Hai năm trở lại đây Bệnh viện Nội tiết Trung ương liên tục tiếp nhận điều trị
bệnh nhân trẻ tuổi chịu biến chứng rất nặng do tiểu đường. Nữ bệnh nhân chưa đầy
40 suy thận đến mức phải lọc máu gấp. Nam bệnh nhân qua 30 vừa lập gia đình đã
"về hưu sớm" do liệt dương.
Xót xa người trẻ bất cẩn với bệnh hiểm
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nội tiết Trung ương
cho biết, đáng ngại là bệnh tiểu đường type 2, trước đây tập trung chủ yếu ở
những người trên 40 tuổi, nay rơi vào nhóm dưới 40. Đáng ngại là, 65% bệnh nhân
(ở nhóm người dưới 40, tỷ lệ này là gần 100%) không hề biết họ đã mắc bệnh tiểu
đường. Điều đó khiến họ thường đến bệnh viện khi đã xuất hiện các biến chứng về
mắt, thận, tim mạch vành, tai biến mạch máu não, hoại thư bàn chân.
Ngại khám và tầm soát bệnh tật, nhiều người đã "hết xoan" ngay mới 30. Ảnh minh họa
Tình trạng người trẻ "ngại" khám bệnh cũng được Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch
Mai) cảnh báo là lý do thúc đẩy bệnh tim mạch xuất hiện thường hơn ở độ tuổi
dưới 40 những năm gần đây; nhất là khi tiết trời nắng nóng. Chuyên gia tim mạch,
TS. Tạ Mạnh Cường cho biết, bệnh thường gặp ở những người thờ ơ với sức khoẻ,
không đi khám định kỳ dù có những triệu chứng "dễ cho qua" như mệt mỏi, nhức
đầu, hoa mắt, khó thở, đau ngực, trống ngực, tê yếu chân tay, mặt đỏ phừng...
Chỉ đến lúc nguy kịch; đau thắt ngực dữ dội, huyết áp tăng kịch phát, người bệnh
mới nhập viện cấp cứu và hầu hết phải chịu biến chứng nặng nề gây tổn thương
tim, não, thận, phổi...
Theo các chuyên gia y tế, sự bất cẩn của người trẻ với dấu hiệu cảnh báo bệnh
tật chính là lý do khiến tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 mắc bệnh hiểm ngày càng tăng.
Đấy là chưa kể, nhiều bệnh diễn tiến âm thầm, gần như không có triệu chứng; đặc
biệt là ung thư. Cùng với đó, thói quen ăn uống "vô tội vạ", lười vận động,
thiếu ý thức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật đã khiến nhiều
người gắn chặt với giường bệnh hoặc từ giã cuộc sống khi tuổi vẫn "đang xoan".
Tầm soát bệnh tật: Lãng phí hay đầu tư?
Hoài Thanh - kế toán một công ty xây dựng lớn ở Hà Nội cho biết, năm nào cơ quan
cô cũng mời một đoàn bác sĩ về khám sức khỏe tại chỗ cho nhân viên theo hợp đồng
bảo hiểm y tế; tuy nhiên ít ai thấy hứng thú; nhiều chị em "trốn" vài hạng mục
"nhạy cảm" như da liễu, phụ khoa, nhưng vẫn được đóng dấu "sức khỏe tốt". Cô cho
rằng: "Đây là sự lãng phí lớn. Tổ chức khám đại trà thế này chỉ để báo cáo tổng
kết thành tích thôi, bác sĩ nghe ngực, xem lưng là chủ yếu; làm sao phát hiện
bệnh hiểm?".
Giải thích việc này, một cán bộ Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, đến nay
Luật BHYT không cho phép thanh toán các trường hợp khám sức khỏe định kỳ, làm
các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tật để phòng ngừa. Có nghĩa là Quỹ BHYT chỉ mới
dừng ở việc trị bệnh chứ chưa chi cho chuyện ngừa bệnh tật.
Việc cơ quan/DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ trọn gói nhằm đãi người lao động,
nhưng thường chỉ để phát hiện những bệnh phổ biến thường gặp nhất.
Theo vị cán bộ này, việc khám sức khỏe định kỳ ở Việt Nam thường bị lãng quên,
ngoài các nguyên nhân về kinh phí BHYT hay “túi tiền” của cơ quan/DN tổ chức
khám cho nhân viên, còn do tâm lý "chỉ đến bác sĩ khi phát bệnh", đã ăn sâu vào
ý thức người dân. Rất nhiều người cảm thấy mình ăn ngon, ngủ khỏe, đi làm đều,
nên thấy kiểm tra sức khỏe định kỳ là... lãng phí thời gian và tiền bạc. Trong
khi trên thực tế, trong cơ thể họ đã có một số bệnh tiến triển âm thầm, đến khi
những triệu chứng bệnh đã rõ ràng, việc chữa trị rất tốn kém, lâu dài, đôi khi
vô vọng.
Vì vậy, vị này khuyến cáo, bạn có BHYT hay không, đều nên bỏ tiền túi khám sức
khỏe định kỳ ("con săn sắt") để bắt "con cá sộp" (ấy là sức khỏe).
"Thả con săn sắt, bắt con cá sộp"
Theo các chuyên gia y tế, nếu trong gia đình có người thân bị các bệnh mạn tính
như tiểu đường, bệnh tim..., bạn nên kiểm tra sức khỏe hằng năm từ lúc 30 tuổi
để phát hiện bệnh và nếu có thì nên điều trị sớm. Nếu trong gia đình có người
thân bị ung thư bất cứ cơ quan nào, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ từ lúc 40
tuổi. Nếu gia đình không có ai có tiền sử bệnh mạn tính nào, bạn nên kiểm tra
sức khỏe mỗi năm sau tuổi 50.
Nhưng nên làm những xét nghiệm nào để tầm soát bệnh tật? Theo BS Phạm Văn Đài
(Phòng khám Medelab, 41 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội), bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn ý
nghĩa của từng xét nghiệm để bạn chọn lựa. Tùy độ tuổi, gia đình, nghề nghiệp,
thói quen sinh hoạt..., bạn sẽ được cung cấp gói khám cơ bản, gói khám nâng cao
và gói khám toàn diện. Với gói khám cơ bản, bạn sẽ được kiểm tra những vấn đề cơ
bản nhất của sức khỏe như khám nội tổng quát, khám chuyên khoa mắt, khám sản phụ
khoa, chụp X quang, điện tim, siêu âm ổ bụng 4D, xét nghiệm máu và nước tiểu...
Với gói khám nâng cao, bạn được kiểm tra thêm một số vấn đề về khám răng hàm
mặt, siêu âm tuyến giáp, tầm soát một số bệnh ung thư sớm như ung thư vú, ung
thư cổ tử cung, ung thư tiền luyệt tuyến... Khi sử dụng gói khám toàn diện, bạn
sẽ được tầm soát thêm ung thư tiêu hóa, gan, phổi, tụy... với sự hỗ trợ của công
nghệ hiện đại nhất thế giới.
BS Đài nói: Hãy chủ động đuổi bệnh trước khi bệnh đuổi ta khỏi cuộc sống vẫn còn
đang "xoan" này...
• Quảng Hạnh