- Bão số 2 nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng dự báo sẽ gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to ở các tỉnh Bắc Bộ.

Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang cần kêu gọi, đưa tàu thuyền vào bờ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống lũ.

Hồi 4h sáng nay (22/6), vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 340 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.

Đến 04 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông.

Bão số 2 sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) nhưng sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ. Mưa lớn sẽ bắt đầu từ chiều mai (23/6). Ảnh: NCHMF

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn không giảm, mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.

Đến 04 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

Bão số 2 sau đó sẽ tiếp tục di chuyển sâu vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Khu vực quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Từ trưa mai (23/6), vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, biển động.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều mai (23/6), các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Theo trang dự báo thời tiết vnbaolut.com, dự báo mưa sẽ kéo dài ít nhất trong 3 ngày, lượng mưa sẽ rất lớn, chủ yếu tập trung ở các địa điểm như Lạng Sơn (dự báo lượng mưa từ 37-117mm); Móng Cái, Cẩm Phả (Quảng Ninh) với lượng mưa cao nhất có thể lên đến hơn 200mm; Hà Nội lượng mưa dự báo từ 28mm đến 92mm. Hải Phòng cũng có mưa rất lớn (ngày 24, 25/6 lượng mưa có thể lên trên 200mm).

Để chủ động đối phó với mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công điện yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang cần theo dõi chặt diễn biến bão, mưa lớn, tiếp tục kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản, tàu du lịch vào nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. và phải đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h tối ngày 21/6, trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã thông báo tình hình bão cho 34.161 tàu, thuyền với 155.277 người, trong đó có 415 tàu/6.756 người đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, số còn lại hoạt động ven bờ, các khu vực khác và neo đậu an toàn tại bến.

Các địa phương thuộc khu vực được nêu cần rà soát, kiểm tra các công trình đê, kè, hồ, đập, công trình đang thi công để có giải pháp ứng phó kịp thời; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương đối với các hồ chứa nhỏ; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ đang vào mùa thu hoạch lúa nên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW đề nghị các địa phương khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Các tỉnh phải chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, giống, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Toàn bộ các điểm tập kết vật liệu, phế liệu cần được giải tỏa để không cản trở việc thoát lũ.

C.Quyên