- Khi đã đặt chân vào nhà “thầy”, cho dù tốt hay xấu cuối cùng ai cũng có hạn, không hạn nặng thì hạn nhẹ. Và, chỉ còn cách duy nhất là “trăm sự nhờ thầy”. Khi đã nhờ thầy thì tiền triệu, có thể lên đến tiền chục triệu bay theo khói hương.
Ai cũng có hạn!
Chúng tôi lấy lí do “ông bà già” cho miếng đất ở quê, hai vợ chồng tính chuyện bán đi lên Hà Nội mua chung cư, nhưng bán mãi không được muốn thầy xem có cách nào “giải” giúp.
Từ khi "khánh thành", lúc nào "biệt điện" của thầy Lê Nghị cũng trong tình trạng... xây dựng. |
Thầy nghe xong, phán ngay: “Đất cát thì tao không làm, tao chỉ xem ngày tháng năm sinh thôi. Nhưng tao chỉ cho, mày sang gặp thầy Bút bên Thuận Thành (cũng là huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh-PV), đến đó ông ấy làm cho. Về có mà đắt như tôm tươi”.
Câu chuyện bỗng trở nên nhạt nhẽo vì thầy có vẻ nghi ngờ, hai mắt thầy đảo liên tục, và tập trung nhìn vào chiếc điện thoại trên tay anh bạn tôi đi cùng: “Chúng mày đừng quay phim chụp ảnh. Lên mạng mà đọc. Chúng nó viết về tao đầy…”.
Sau một hồi “xử lý” chúng tôi bằng những lời phán không đâu vào đâu, trong lúc bốn mắt nhìn nhau chờ đợi và… im lặng thì có khách đến. Đó là hai người phụ nữ, một trung niên, một trẻ.
Nghĩ “thầy” đang bận xem bói cho chúng tôi, hai người phụ nữ khép nép ngồi ở mép chiếu sát cửa. Rồi họ ra hiệu cho nhau gần như cùng lúc rút ra tờ 50.000 đồng đặt lễ. Chỉ chờ có thế, “thầy” phủi áo đứng lên, bỏ chúng tôi lại với tâm trạng ngẩn ngơ, ê chề.
Từ khi bị báo chí "bới móc", biệt điện 'thầy' Nghị lúc nào cũng trong tình trạng cửa đóng then cài... |
Như cá gặp được nước, 'thầy' Lê Nghị bắt đầu hạ giọng và rất dịu dàng với hai vị khách vừa đến. 'Thầy' nhẹ nhàng ngồi vào vị trí “hành nghề”. Một chiếc ống đựng các quẻ thẻ tre đặt ở mé bàn bên phải. Ba bộ tú lơ khơ cũng đặt kề đó, chắc để xem bói bài. Một bộ còn được ép platic. Cô gái trẻ xem trước.
Giọng lo lắng, cô nói gia cảnh nhà mình mấy lần đi xem, “cũng về cúng bái, làm đúng lời người ta mà tình hình không thuyên giảm gì”.
“Rồi thầy xem tiền vận hậu vận cho con nữa” – cô gái giọng thành thực. 'Thầy' Nghị mặt dịu đi, hài lòng lắm. Và 'thầy' nở nụ cười rõ tươi, giọng thánh thót: “Nhà chị nói cho Nghị ngày tháng năm sinh để Nghị xem cho!”.
Cô gái trẻ đọc ngày tháng năm sinh theo lịch Tây. Nghị không hỏi giờ và phán liền: “Năm nay làm ăn tốt, cứ thế mà làm”
'Thầy' Nghị hùng hồn: “Tuổi anh và chị không hợp nhau, lại cưới đúng ngày ly sát, giờ ly sát. Thế chúng mày có cưới lại không?”.
Tất nhiên chị phụ nữ trả lời không. Được thể, thầy phán luôn “phải cưới lần hai. Không biết thì để Nghị giải cho”. Rồi y “xoa”: “Số anh chị có của ăn của để, có nhà có cửa có đất có cát do bố mẹ cho, cứ thế mà làm, đấy là thánh phán”.
Một chiếc điện thờ chênh vênh đang được xây dở. |
Được một lát, Nghị bảo: “Nhà chị có tranh ảnh, đồ vật gì hình ngựa không?”. Chị phụ nữ còn đang ngơ ngác, Nghị tiếp: “Đứa út nhà chị có căn bị ngựa đá, nên nhà có cái gì hình thù con ngựa thì về vứt hết, đốt hết đi nhé!”.
Chị này tẽn tò: “Đứa lớn nhà con tuổi ngựa nên nó thích đồ chơi hình con ngựa. Cháu nó sưu tầm nhiều lắm!”.
Ra vẻ thích thú khi nói đúng chuyện đứa con chị này tuổi ngựa, “bị ngựa đá”, phải đốt hết, vứt hết những đồ đạc có hình thù ngựa, nhưng ngay sau đó 'thầy' đoán sai tuổi khi nói anh chồng chị đi cùng 46 tuổi. Cô gái vặc lại ngay, “chồng con sinh năm 1973, năm nay là 38 tuổi chứ?”. “Là tôi nói năm 46 tuổi có cái hạn…” – 'thầy' Nghị chống chế.
Trong lúc xem số cho khách, Nghị liên tục nghe điện thoại, những cú điện thoại vẫn chỉ mang một nội dung, đó là: Phải lễ mới hết được hạn, đầu tháng vào nhà Nghị, Nghị lễ cho. Khỏi ngay! Chiêu bài “rung cây dọa khỉ” ăn tiền chính là mánh lới quen thuộc khiến cho Nghị phất như ngày hôm nay.
Theo như những con nhang đệ tử mà tôi được tiếp xúc, mỗi lần muốn giải hạn, 'thầy' Nghị bắt sắm lễ từ 4 – 5 triệu đồng/lễ/người. Nhiều khi sắm lễ, quà cáp bồi dưỡng cho 'thầy' cũng có khi lên cả vài chục triệu. Trước đây, những ngày đắt khách, mỗi ngày có cả trăm khách đến xem chỗ Nghị.
Như vậy, riêng tiền đặt lễ mỗi ngày mà Nghị thu được xấp xỉ cũng khoảng 5 triệu đồng. Đây cũng là câu trả lời tại sao Nghị xây dựng được ngôi “biệt phủ” bề thế như vậy!
Chính quyền không hề hay
Ông Nguyễn Hải Trưng, Chủ tịch UBND xã Phương Liễu cho biết: “Chúng tôi biết ông Nghị hành nghề thầy cúng, chứ chưa nghe ông này nổi tiếng nghề thầy bói. Bà con hàng xóm cũng không có phản ánh chuyện nhà ông này gây rối mất trật tự an ninh…”.
Một góc biệt phủ nhìn qua hàng rào... dây thép gai. |
Ông Trưng thông tin thêm: Lê Xuân Nghị trước kia đã từng tham gia hợp tác xã nông nghiệp.
Xã đội trưởng Trương Đăng Dũng cho biết tường tận thêm: hết hợp tác xã, Lê Xuân Nghị làm kế toán nhà máy gạch. Nhà máy gạch giải tán, Lê Xuân Nghị đi buôn gốm Thổ Hà. Buôn gốm không ăn thua, Nghị đi học nghề thầy cúng, trở thành đệ tử của thầy Thục (hiện đang sống tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ).
Theo nghề thầy cúng được vài năm, Lê Xuân Nghị bắt đầu hành nghề bói toán, được một thời gian thì có của ăn của để, đến mức dân làng kháo nhau Nghị giàu lên nhờ… buôn thuốc phiện. Vị chủ tịch xã tếu táo: “Hôm nào tớ phải đến xem thực hư thế nào. “Thánh” ở ngay gần mà không biết!”.
Anh Nguyễn Văn Bắc, công an viên phụ trách an ninh thôn Hà Liễu chính là em vợ của Lê Xuân Nghị. Anh Bắc chia sẻ: “Lúc đầu biết ông ấy hành nghề cúng bái cả nhà đều ngăn cấm, nhất là ông bà nhà mình. Nhưng có lẽ vì anh Nghị hành nghề lâu rồi, cả nhà đâm thành quen!?”.
Anh Bắc còn cho biết thêm, trước kia ông Nghị có cái nhà ba gian xây theo kiểu cũ, hai gian trong, một gian lồi. Mấy năm trở lại đây, khi có tiền Nghị cho xây mới, nhưng cái móng vẫn là móng cũ, xây theo kiểu chắp vá, làm mãi vẫn chưa xong, “đến chục năm nay nhà ấy lúc nào cũng như cái công trường vậy”.
Chiếc bạt xanh trùm từ trên xuống dưới, cùng với kiến trục kiểu tam quan là điểm dễ nhận thấy của dinh cơ nhà thầy Lê Nghị. |
Ông chủ tịch xã Phương Liễu nghe tới đây bỗng chột dạ, liền đốc thúc trưởng công an xã Nguyễn Công Nguyên: “Ông cho anh em vào kiểm tra ngay, chứ cứ nếu như thế này thì chết mất!”.
Ngồi cạnh bên, ông Nguyên giọng nghe vừa xót xa vừa bức xúc: “Tôi chẳng biết ông Nghị có được hưởng lộc thánh gì không chứ dân làng thì không ai tin vào tài năng của ông ấy cả”.
Kiên Trung – Quang Anh