- Buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đã gieo bao “cái chết trắng” ở khắp các bản làng hay trên từng quả đồi gắn liền với tụ điểm ma túy tại xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An). Câu nói của trưởng bản Lô Văn May thật buốt lòng: “Không phải là bản ta không có chồng, mà có chồng từ lâu rồi chứ, nhưng lâm vào cảnh buôn bán ma túy nên đàn ông bị bắt đi… tù hết cả rồi”.
Trong ký ức, đồng bào dân tộc thiểu số ai cũng biết đến loài hoa anh túc (cây thuốc phiện - PV) có mặt trên từng bản làng, nương rẫy của đồng bào người Thái, người Mông.
Loài cây này dễ trồng, đơm hoa kết trái trắng ngần cả cánh rừng. Nhiều là thế, nhưng bây giờ tìm một miếng nhỏ bằng hạt đậu xanh để làm thuốc cũng không còn. Nhưng hỏi mua “hàng trắng” (heroin) tại xã Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh… (huyện Tương Dương, Nghệ An) thì dễ dàng như lật lòng bàn tay.
Gieo cái cái chết trắng
Dòng sông Nậm Nơn hiền hòa, chở nặng bao phù sa nước ngọt cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sinh sống. Thì nay, chính dòng sông này đang ngày đêm chứng kiến cảnh hàng trăm con nghiện ẩn nấp, dấu mình hai bên mép sông chích ma túy, hút heroin.
Bằng mắt thường cũng có thể
thấy được, sau khi chích hút, con nghiện bỏ lại kim tiêm còn rớm rớm máu đỏ vứt
ngổn ngang cồn bãi.
Trung tuần tháng 6, đến xã Lượng Minh, trên con đường độc đạo dẫn đến bản Xốp Mạt và Minh Phương là 2 bản có gần 100% dân số buôn bán và… biết sử dụng ma túy? Hỏi ai cũng biết, đó là “bản không chồng”.
Kể rằng, ngày trước người dân trong bản chỉ quen dùng thuốc phiện được vận chuyển từ 'Tam giác vàng' đến dọc biên giới Việt – Lào, rồi đưa qua Mường Lống, Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn rồi về tập kết tại đỉnh núi Pù Lôm, Pù Canh, Pù Căm.
Vào thời điểm đó, tỷ lệ người nghiện ít hơn. Nhưng từ năm 1994 đến nay, “cơn lốc hàng trắng” heroin quét đều đến các bản làng, khiến các con nghiện ngày càng đông đúc.
Cây cầu treo độc đạo dẫn đến “bản không chồng” chỉ
thấy toàn bà già và trẻ nhỏ.
Những thập niên 90, trai làng lên nương làm rẫy được các ông “vua Mẹo” cho hít thử loại hàng trắng “ngọt lịm như mía lùi”, rồi 'lê tê phê' trên các sườn núi, bỗng dưng có thêm sức mạnh phi thường để trèo đèo, vượt suối.
Lâu thành quen, ngấm sâu vào tận máu thịt, các “ông Mẹo” không còn cho sử dụng miễn phí nữa, buộc trai làng phải phục tùng và làm theo lệnh của các vị thống lĩnh người Mẹo ở trên các quả đồi “bất khả xâm phạm”, chợ ma tuý Pù Lôm, Pù Canh.
Những con số biết nói, minh chứng cho việc “gieo cái chết trắng” từ khi heroin thấm vào máu thịt của người dân nghèo khắc khổ nơi đây.
Đến 6/2011, trên toàn xã có hàng chục người chết vì HIV/AISD và nhiều người đang nằm chờ chết trước căn bệnh thế kỷ.
Đầu tháng 9/2005, người dân tại xã Lượng Minh đều chưa thể quên tên “trùm ma túy” khét tiếng Lô Văn Tuấn có biệt danh là “sói xám”. Không ngẫu nhiên mà “sói xám” được các bậc anh chị mệnh danh cho là giang hồ ma túy miền Tây xứ Nghệ.
Tuấn “sói xám” là con của một vị lãnh đạo xã Lượng Minh, được cử đi học để về làm trưởng bản Xộp Mạt. Trong suốt thời gian 17 năm làm trưởng bản, Lô Văn Tuấn đã “thành tinh” khi được cái vỏ bọc trưởng bản che chở trong việc tiếp tay buôn bán ma túy.
Hàng loạt đối tượng có 'số má' về tội phạm ma túy đều phải qua tay trưởng bản Tuấn “sói xám” như Lệ 'mập', Hải 'luận', Hạnh Cầm, Dũng Lừng... khi giao dịch hàng đều phải cầu cạnh “sói xám” như một chìa khóa sinh tử.
Một góc bản Xộp Mạt được coi là “bản không chồng”
chơ vơ giữa rừng thiêng nước độc.
Lúc bắt giữ được Lô Văn Tuấn ngày 15/9/2005, các trinh sát đã phải sử dụng “hàng loạt vai diễn”, mật phục tiếp cận hang ổ “sói xám” bắt giữ cùng tang vật có 6 viên đạn, 1 quả lựu đạn mỏ vịt đã rút chốt nhưng rất may chưa phát nổ.
Câu chuyện “sói xám” Lô Văn Tuấn từng là trưởng bản Xộp Mạt trong suốt 17 năm là nỗi ám ảnh của những kẻ “gieo cái chết trắng”. Tại bản Xộp Mạt hay Minh Phương đang ngày đêm phải chứng kiến những “cơn lốc trắng” tràn qua “quật ngã” những đứa trẻ côi cút mồ côi cả cha và mẹ, vợ mất chồng.
Sống ở “bản không chồng”!
Cây cầu treo độc đạo dẫn chúng tôi vào bản Xộp Mạt, lung lay trên từng bước chân, lạnh lẽo đến rờn rợn, sờ sợ vì toàn bản chỉ còn lại toàn là trẻ con, phụ nữ và bà già.
Toàn bản làng chỉ còn thấy bóng dáng của bà già và
trẻ con nheo nhóc
Câu nói nửa đùa, nửa thật đến chạnh lòng của trưởng bản Xộp Mạt, anh Lô Văn May, vừa đi khe lấy từng can nước hiếm hoi: “Sống ở bản ta thì có “khát nước” là một, “khát đàn ông” là hai”. Nhưng hỏi lại thì trưởng bản tâm sự: “Bản Xộp Mạt mọi người cứ gọi là bản không chồng, không phải thế đâu. Họ có chồng cả đấy chứ, nhưng chồng con lâm vào cảnh buôn bán ma túy nên bị bắt đi tù hết cả rồi”.
Anh Lô Văn May, trưởng bản Xộp Mạt đang chắt chiu
từng can nước từ trên núi về để sinh hoạt trước mùa hè nóng hầp hập.
Toàn bản Xộp Mạt chỉ có 39 hộ dân, với hơn 180 nhân khẩu đa phần là phụ nữ “mồ côi chồng”. Hầu như bản nhà nào cũng đều dính ma túy, ở bản người ta thường ví trưởng bản Lô Văn May là “chàng trai đẹp nhất bản”.
Có thể họ nói quá, nhưng ở bản tìm ra một chàng trai xấp xỉ 30 tuổi như May mà không dính ma túy thì thật hiếm có giữa cái “rốn ma túy” đầy hiểm họa.
Tìm đến nhà bà Lô Bá Xum (76 tuổi), gia đình bà có 5 người con thì tất cả đều dính heroin và có 4 người con trai, con dâu phải ngồi tù với mức án dài hạn, để lại 2 đứa trẻ mồ côi sống chơ vơ giữa “thung lũng ma túy”.
Bên bếp, bà Xum cố gắng nhen lên ngọn lửa để đời con, đời cháu của mình không còn phải dính đến ma túy. Bà Xum kể, buổi tối ở bản ta phức tạp lắm, người nghiện, kẻ buôn ma túy như con trai ta đi qua về lại đây nhiều lắm.
Chỉ cần vượt qua một quả đồi là đến đỉnh Pù Lôm, nơi có các “ông vua Mẹo” đang chờ sẵn để các con nghiện lên trao đổi hàng và tiếp tế.
Bà Lô Bá Xum bên bếp lửa cô quạnh, gia đình có
4 người con trai, gái đều ngồi tù vì ma túy
Anh La Văn Kỷ, cán bộ đoàn xã kể rằng, mới đây thôi nhà bà Xum nuôi được một ổ gà 6 con cũng bị bọn nghiện vào bê luôn cả cái chuồng, biến mất trong đêm.
Các con nghiện ở bản cứ ngang nhiên chích hút ở ngay các khe suối, kim tiêm đỏ ngầu ném lung tung ở các bể nước. Mà con nghiện ở Xộp Mạt nói riêng và Lượng Minh nói chung thì nhiều vô kể.
“Nhiều con nghiện ở bản ta năm sau lại tăng hơn năm trước, mà tình trạng đi cai nghiện về rồi tái nghiện tinh vi hơn. Ở bản ta có trên dưới 20 con nghiện, vậy mà cấp xã lập báo cáo lên thì cứ bảo là con nghiện giảm đi chứ không tăng. Ta nói thật, thực tế các con nghiện đi cai về không được, mà còn lại chích hút hít nhiều hơn” - Trưởng bản Lô Văn May tâm sự.
Nhà ông La Văn Thông (70 tuổi) nguyên là chủ tịch xã Lượng Minh giai đoạn (1960 - 1987) cả con trai, gái đều phải ngồi tù 13 đến 14 năm. Để một mình ông nuôi 5 đứa cháu không cha, vắng mẹ, bơ vơ trên các sườn đồi.
Những lời tâm sự của ông Thông như thấu đến tận tâm can: “Không biết rồi lũ trẻ sống giữa tụ điểm ma túy hoạt động như đi chợ ở xã ta, mấy đứa cháu liệu có bước theo cha mẹ nó không? Tôi thì sợ lắm, tuổi già rồi, nuôi một đàn cháu thế này chỉ ăn khoai sắn, măng rừng qua ngày”.
Ông Lô Văn Vỹ, Trưởng Công an xã Lượng Minh, cho biết: “Công tác quản lý con nghiện trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Bản Xộp Mạt giờ chỉ còn lại hầu như là phụ nữ và trẻ em. Toàn xã có trên 50 con nghiện và 25 người chết liên quan đến ma tuý, HIV-AISD”.
- Quốc Huy