- Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế của quá trình đô thị hóa. Tuy vậy, một số khu vực ngoại thành Hà Nội thì quá trình đô thị hóa đang kéo theo không ít những vấn đề xã hội. Theo một số dân mở quán cầm đồ kiêm cho vay nặng lãi cho biết, hiện nay trong khu vực nội thành đã không còn ăn như trước, dạt về khu vực ngoại thành mới có nhiều đại gia tiêu tiền.

 

Những chiêu thức lạ

 

Chưa bao giờ chợ “tín dụng đen” lại nở rộ như thời điểm hiện nay. Một số hiệu cầm đồ sử dụng những chiêu thức hết sức mới. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là bòn rút tiền của người vay bằng mức lãi suất cắt cổ.

 

Chúng tôi được trò chuyện với anh N.V.T (La Tinh, quận Hà Đông, Hà Nội) một trong những tay được coi là hiểu thời thế trong giới cầm đồ. Vừa thu dọn vài cuốn sổ ghi nợ, T. chia sẻ: “Trước anh cũng có một hiệu cầm đồ ở trên Nhổn, nhưng nay chuyển về khu vực ngoại thành. Về ngoại thành bây giời mới kiếm được của chúng nó. Toàn thằng thanh niên nhà bán đất, được đền bù chúng nó tiêu xài ác lắm. Chứ làm cầm đồ ở nội thành thì chỉ có vài thằng sinh viên nó cắm cái xe, cái máy tính, không ăn thua”.

 

Một số hiệu cầm đồ sử dụng những chiêu thức hết sức mới. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là bòn rút tiền của người vay bằng mức lãi suất cắt cổ.
Sau cú điện thoại của T., chúng tôi lại được diện kiến vài nhân vật có tiếng trong giới vay nặng lãi. Theo dân trong giới này, mở hiệu cầm đồ có khi chỉ là cái cớ, hay cũng chỉ là biển quảng cáo cho khách vào vay tiền.

 

Ngày nay cho cầm đồ những chiếc điện thoại, hay máy tính xách tay không được chủ ưa chuộng. Những miếng mồi béo bở phải là những cậu ấm có thú vui đập phá tiền của cha mẹ. Ngồi trầm ngâm, L. cho hay: “Bọn anh cho vay ít khi cần cầm cố cái gì, chủ yếu là phải xem gia cảnh người vay thế nào. Sau đó viết giấy cho vay”.

 

Anh T. cho hay, dân cho vay nặng lãi khi viết giấy cho vay không ghi mức lãi suất là bao nhiêu. Mức lãi suất là do hai bên tự mặc cả miệng với nhau, trong giấy tờ chỉ là vay bình thường.

 

“Bọn anh chỉ viết giấy cho vay thôi, còn lãi thì giao kèo bằng miệng, khi ra pháp luật mình còn cầm đằng chuôi. Hàng tháng nếu chúng nó không trả đủ lãi thì sẽ có “luật” riêng của bọn anh” - T chia sẻ.

 

Tùy theo độ cần thiết mà những dân cho vay nặng lãi ép giá với con nợ. Có những người phải chịu mức lãi suất lên tới 8.000 đồng/1 triệu/ngày. Đa số các con nợ đều chịu mức lãi suất sàn sàn là 3.000 đồng đến 4.000 đồng/1 triệu/ngày.

 

Bên cạnh việc cho vay tiền mặt, một số dân cho vay lãi còn dùng nhiều chiêu khác nhau để bòn rút con nợ. Anh N.V.T nói: “Anh vừa mua khoảng 4 con xe hơi, loại vừa tiền. Vừa để chạy thuê, vừa để cho chúng nó thuê xe rồi lại cắm cho mình”. 

 

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, T. giải thích ngay: “Ví dụ thế này nhé, nếu anh có con xe trị giá khoảng 300 triệu đồng. Nếu có khách họ muốn thuê xe, anh sẽ cho thuê xe bình thường. Còn khách nào có nhu cầu anh sẽ cho cắm chính chiếc xe đó cho anh, anh nhận! Giá trị là 300 triệu, cứ thế tính với lãi suất là 4.000 đồng/1triệu/1ngày. Cứ như thế tính lên, hàng ngày anh đã có 1,2 triệu cộng với tiền thuê xe”.

 

Nhiều chủ nợ không có điều kiện mua xe hơi cho cắm thì có thể cho thuê xe máy. Thường những chiếc xe máy để cho thuê rồi cắm lại cho chủ là những xe có giá trị cao. Những xe xịn như SH, PS, Vespa… thường cắm lại cho chủ khoảng 40 đến 50 triệu.

 

Ẩn chứa những hậu họa khôn lường

 

Khi đã làm trong giới cầm đồ, cho vay nặng lãi đều là dân máu mặt. Họ luôn có cách riêng của mình để “thanh trừng” những kẻ cùi nhầy 'bùng' tiền gốc và lãi. Tuy vậy, khi những con nợ rơi vào cảnh đường cùng thì cũng có nhiều “anh chị” đành phải 'ngậm bồ hòn làm ngọt'.

 

Được hỏi về cách đòi nếu con nợ không chịu trả. Anh N.H ra vẻ bụi bặm, phán ngay: “Chẳng thằng nào qua mặt được bọn này cả, khi nợ ngập lên nhiều bọn này sẽ có “huyết đơn” về cho ông bà già. Không còn cách nào khác là họ phải bán đất để cứu “quý tử” về thôi”.

 

Tuy vậy, chính những chủ cho vay nặng lãi cũng cho rằng việc cho vay cũng có nhiều rủi ro. Nếu cho những người người làm ăn kinh tế vay thì có thể yên tâm hoàn lại vốn và trả lãi đều đặn. Nhiều chủ nợ đã ngậm trái đắng khi cho những dân chơi, cờ bạc vay lãi.

 

MĐ. một dân cho vay nặng lãi đã từng ngậm trái đắng chia sẻ: “Năm ngoái, có thằng bên La Cả (Hoài Đức, Hà Nội) vay của anh 400 triệu. Mấy tháng đầu nó trả lãi rất đều, sau không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con. Số nợ lên tới gần 1 tỉ. Vẫn biết gia đình nó kinh tế khá giả, nhưng ông bà già nhất quyết không cứu. Nó hoảng sợ nên trốn biền biệt, không biết đâu mà tìm. Tìm được nó cũng đến đánh cho 1 trận nhừ tử, chẳng lẽ ăn thịt nó…”.

Chính do mức lãi suất cắt cổ của dân cầm đồ kiêm cho vay nặng lại đã khiến nhiều con nợ phải rơi vào cảnh “lang bạt kỳ hồ”, nhà tan cửa nát. Do mức lãi quá cao nên các con nợ không có khả năng chi chả sau khi lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến quá tải.

Anh T.L. một trong những người thường xuyên vay lãi tại các quán cầm đồ cho hay: “Ngày trước độ bóng còn con xe khi lỡ bước chỉ cắm là được. Khi thân quen với chủ cầm đồ, họ tin tưởng là họ cho vay lãi. Chính vì biết có mối nên đã lao vào đánh to. Bây giờ phải đi thuê nhà ở, nhà cửa bán hết chả còn gì nữa”.

Không những vậy, khi cả chủ nợ và con nợ không tìm được “tiếng nói chung” rất dễ xảy ra xô xát. Những chủ nợ có cách thanh toán kiểu “luật rừng” và khi con nợ bị dồn vào thế đường cùng cũng sẽ đáp trả quyết liệt.

Anh N.V.T cho hay: “Đã làm cái nghề này thì phải có máu mặt. Đặc biệt trong nhà lúc nào cũng phải có “đồ” (dao, kiếm, bình xịt cay,…)”.

Để mái tóc khá dài, nhưng N.V.T vẫn không thể che lấp đi được vết sẹo khá dài phía sau gáy. “Đó là lần đi đòi nợ, không đề phòng chúng nó chơi lại cho nhát. Nghĩ lần đó đã đi theo ông bà ông vải rồi!” - N.V.T cho biết.

Cứ như thế, thế giới cho vay nặng lãi hàng ngày vẫn diễn ra. Có bao gia đình nhà tan cửa nát và cũng biết bao kẻ sống giàu có bằng chính những đồng lãi cắt cổ.

Kinh Anh