– Câu chuyện nghe vừa buồn cười nhưng đầy chua chát đó lại là sự thật… 100% được chính ông trưởng ban QLDT lịch sử đền Phấn Động chia sẻ. Cả làng Phấn Động nhiều tháng nay phải… gom gạch vỡ, chai lọ… để đối phó với những chiếc tàu hút cát trên sông...

Phòng tuyến sông Như Nguyệt – trận địa bất hủ trên sông đã mang lại chiến thắng hiển hách trong cuộc chống quân Tống xâm lược (1077) giành lại non sông Đại Việt, đồng thời cũng đặt dấu mốc quan trọng cho thời kỳ thịnh trị, tự chủ của triều đình phong kiến Đại Việt sau gần 1000 năm Bắc thuộc.

Địa danh này gắn mãi với tên tuổi của người anh hùng Lý Thường Kiệt và ghi danh sử sách muôn đời với “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên bằng bài thơ thần bất hủ “Nam quốc sơn hà”.

Di tích lịch sử đền Phấn Động - một trong các điểm nằm trong Phòng tuyến sông Như Nguyệt chống giặc Tống gần 1.000 năm về trước.
Con sông Cầu huyền thoại ấy, dù có bên bồi bên lở, có đoạn thắt lại, có đoạn mở rộng thêm luồng nước, thì cũng không đổi dòng! Thế nhưng, ít ai có thể ngờ, cả dòng sông mẹ hùng vĩ ôm trong lòng mình những chứng tích lịch sử hào hùng đang quằn quại vì sự tàn phá của con người.

“Sa tặc” và… các chủ lò gạch đang từng ngày, từng giờ giết chết những di tích lịch sử phòng tuyến sông Như Nguyệt năm nào! Sự thực đau xót ấy, khiến những người nặng lòng xót xa mỗi lần xuôi sông Cầu ngoảnh mặt nhìn lại những cố tích xưa!

“Phế đô” của những… công trường lò gạch?!

Phòng tuyến sông Như Nguyệt được Lý Thường Kiệt dựng lên giống như một bức bình phong phòng thủ vững chắc, cách cửa ngõ đi vào thành Thăng Long chừng ba mươi dặm, thế công - thủ công toàn. Nó dựa vào thế núi, sông, đồng trũng, ruộng lầy, kéo dài từ chân núi Tam Đảo đến Lục Đầu Giang.

Trên dòng sông Như Nguyệt xưa (nay là sông Cầu), đoạn đi qua địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) gồm các xã Tam Giang, Tam Đa có chiều dài hơn 10 km đường đê, xuôi xuống Thị Cầu.

Mô hình sơ đồ phòng thủ sông Như Nguyệt đặt trong đền Phấn Động.

Ven theo mái đê sông Cầu, đồng thời cũng là phòng tuyến sông oanh liệt ấy, những cố tích xưa đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, gồm hệ thống các đền, chùa, các trại tập trung quân, các kho hậu cần, lương vận… phục vụ cho trận chiến.

Chỉ riêng xã Tam Đa (Yên Phong - Bắc Ninh), trên 2km đê đã có tới 8 điểm di tích được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Điều ấy cho thấy, tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của phòng tuyến có tầm quan trọng làm nên chiến thắng quyết định của quân dân nhà  Lý xưa, không chỉ là huyền thoại trong sử sách, mà nó hiện hữu ở những địa danh, những dấu tích…, như một chứng tích cho lòng tự hào, tự tôn muôn đời.

Thế nhưng, lòng tự hào, tự tôn ấy đang bị xâm hại.

Miễu Thọ Đức – một trong những điểm quan trọng của phòng tuyến sông Như Nguyệt năm nào – thuộc thôn Thọ Đức (xã Tam Đa – Yên Phong – Bắc Ninh). Theo sử sách, cánh quân tại bãi Miễu có nhiệm vụ chặn mũi tiến quân của giặc từ phía núi Tiêu Lát tràn sang và làm nhiệm vụ ứng cứu cho 2 cánh quân ở khu vực Như Nguyệt và Thị Cầu. Xưa, miễu Thọ Đức nguyên là một doi đất cao, và nằm ở phần trong đê (phía khu dân cư).

Phế đô của những lò gạch một thời bức tử các di tích lịch sử ở Yên Phong - Bắc Ninh.

Trận lụt cách đây vài chục năm đã phá vỡ tuyến đê cũ. Chính quyền địa phương phải đắp con đê mới, thành ra, Miễu Thọ Đức lại nằm ở phần ngoài đê (giáp với sông Cầu). Tuy nhiên, Miễu vẫn đường bệ đứng trên doi đất cao.  

Từ Miễu ra đến bờ sông Cầu là một bãi bồi mênh mông. Từ Miễu vào đến phần chân đê cũng là một khoảng đất rộng mênh mông như thế.

Những tưởng, với vị trí “an toàn tuyệt đối” này, di tích lịch sử Miễu Thọ Đức sẽ chẳng bao giờ có nguy cơ bị xâm hại, trừ phi đó là cơn giận giữ của thủy thần sông Cầu!

Tấm biển khu di tích chênh vênh theo năm tháng...

Nhưng, mấy chục năm nay, sông Cầu hiền lắm. Cái họa thiên tai không còn là nỗi lo ngại lớn nhất. Thế nhưng, sự “an toàn” ấy, chỉ là trong các cuốn biên niên sử và trong những lời… truyền miệng. Miễu Thọ Đức bây giờ là một… ốc đảo, giữa nham nhở điệp trùng phế tích của những lò gạch, những hố, vụng… và được báo trước về sự “cô lập” của Miễu với khu dân cư!

Mặt trời chính ngọ. Chúng tôi xuống “hiện trường” – (nói theo cách nói của anh Hoàng Duy Trường, trưởng thôn Phấn Động) thăm đền Miễu của thôn Thọ Đức. Thấp thoáng từ phía xa, những tháp lò nung gạch sừng sững và dày đặc. Hàng trăm lò gạch dọc sông Cầu từ nhiều năm trước miệt mài khoét đất “đưa vào khuôn khổ” để cung cấp vật liệu dân sinh.

Di tích sống chung với... lò gạch.

Năm ngoái, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định cấm tất cả các lò gạch trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động. Thế nhưng trước đấy, lò gạch Thọ Đức cung cấp gạch dân dụng cho toàn bộ thị xã Bắc Ninh và các vùng lân cận, nhất là khi các khu công nghiệp mọc lên nhan nhản, nhu cầu xây dựng càng lớn. Gạch Thọ Đức càng được mở rộng mức “cầu”.

Một chòm xanh xanh nổi lên lẻ loi giữa những hố đất khoét nham nhở như vũng ao. Anh Trường chỉ tay bảo, đó là Miễu Thọ Đức – điểm chặn giặc lẫy lừng của cụ Lý Thường Kiệt ngày xưa.

Lách xe vào con đường ton hỏn rải cấp phối bị các xe Kamar, xe công nông vào “ăn gạch” mấy năm trước cày nát. Chừng vài trăm mét, bắt gặp tấm biển báo: “Di tích lịch sử quốc gia Miễu Thọ Đức” đứng chơ vơ bên vệ đường, bị mưa nắng, bị những lưỡi xẻng khoét đất vào tận đến chân bê tông của tấm biển, khiến nó nghiêng hẳn sang một bên và long chong như kiểu trẻ con đang chơi trò bấp bênh.

“Đường vào di tích bãi Miễu như thế đấy. Trước, cả khu bãi bồi này xanh ngút ngàn. Tụi trẻ con chúng tôi chạy cả chiều không hết. Khi ấy, Miễu đẹp lắm!”.

Quãng thời gian mà anh Trường ước lượng bằng ngôn từ chung chung ấy, là khoảng thời gian thôn Thọ Đức chưa nghĩ ra “ý tưởng” cho các chủ lò gạch thuê đất lâu năm để khai thác sản xuất gạch nung. Từ khi thôn “nảy” ra sáng kiến này để lấy nguồn thu làm các công trình phúc lợi (đường xá, nhà văn hóa, nhà trẻ… của thôn), thì bãi Miễu tan hoang như một trận địa.

Ngoại trừ con đường vào Miễu (nếu như không phải là lối đi cho các xe vào ăn hàng tại các lò gạch), thì hẳn nó cũng được khoét nham nhở để lấy đất… làm gạch.

Xã biết chuyện thì sự đã rồi. Mà cái hợp đồng ấy, cũng từ đời các thôn trưởng, chủ tịch xã trước. Các chủ lò khai thác hết đất, tiếp tục khai thác cát. Thành thử, “mặt tiền” của Miễu Thọ Đức lổng chổng những hố nước, những vũng, vịnh… và lôm nhôm trận địa “lò gạch”.

Anh Nguyễn Văn Tú – thủ từ đền Miễu cho hay: “Từ năm ngoái về trước, khi chưa có quyết định của tỉnh Bắc Ninh cho dừng tất cả các lò gạch, có đến vài chục chủ lò gạch cùng chung sức khoét đất bãi Miễu, anh bảo làm sao mà không hết được. Cứ cường độ khai thác này, chỉ mươi năm nữa, có muốn sang Miễu, chắc phải… đi đò!”.

Một chiếc tàu hút cát ngày đêm rút ruột sông Cầu.

Sự lo lắng của anh Tú không phải không có căn cứ. Mặt trước của Miễu là sông Cầu án ngữ. Đoạn sông trước Miễu là đoạn ngắn nhất, nhưng sâu nhất của sông Cầu, và cũng là điểm trọng yếu của trận tuyến ngày xưa. Bên kia sông là xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên – Bắc Giang).

Tương truyền, đỉnh núi sừng sững trước mặt (có tên gọi núi Tiêu Lát), là nơi giặc Tống chiếm đóng. Chúng đã tìm ra được đoạn sông ngắn nhất bắc cầu phao sang hòng đánh úp trại lính của nhà Lý tại Thị Cầu và Như Nguyệt (chạy thẳng theo đường đê chừng hơn cây số). Chỗ giặc Tống chọn xây cầu phao, có một tảng đá to như cái nhà 5 gian.

Vài năm trước, một tàu cát đi qua va phải tảng đá ngầm, bị đắm. Người ta cho mìn, bộc phá xuống đánh tan hòn đá, lấy dòng thủy lưu cho tàu thuyền. “Tiếc lắm, tiếc lắm!”. Anh Tú tặc lưỡi xuýt xoa như thạch sùng. “Tảng đá ấy có tên gọi đá Can Vang”.

Theo cách suy luận “hiền lành” của anh, thì tảng đá ấy cũng là một phần của phòng tuyến sông Như Nguyệt xưa, nó cũng phải được ghi vào danh sách “di tích lịch sử” cho nó… công bằng, chứ không phải vì một chiếc tàu ăn hàng đâm phải nó, mà nó bị phá tan hoang như thế!?

  • Kiên Trung

    (còn nữa...)