- 'Kỳ án' cô công nhân nhà máy gạch của huyện ngoại thành Hà Nội dường như sắp đi đến hồi kết khi CQĐT đã tìm thấy đứa bé đẻ rơi bị mất tích đầy ẩn số…
 
Đã tìm thấy cháu bé đẻ rơi
 
Câu chuyện đau lòng đầy oái oăm và bi hài của cô công nhân nhà máy gạch Lê Thị Lâm dường như có vẻ “sáng” hơn khi cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh (Hà Nội) thông tin: đã tìm thấy đứa bé do Lâm đẻ rơi tại nhà tạm giữ và bị mất tích theo lá đơn phản ánh của ông Lê Văn Lượng - bố của Lâm.
 
Trung tá Trần Hải Quân, Phó thủ trưởng CQĐT, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh thông tin: công an huyện Đông Anh đã xác định được cháu bé được cho là mất tích của Lâm.
 
Theo diễn tiến của vụ việc được ghi tại hồ sơ điều tra: ngày 14/2/2011, Lê Thị Lâm đến CQĐT đầu thú và bị tạm giữ tại nhà tạm giam Công an huyện Đông Anh 3 ngày để phục vụ công tác điều tra.

HTML clipboard Kết quả siêu âm ngày 14/2/2011 của Lê Thị Lâm (cùng ngày Lâm ra đầu thú)
 

Chiều ngày 15/2/2011, Lâm trở dạ và sinh con trong nhà tạm giam, sau đó mẹ con sản phụ Lê Thị Lâm được đưa tới chăm sóc, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.
 
Chiều ngày 17/2/2011, Lê Thị Lâm trốn khỏi bệnh viện và chưa thanh toán bất cứ khoản viện phí nào cho bệnh viện Đông Anh.
 
Ngày 23/6/2011, ông Lê Văn Lượng - bố của Lê Thị Lâm, viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí và đơn phản ánh lên Công an huyện Đông Anh khai báo sự việc: Lê Thị Lâm bị mất cháu bé đẻ rơi trong trại giam. Lúc này, vụ án “cướp tài sản công dân có tổ chức” của các đối tượng tham gia vụ án đã được CQĐT xác định gồm 9 đối tượng: 5 đối tượng đang được giam giữ; 2 đối tượng bị truy nã, 2 đối tượng bị quản thúc tại địa phương vì là hai sản phụ.
 
Trước thông tin tố cáo của gia đình Lâm về việc đứa con của Lâm bị mất tích, CQĐT đã vào cuộc để xác định thông tin này. Ngày 2/7, công an huyện Đông Anh đã tìm được cháu bé.
 
Theo đó, cháu bé đẻ rơi tại nhà tạm giữ đang được chăm sóc, nuôi nấng bởi hai vợ chồng cán bộ quân nhân đã nghỉ hưu, không có con. Cháu bé đã được tiến hành các thủ tục để được nhận là con nuôi, được chăm sóc trong môi trường tốt và hoàn toàn khoẻ mạnh. Cháu đã được bố mẹ nuôi làm giấy khai sinh.
 
Công an huyện Đông Anh bác bỏ nội dung cháu bé được tố cáo là bị mất tích. Trung tá Quân thông tin: qua việc xác minh, điều tra, CQĐT công an huyện Đông Anh khẳng định cháu bé đã được sản phụ Lâm tự nguyện cho làm con nuôi vào ngày 17/2/2011 chứ không phải bị mất tích. Việc cho cháu bé làm con nuôi đã được Lâm và bố mẹ nuôi của cháu có trao đổi, bàn bạc từ trước đó.
 
Điều may mắn nhất, đấy là cháu bé khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và rất xinh xắn. Khi sinh, cháu bé cân nặng 3,2kg. Trong một môi trường không ai mong muốn, đây là “sự cố” hy hữu đầu tiên tại nhà tạm giữ của CQĐT Công an huyện Đông Anh. Cháu được ví von giống như “mầm cây sinh ra trong môi trường bóng tối”.
 
Trung tá Quân cũng trao đổi chân thành: điều quan trọng nhất, đó là tương lai của cháu bé, do đó tất cả các thông tin về nhân thân của cháu sẽ được CQĐT giữ kín (như địa chỉ, tên tuổi bố mẹ nuôi của cháu…).
 
Như thế, theo CQĐT, nội dung phản ánh cháu bé bị mất tích của gia đình Lê Thị Lâm là không có cơ sở!
 
Nhiều thông tin mới
 
Sáng ngày 07/7/2011, CQĐT Công an huyện Đông Anh đã cung cấp, trao đổi nhiều thông tin với các cơ quan báo chí.  

CQĐT một lần nữa khẳng định tính chính xác, khách quan, đúng trình tự pháp luật khi ra các QĐ khởi tố vụ án, QĐ bắt giữ các đối tượng liên quan đến vụ việc “cướp tài sản có tổ chức” của 9 đối tượng trong vụ án nói trên.
 
Ngay sau khi vụ việc được báo chí phản ánh và dư luận quan tâm, trong đó có những câu hỏi liên quan đến việc: CQĐT công an huyện Đông Anh có làm đúng trình tự, thủ tục khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can? Việc bắt giữ dẫn đến sản phụ đẻ rơi trong phòng tạm giam có vi phạm luật (dù đối tượng Lâm được ra QĐ tạm giữ 3 ngày)? Thực hư sự việc cháu bé đẻ rơi bị mất tích? Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về TTXH (PC45) - Công an TP Hà Nội đã cử Đội Thanh tra Pháp luật xuống làm việc với Công an huyện Đông Anh để giải đáp những câu hỏi này.
 

HTML clipboard Trung tá Trần Hải Quân – Phó thủ trưởng CQĐT công an huyện Đông Anh cung cấp thông tin đã tìm thấy cháu bé bị mất tích.
Ngày 05/7/2011, tại văn bản số 673, PC45 (Công an TP Hà Nội) kết luận: CQĐT Công an huyện Đông Anh đã tiến hành điều tra vụ việc đúng trình tự, thủ tục và đúng pháp luật. Việc tạm giữ sản phụ Lê Thị Lâm là có cơ sở pháp lý theo khoản 1 điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Tóm tắt lại vụ việc được CQĐT Công an huyện Đông Anh gửi tới các phóng viên tại buổi làm việc sáng ngày 07/7 cũng cung cấp thêm nhiều tình tiết mới: các đối tượng đến gặp gia đình Trần Văn Quang tại khu tập thể nhà máy gạch 382; đối tượng Lê Văn Sơn (anh trai của Lê Thị Lâm) có đưa cho đối tượng Thi 1 triệu đồng “cảm ơn” sau khi xong việc (chi tiết này trước đó, ngày 29/6/2011 khi chúng tôi làm việc với CQĐT, điều tra viên Ngô Việt Tú - người trực tiếp điều tra vụ án không cung cấp)…
 
CQĐT Công an huyện Đông Anh cũng cung cấp Kết quả siêu âm đối với thai của Lê Thị Lâm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Theo kết quả siêu âm này, sản phụ Lê Thị Lâm được dự đoán: ngày 03/3/2011 mới “lâm bồn”. Kết quả siêu âm này được chụp vào ngày 14/2/2011.
 
Hiện, Công an huyện Đông Anh đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ để khẩn trương kết thúc điều tra, sớm truy tố, xét xử bị can Lê Thị Lâm và đồng bọn.
  
Kiên Trung

'Kỳ án' cô công nhân: Trẻ mất tích bí hiểm
Bị lừa tình, rơi vào vòng lao lý, cô công nhân nhà máy gạch còn có lá đơn tố cáo về việc đứa con đẻ rơi bị… mất tích đầy bí ẩn!
 
“Kỳ án” cô công nhân nhà máy gạch
Câu chuyện bi đát của “cô công nhân lò gạch” vừa bị lừa tình còn khiến cả gia đình, người thân gần chục con người có nguy cơ… ngồi tù với tội danh “cướp đoạt tài sản người khác có tổ chức trong vụ án “đặc biệt nghiêm trọng”?!