- Để xử lý nghiêm và răn đe các doanh nghiệp taxi vi phạm, lực lượng liên ngành công an và GTVT Hà Nội sẽ không cấp giấy phép kinh doanh mới cho doanh nghiệp taxi nhằm hạn chế số lượng xe. Đồng thời, đối với doanh nghiệp đã có giấy phép khi vi phạm sẽ không cho tăng thêm đầu xe để “siết chặt” hoạt động của doanh nghiệp đó.

Đây là nội dung được lực lượng Liên ngành Công an và GTVT Hà Nội đưa ra sáng nay (8/5), trong buổi sơ kết sau 1 tháng tiến hành kiểm tra, xử lý xe taxi vi phạm.

Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành, đã bước đầu làm chuyển biến ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe taxi.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi đã chấn chỉnh hoạt động của lái xe góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hiện tượng taxi dừng đỗ hàng 2, hàng 3 đón khách gây cản trở giao thông đã chuyển biến rõ rệt” ông Mạnh cho biết thêm.

 
Đối với doanh nghiệp đã có giấy phép khi vi phạm sẽ không cho tăng thêm đầu xe để “siết chặt” hoạt động của các đơn vị.

Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay: Thanh tra Sở sẽ thành lập tổ công tác liên ngành gồm nhiều đơn vị để tiếp tục tiến hành kiểm tra 19 doanh nghiệp taxi nhằm chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp.

Ông Mạnh cho biết: Kết quả xử lý trong một tháng vừa qua vẫn còn hạn chế do lực lượng liên ngành mới tập trung kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, chưa tập trung phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm như: Không có giấy phép kinh doanh, không gắn hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền không kẹp chì, không gắn logo hãng...

Đã có hiện tượng doanh nghiệp, lái xe taxi không đủ điều kiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi chuyển sang hoạt động vào ban đêm nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng”, ông Mạnh nói.

Theo Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, Phó phòng CSGT, Công an Hà Nội, việc kiểm tra xử lý xe taxi “dù” và gắn chíp điện tử hòng “gian cước” hiện đang gặp nhiều khó khăn. Các xe taxi dù sau khi bị xử lý lại tiếp tục vi phạm, khi thấy bóng dáng lực lượng liên ngành thì bỏ trốn.

Ông Sỹ cũng nhận định, hiện nay độ tuổi của lái xe taxi từ 18 trở lên chưa phù hợp, dễ nảy sinh tiêu cực, ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao, thậm chí có nhiều hành vi chống đối nguy hiểm.

Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cũng cho biết: Thời gian tới công an thành phố sẽ có văn bản đề nghị sửa đổi quy định độ tuổi lái xe taxi nâng lên 20 tuổi và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm để siết chặt đội ngũ này nhằm chấn chỉnh họ có ý thức chấp hành luật tốt hơn.

Để xử lý nghiêm và răn đe các doanh nghiệp, lực lượng liên ngành sẽ không cấp giấy phép kinh doanh mới cho doanh nghiệp taxi nhằm hạn chế số lượng xe. Đối với doanh nghiệp đã có giấy phép khi vi phạm sẽ không cho tăng thêm đầu xe để “siết chặt” hoạt động của các đơn vị.

Hơn 2.,000 xe vi phạm

Sau một tháng chấn chỉnh hoạt động taxi, xích lô, lực lượng liên nghành đã kiểm tra, xử lý 2.167 trường hợp xe taxi vi phạm, phạt tiền 1,5 tỷ đồng, tạm giữ 100 xe taxi vi phạm. Trong đó, riêng 8 tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý 1.781 trường hợp, phạt tiền 1,2 tỷ đồng, tạm giữ 74 xe taxi vi phạm.

Đáng chú ý, lực lượng liên ngành cũng đã kiểm tra, xử lý 50 trường hợp xe taxi không có đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu xe taxi theo quy định.

Các lỗi vi phạm điển hình như, đỗ xe sai quy định 797 trường hợp; không chấp hành vạch sơn 190 trường hợp; không có phù hiệu 22 trường hợp; không có giấy phép đăng ký kinh doanh 5 trường hợp; không có giấy phép lái xe 20 trường hợp; không sử dụng đồng hồ tính cước 45 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh 180 trường hợp…

Các doanh nghiệp có nhiều xe taxi vi phạm: Hà Nội, CP, Mai Linh, Thành Công, Thế kỷ mới, Trung Việt, Thanh Nga, Mỹ Đình, Ba Sao…


Vũ Điệp