểm nguy, có bị bắt giữ, đánh đập thì với những ngư dân như ông vẫn không bao giờ run sợ, bỏ biển.

Hỏi tại sao không sợ? Ông thật thà bảo rằng: Từ thủa cha ông, biển Hoàng Sa với ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Quảng Ngãi nói chung đã là ngôi nhà thứ 2. Bà con ngư dân vẫn bám vùng biển này để mưu sinh.

"Bà con ngư dân tụi tui lặn xuống rạng san hô săn bắt con cá, con tôm, tìm con ốc, con hải sâm để kiếm cơm nuôi vợ con trên bờ".

Tàu của ngư dân Nguyễn Thanh Quang vừa trở về.

Ấy thế mà, như lời lão kình ngư Mai Phụng Lưu, những ngư dân Việt Nam vẫn không được yên thân. Đánh bắt trên vùng biển của đất nước mà luôn bị tàu nước ngoài đuổi bắt, thu tàu, đánh đập.

Bản thân ông Phụng đã 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu, đòi tiền chuộc, rồi còn đánh đập, cầm tù nhiều tháng trời trên đảo Hoàng Sa. “Họ chỉ cạy tàu to, súng lớn…” - ông Lưu trầm ngâm.

Ông nói như tâm sự với chính mình, rằng ông cũng như hàng nghìn ngư dân khác nơi vùng đất đảo này không run sợ. Những lần đối mặt, ông không làm gì được, bởi họ mạnh hơn, tàu to hơn, nên chấp nhận. Nhưng ông vẫn mơ một ngày, lớp con cháu ông sẽ sắm được tàu to, lực đủ mạnh để sẵn sàng đương đầu...

Kiên trì bám biển

Ở nơi vùng đất đảo Lý Sơn này, hay các làng chài ven biển miền Trung, hậu duệ của các hùng binh Hoàng Sa vẫn nối tiếp bước chân cha ông nghìn đời hướng ra biển, dẫu biết rằng trước mắt là tai ương rập rình...
 
Tàu ngư dân vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa.

Những ngày này, khi lại viết về họ, tôi vẫn còn nhớ như in lời của lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn, hay Tiêu Viết Là, rằng mỗi một ngư dân có mặt tại Hoàng Sa suốt mấy trăm năm qua như cột mốc sống thể hiện chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Nhớ câu chuyện của thuyền trưởng Huỳnh Công Nhiệm (30 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cùng 8 thuyền viên trên con tàu QNg - 66 369 -TS đã bị Trung Quốc bắt thu giữ toàn bộ ngư lưới cụ và lương thực.

Dù vậy, nhưng người thuyền trưởng can trường này không chịu quay về đất liền, mà vẫn quyết tâm bám biển.

Ngư dân Tiêu Viết Là (ngồi giữa) kể chuyện bị Trung Quốc bắt giữ.

Tàu anh Nhiệm bị bắt giữ hôm 6/5 sau khi bị thu giữ toàn bộ lương thực và phương tiện hành nghề. Cả 9 thuyền viên chỉ còn lại con tàu với một ít dầu. Nhưng họ vẫn ở lại với Hoàng Sa sau khi gặp tàu người quen cùng quê mượn ít lương thực và nhờ ICOM liên lạc về đất liền nhờ người nhà gửi thiết bị, cùng phương tiện ra.

Không riêng gì thuyền trưởng Nhiệm, mà hàng trăm thuyền trưởng khác trên những con tàu của ngư dân Lý Sơn vẫn đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa, bất chấp những hiểm nguy bủa vây.

Giữa những ngày đầu tháng 6 này, những con tàu của ngư dân vùng biển miền Trung vẫn mải miết ra khơi. Nhiều ngư dân bảo rằng họ không hề lo sợ đối mặt với tàu Trung Quốc. Nhưng họ chỉ lo sợ bị thu giữ phương tiện hành nghề.

“Nếu được nhà nước hỗ trợ giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc…” - lão kình ngư Phạm Hà ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi nói.

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi):
Sau 4 lần bị phía Trung Quốc bắt giam trái phép, đánh đập và tịch thu toàn bộ phương tiện, ngư lưới cụ, gia đình tôi đang lâm nợ nửa tỷ đồng và không biết đến bao giờ mới trả được.

Cuộc sống của gia đình hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như một ngày nào đó sắm lại được tàu, thì vùng biển Hoàng Sa vẫn cứ là ngư trường mà tôi chọn. Tôi mong Nhà nước giúp đỡ tôi phần nào để trở lại với Hoàng Sa mà tôi hằng gắn bó hàng chục năm qua.

Thuyền trưởng Lê Vinh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi):

Đâu phải đến bây giờ phía Trung Quốc mới bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ, phương tiện của ngư dân khi ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa. Việc này diễn ra lâu nay. Nếu sợ thì ngư dân Lý Sơn đã bỏ nghề biển hết từ lâu rồi.

Hôm 9.5.2011, khi đang đánh bắt tại đảo Xà Cừ (Hoàng Sa, Việt Nam), tàu của tôi và 10 ngư dân cùng đi đã bị tàu Trung Quốc đến khống chế thu máy định vị, Icom, dầu, máy dò… với tổng trị giá khoảng 160 triệu đồng.

Chúng tôi còn ra khơi được thì vẫn sẽ đến Hoàng Sa đánh bắt.

Ngư dân Phạm Hà (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):

Tôi không sợ đối mặt với tàu chiến và tàu cá Trung Quốc trên hải phận nước mình. Tôi chỉ lo bị tịch thu tàu bè, ngư cụ sẽ mất phương tiện để làm ăn.

Tôi rất mong các cấp ngành của tỉnh và T.Ư hỗ trợ, giúp đỡ khi chúng tôi gặp rủi ro. Nếu được như vậy thì ngư dân sẽ vững vàng và yên tâm bám biển hơn.

Ngư dân Tiêu Viết Là (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):

Ngư dân chúng tôi ý thức rằng, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam nên khẳng định chủ quyền biển đảo nước mình, chúng tôi ra đó đánh bắt.

Tuy nhiên, ra Hoàng Sa, ngư dân chúng tôi liên tục bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chế độ, chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Làm như vậy để tạo điều kiện cho ngư dân có vốn để tái sản xuất, đồng thời cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

(Theo Dân Việt)

  • Vũ Trung