– Để trở thành những chiến binh của núi rừng, bắt được con trâu lớn, đốn được gỗ to, trở thành những người “săn máu” can đảm bảo vệ bản làng, những người đàn ông Cơ Tu phải trải qua quá trình tập luyện từ nhỏ...

Và khi trưởng thành, đàn ông Cơ Tu đều được trang bị cho một cây giáo để săn thú, đảm bảo sinh kế, cũng là công cụ để đi lấy máu người cúng thấn linh khi mùa màng thất bát, cộng đồng bị đe dọa.

Người hùng của bản làng

Ngay từ nhỏ, các bé trai Cơ Tu được truyền dạy những kỹ năng đi rừng, săn thú, luyện tập để trở thành những chiến binh thực sự của rừng xanh. Hàng đêm, bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà chung của làng, họ thường được nghe những người có kinh nghiệm kể về về những lần đi săn thú, đâm người và chống lại nạn “giặc mùa”.

Những chiến binh Cơ Tu với những cây Mác lao trên tay, một công cụ hữu hiệu để săn thú, cũng là vũ khí để những "chiến binh" bảo vệ xóm làng, săn máu cúng thần linh khi bản làng xẩy ra sự cố - Ảnh: LePichon

Trong những câu chuyện kể, già làng thường lồng những câu chuyện về quá khứ anh hùng của những người đi trước, khích lệ, khơi dậy lòng tự hào để đám trai tráng trong làng tự nguyện trở thành “dũng sĩ săn máu”, gánh vác việc đại sự cho bản làng.

Có cụ nói: "Lúc còn trẻ mình hăng hái quá, gặp lúc làng đói kém, đau ốm mình quyết ra đi không tiếc việc nhà, không sợ khó khăn chết chóc… Bụng gan dạ quyết nhưng vợ con cứ như cái dây rừng làm vướng chân tay ghê lắm".

Còn các cô gái - những bông hoa rừng cũng thúc giục các chàng trai Cơ Tu bằng những lời nói thiết tha: "Em hứa cùng chị em trong thôn nấu cơm nếp dẻo đãi anh, xắt thuốc thật nhỏ tặng anh, bận váy áo dẹp nhất để đón anh từ xa. Múa da dá (loại hình múa truyền thống - Pv) thật mềm dẻo để mừng anh trong ngày anh về. Em chờ anh và làm vui lòng anh”, hồi ký Quách Xân.

Trước sự an nguy của cộng đồng, cảnh đói kém ốm đau của dân làng, một vài chàng trai trưởng thành, những chiến binh Cơ Tu thực thụ tự nguyện làm ân nhân của bản làng, trở thành những "chiến binh săn máu".
 
Ánh mắt xa xăm của một người mẹ Cơ Tu. Cũng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ ngày bản làng Cơ Tu không còn săn máu, đâm người nữa, nhưng nỗi ám ảnh về những  gì xảy ra trong lịch sử thì người dân ở đây vẫn chưa quên được. Ảnh: Duy Tuấn

Một buổi chiều, bà mẹ Cơ Tu thấy người con trai ra rừng chặt ống bung non (một loại tre) rồi đưa cho bà. Chẳng thấy con nói câu nào nhưng người mẹ hiểu ngay ý định của người con trai mình. Bà âm thầm lo giã nếp, chuẩn bị lương thực. Còn chàng trai thì tiếp tục công việc chuẩn bị, mài sắc lưỡi mác lao, sửa soạn ống mồi, thuốc lá, muối…, chuẩn bị cho đợt sống dài ngày ở núi rừng trong quá trình săn máu.

“Bản làng biết họ đi đâu, làm gì nhưng không ai hỏi, không tiễn đưa, không lời chúc tụng. Cha mẹ, vợ con dõi bóng theo những chiến binh với cặp mắt nghiêm trang”, hồi ký của nhà cách mạng Quách Xân có kể.

Khi đã chuẩn bị hết hành trang cho cuộc săn máu dài ngày, những chiến binh bản làng bắt đầu đi theo “hướng máu” đã được chọn từ trước. Khi thấy đối tượng của mình, là những người không quen biết, không thù hận,  người đi săn sẽ ẩn thân bên đường, tấn công bất ngờ, lấy máu rối rút lui nhanh chóng.

Hoặc nếu khi đi trả thù, trả nợ đầu với bản làng khác, họ sẽ mai phục cho đến khi lấy được máu người.

Theo thông tin trong cuốn sách “Katu – Kẻ sống đầu nguồn nước”: Máu của người bị nạn phải dính vào mác lao để đưa về hiến tế. Sau khi thành công, đoàn người săn máu gấp rút trở về . Khi về đến gần làng, họ leo lên những ngọn cây cao, hú lên tiếng “Ta- co- ách”, biểu trưng cho chiến thắng để người làng mình biết.

Những sọ người trong cột hiến tế mà LePichon chụp được trong những năm 30 của thế kỷ 20 khiến nhiều người đặt ra vấn đề, sau khi săn máu, những chiến binh Cơ Tu còn chặt đầu nạn nhân?

Bản làng nghe tin liền đánh chiêng, trống mừng chiến thắng. Dân làng xem như những vấn nạn của làng mình đã được giải thoát, vội chuẩn bị lễ vật cùng với máu người do những chiến binh mang về để tiến hành cúng, để giàng không còn quấy phá, làm hại bản làng nữa, sẽ không bị đói, đau, lạnh, lạt nữa.

Các chiến binh săn máu trở về trong con mắt thán phục của những vị già làng, trong sự ngưỡng mộ của những cô gái bản làng. Sau khi trao ngọn giáo có dính máu người cho các vị già làng cắm vào giữa sân nhà Gươl, họ đi thẳng vào ngôi nhà Gươl, ngồi ở vị trí trang trọng. Bởi, họ ra đi lặng lẽ nhưng hoàn thành nhiệm vụ, do vậy khi trở về, họ được chào đón như những vị anh hùng.

Oán thù chồng chất


Trong những câu chuyện với những người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế mà chúng tôi được gặp, vẫn còn thấy phảng phất những tố chất của những người chiến binh thủa trước. A Rất Hinh bảo rằng mấy chục năm nay người Cơ Tu chỉ đi săn thú rừng.

Quan niệm về máu vẫn còn đậm nét trong quan niệm của bản làng khi những lễ hội diễn ra. Nhưng không phải máu người, mà là máu con vật.

Già làng Cơ Tu ở Thượng Long (Nam Đông, Thừa thiên Huế) trong trang phục và dụng cụ khi đi săn. Ảnh: Duy Tuấn

Nhiều khi họ đi đâm cho đỡ tức thôi, cũng để chứng minh bản lĩnh của mình đối với các thôn kế cận xem cái bụng mình có gan không”, A Hinh cười nói.

A Rất Hinh nói rằng, đàn ông Cơ Tu có tính tự trọng rất cao, dễ tự ái. Trong quá khứ, khi tục săn máu còn tồn tại, rất nhiều vụ chỉ vì những lý do nhỏ nhặt dẫn đến chết người.

"Nhiều khi chỉ vì câu nói của vợ: Từ khi em về với anh không thấy anh bắt được con thú nào mà sao anh kia săn được nhiều thú rừng thế. Người chồng nghe thế như bị xúc phạm, hôm sau sẽ có cuộc săn máu xẩy ra”, anh Hinh kể tiếp.

Người Cơ Tu ở Thượng Long còn nhớ rõ câu chuyện đã xẩy ra từ ngày xưa, thời mà đàn ông Cơ Tu còn mặc khố, sống nay đây mai đó. Chuyện kể rằng, có người đàn ông tên Quỳnh T. rất giỏi võ, nhảy cao, gan dạ nhất làng. Chỉ vì thấy vợ mình bị trêu ghẹo, ông đã mang giáo đi đến khe La Vân đâm chết một người Kinh đang trên đường đi buôn bán.

Ông Quỳnh T. đâm người chẳng vì thù hận gì, chỉ là làm cho bõ tức.

Lễ hội đâm trâu, một phong tục điển hình trong tín ngưỡng của các dân tộc trên dãy Trường Sơn. Ảnh: LePichon

Những thương lái người Kinh không trả nợ máu như những người dân tộc khác. Một thời gian dài, họ đã trở thành đối tượng săn máu của người dân tộc vùng cao. Còn nếu kẻ bị giết thuộc về một bộ tộc mạnh, nằm trong số những chiến binh nổi tiếng của bản làng đó thì làng vừa gây ra nợ máu phải phòng vệ để ngăn họ trả thù.

Những vòm đỉnh nhọn được đặt trên các con đường vào làng, cắt cử người canh gác rình trên các ngọn cây. Những ống tre đầy nước đã đánh thuốc độc để trong các chòi gác rẫy, những bẫy đào trên đường. Trong làng luôn ở trong tư thế sắn sàng chiến đấu.

Có nhiều cuộc nợ máu trả bằng máu kéo dài suốt nhiều thế hệ trong đồng bào người Cơ Tu. Thế hệ sinh sau không chỉ được cha anh chỉ dạy, đào tạo để trở thành những chiến binh bảo vệ bản làng, mà còn gieo cả những mối thù, nợ máu mà họ chưa trả được.

Những lần lấy được máu người về cúng tế, cầu mong mùa màng bội thu nhưng rồi cũng chính những lần “chiến thắng” ấy của những chiến binh Cơ Tu lại gieo thêm nỗi hận thù với cộng đồng người bị nạn. Dân làng săn được máu lại sống trong những chuối ngày dài lo âu.

Duy Tuấn

Kỳ tới: “Giặc mùa” săn thương lái

Những trận 'săn người' đẫm máu
Chỉ vì mâu thuẫn từ viên đá mài, hai dân tộc Cơ Tu và Bhee ở vùng tây Quảng Nam đã xẩy ra thù hận kéo dài, những trận “săn máu - nợ đầu” diễn ra liên tục trong hàng chục năm...
 
Kỳ bí tục “săn máu” trên dãy Trường Sơn
Nhìn những bản làng người Cơ Tu yên bình với những ngôi nhà Gươl (nhà cộng đồng) nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn, ít ai biết rằng, trong quá khứ tộc người này từng có những thời kỳ mang nặng hủ tục chết người - tục “săn máu”.