-  Một thời gian dài, đồng bào Cơ Tu ở vùng Quảng Nam và phía Tây Thừa thiên Huế chuyển đối tượng săn máu, họ hạn chế chém giết những bản làng dân tộc ít người, chuyển qua đâm những thương lái người Kinh lên buôn bán. Có khi bị giặc Pháp và tay sai lợi dụng, đồng bào lại giết bộ đội. Rất nhiều vụ đâm người gây chấn động lúc bấy giờ đã diễn ra.

“Chuyển máu”

Một thời gian dài người Cơ Tu không còn săn máu trong đồng bào mình nữa, họ chuyển sang đối tượng là những thương lái, thợ dầu rái người Kinh lên vùng cao buôn bán. Họ biết người Kinh không trả nợ máu như những người vùng cao.

Già làng Phạm Văn Noọc ở huyện Nam Đông vẫn nhớ như in câu chuyện, chỉ vì bực tức cá nhân, một người dân trong làng ông đã giết chết một thương lái. Tục săn máu sơ khai của người dân dần biến đổi khi xuất hiện nhiều vụ "săn máu" mang tính chất hận thù cá nhân. Ảnh: Duy Tuấn

Sau những mùa săn máu kinh hoàng diễn ra, nhiều người dân bị thiệt mạng. Những người dân Cơ Tu ở xã A Vương ngày trước (nay thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam) nhận ra, nếu cứ đi trả thù lại thì lại gây thêm thù oán. Thế nhưng tập tục săn máu, đâm người để cúng thần linh đã ăn sâu vào cộng đồng không thể bỏ ngay được, họ bèn chuyển đối tượng lấy máu của mình sang những người đồng bằng lên buôn bán. Vừa không bị trả thù, vừa dễ thành công.

Sau đêm nằm ở nhà Gươl, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy chào bình minh, cũng là lúc đoàn người săn máu thôn A Tinh (Tây Giang, Quảng Nam) bắt đầu khởi hành làm “nhiệm vụ”. Lúc này đây, chọn hướng đi nào đều phải suy tính chu đáo, tính lợi tính hại.

Nếu xuống vùng thấp đâm người Cơ Tu ở đấy thì vừa trả được mối thù, vừa có máu để cúng Giàng. Nhưng họ biết, ở đấy người dân bố phòng chu đáo, có lực lượng chống đối mạnh. Chưa chắc đã thu được thắng lợi mà còn có thể bị tổn thương thêm. Hơn nữa, nếu gây thêm “nợ đầu” thì sang năm phải phòng bị để chống lại người vùng dưới xuất quân “trả đầu”.

Lễ đâm trâu của người Cơ Tu nay cũng bị biến đổi. Mỗi năm ở tỉnh thừa thiên Huế, người Cơ Tu ở Nam Đông (Thừa thiên Huế) được tổ chức lễ hội này một lần theo sự sắp xếp của chính quyền tỉnh này. Ảnh: CTV

Như vậy hướng này khó khăn và phức tạp. Hướng thứ hai là rình đâm người Kinh đi buôn bán, làm thợ rừng, khai thác dầu rái. Số người này thường không mang theo khí giới, không phòng bị và số lượng không đông. Hơn nữa, quan trọng nhất là người Kinh không có tục trả đầu nên sẽ không lo bị trả thù.

Vậy là đoàn người quyết tâm chọn hướng thứ hai, chọn đối tượng để lấy máu là những người Kinh lên buôn bán.

Trước hiệp định Geneve được ký kết, đã xẩy ra rất nhiều vụ đâm chém người ở ven sông Bung (chảy từ huyện Đông Giang, Tây Giang qua huyện Nam Giang rồi đổ vào sông Vu Gia). Trên đường bộ thì thường xẩy ra đâm người ở khu vực Khe Tre, vị trí là các khu rừng rậm cạnh con đường từ huyện Giằng đi An Điềm.

Theo tài liệu của nhà cách mạng Quách Xân thì, người Cơ Tu không chỉ đâm thương lái để lấy máu tế thần linh mà còn đâm chết nhiều bộ đội cách mạng.

Già làng Cơ Tu đang biểu diễn lại cảnh dùng Mác lao, một dụng cụ phổ biến của dân tộc mình khi đi săn thú và... "săn máu". Ảnh: Duy Tuấn

Vào tháng 5/1952, hai đội viên bộ đội Hạ Lào bị tấn công ở rừng núi thôn A Xò, xã An Nông, huyện Hiên (nay là Tây Giang). Một người chết và một người bị thương chạy thoát được, mất một khẩu súng trường và hai gùi vải. Một vài tháng sau, một cán bộ giao liên của ta cũng bị đâm chết ở thôn A Tin. Rồi đến 1953, kho muối ở huyện Hiên bị mất trộm nhiều lần. Sau Tết Nguyên đán 1953, “giặc mùa” (ám chỉ những người săn máu) lại tấn công vào trạm giao liên huyện Hiên giết chết 1 nhân viên.

“Hãy lấy máu tôi”

Trước tình hình xẩy ra nhiều vụ người Cơ Tu đâm chết những thương lái người Kinh, chính quyền cách mạng thời kỳ đó ở huyện Hiên đã nhìn nhận sự việc không đơn thuần là người Cơ Tu giết người do phong tục, mà rất có thể có bàn tay xúi giục của địch (Thực dân Pháp và tay sai).

Quách Xân miêu tả: “Những vụ giết thương lái và bộ đội cách mạng đã gây tâm lý hoang mang lo sợ trong những cán bộ công tác ở huyện Hiên lúc bấy giờ. Không dám đi công tác vùng cao, buôn bán đình trệ, thông tin liên lạc giữa huyện và xã có lúc bế tắc. Năm 1953, trong số 21 cán bộ tỉnh Quảng Nam mới bổ sung lên huyện Hiên thì đã có 20 lá đơn xin rút về đồng bằng với nhiều lý do không xác đáng.

Những bản làng Cơ Tu dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí về tục săn máu - nợ đầu, từng diễn ra trong quá khứ. Ảnh: Duy Tuấn

Việc tuyên truyền để chấm dứt nạn đâm chém nhau trong đồng bào Cơ Tu, không mắc mưu gây chia rẽ giữa các dân tộc rất khó bởi phong tục ăn vào máu đồng bào. Cấp ủy đảng lúc bấy giờ ở huyện Hiên và huyện Giằng đã lên kế hoạch tổ chức học tập chính sách dân tộc của Đảng, thủ đoạn của giặc Pháp và tay sai. Tiến hành cuộc kháng chiến, giành độc lập tự do, làm chủ núi rừng”.

Những cán bộ can đảm nhất, am hiểu vùng đồng bào dân tộc nhất được cử đi đến các bản làng người Cơ Tu, chỉ cho đồng bào thấy rõ đời sống của họ đang khổ cực, nếu cứ giữ mãi oán hận, “ăn đầu trả đầu” thì chỉ tiếp tục gây tang tóc đau thương cho nhau.  

Trong hồi ký của Quách Xân còn ghi lại câu chuyện cảm động về một chiến sỹ cách mạng dám xả thân, chấp nhận hy sinh để khuyên nhủ đồng bào Cơ Tu từ bỏ hủ tục man rợ này.

Cuộc sống đổi thay, sự xâm nhập của yếu nhiều yếu tố hiện đại đã dần làm biến đối bản sắc văn hoá tộc người ở Trường Sơn -  Tây Nguyên. Những ngôi nhà mồ được chế tác công phu bằng gỗ như thế này dần nhường chỗ cho những ngôi nhà mồ bằng xi măng. Ảnh: Duy Tuấn

Năm 1953, trong lúc đang học tập chính sách dân tộc ở xã A Vương, đồng chí Trịnh Trâm được tin báo người làng APờ Lố luộc chim, cắm cữ, sửa soạn xuất quân làm “giặc mùa”. Ông Trịnh Trâm cấp tốc đến thôn APờ Lố để khuyên bảo. Khi đến thì thấy dân làng cắm cữ (kiêng có khách lạ - Pv) không cho vào.

Tình thế nan giải, cũng chẳng thể liều mà xông vào làng được vì người Cơ Tu rất coi trọng luật tục cộng đồng, ông Trâm liền mắc võng nằm ngoài cổng làng rồi nhắn lời cho các vị già làng chủ chốt: Nếu làng không nghe lời kêu gọi đoàn kết chống Pháp của Đảng và Bác Hồ thì không cần phải đi xa tìm người, cứ ra đây đâm chết tôi để lấy máu mà cúng Giàng.

Toàn dân làng Apờ Lố biết tin liền bàn tán xôn xao, họ rất bất ngờ trước hành động sẵn sàng chịu chết của người chiến sỹ cộng sản. Người thì cho rằng nên nghe theo lời của cán bộ, người thì cho rằng đó là vận may đến với làng. Không cần tìm đâu xa cũng có máu để hiến tế thần linh.

Thế rồi sau khi thảo luận sôi nổi, cuối cùng các cụ trong làng quyết định, xóa “cử” mời cán bộ vào làng và từ bỏ ý định làm giặc mùa. Cùng từ đây, sau sự kiện trên, người làng ApờLố đi theo cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và từ bỏ hẳn hủ tục săn máu.

Duy Tuấn

Kỳ tới: Khi “dũng sỹ săn máu” thành chiến sỹ