- Mấy ai hiểu được, nơi ấy vẫn còn rất nhiều giấc mơ mà các phu vàng vĩnh viễn bỏ lại khắp núi rừng cùng với những nấm mộ vô danh không người hương khói...

Cơn sốt vàng trở nên nóng bỏng

Khi vàng bắt đầu có giá, người dân khắp nơi đổ xô về các huyện miền núi của Quảng Nam khai thác vàng trái phép. Dù rằng, cơ quan chức năng đã liên tục truy quét, nhưng “vàng tặc” ở núi vàng vẫn lén hoạt động về đêm hoặc im hơi lặng tiếng chỉ được vài ngày.

Huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam được xem là nơi có trữ lượng vàng lớn nhất Việt Nam. Nơi đây, có hàng trăm bãi vàng lớn nhỏ đã từng làm hoa mắt mọi người với những tin tức về trúng vàng hàng ngàn cây.

Khi vàng có giá, những chuyến xe lên Phước Sơn dường như đông đúc nhộn nhịp hẳn. Người trên xe đủ mọi thành phần trong đó dường như dân làm vàng chiếm đa số, xen lẫn dưới ghế ngồi là hành lý của họ mang theo như lương thực dự trữ hay dây điện, thuốc nổ…phục vụ cho việc khai thác vàng.

Nơi đây, có hàng trăm bãi vàng lớn nhỏ đã từng làm hoa mắt mọi người với những tin tức về trúng vàng hàng ngàn cây.

Một chủ xe cho biết: Lúc trước, xe chị chỉ chạy một chuyến lên Phước Sơn sáng đi chiều về, nhưng dạo này nhiều người đi lại nên chị phải tăng cường thêm một chiếc nữa, chưa kể các nhà xe khác. Ấy thế mà, xe vẫn chật cứng, hàng chục người vẫn chấp nhận giá vé “đứng” ngang giá vé “ngồi” chỉ để được đi đến bãi vàng.

Thậm chí, khi xe không còn đón khách nữa, dân phu vàng liều lĩnh ngồi tạm lên những chiếc thùng đựng vật dụng của mình.

Tôi như nửa thật nửa đùa: “Mấy anh đi làm vàng hết, bỏ vợ ở nhà ai trông?”. Một phu vàng vui vẻ trả lời: “Có vàng là có tất cả, lo gì vợ con”.

Nhưng bên cạnh nụ cười của người thanh niên trẻ vẫn còn dang dở trên môi, một người đàn ông đứng tuổi nét mặt trầm ngâm, chua chát cất giọng: “Hên, xui thôi!”.

Nói về những người làm vàng trái phép ở Phước Sơn, ông Đỗ Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức cho biết: “Dân Phước Sơn mang tiếng là sống trên đất vàng nhưng hầu như các hộ dân làm vàng không còn nhiều nữa. Bởi, họ ý thức được mức độ nguy hiểm của việc làm vàng cũng như ảnh hưởng của nó đối với môi trường sống hiện nay đang ở mức báo động.

Đa số “vàng tặc” đổ về từ các vùng lân cận hay các tỉnh phía bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Nguyên...”.

Núi rừng “gồng mình” chịu đựng

Nhìn cánh rừng hoang vu, trùng điệp, chúng tôi tưởng chừng như không gì có thể quật ngã nổi. Thế nhưng, nó trở nên nhỏ bé, cọc còi dưới sự giày xé hàng ngày của hàng chục ngàn phu vàng trên hàng trăm bãi vàng lớn nhỏ ở huyện Phước Sơn trước đây và bây giờ.

Sau lệnh cấm khai thác vàng trái phép và thực hiện truy quét của các cấp chính quyền, các bãi vàng thưa bóng người một thời gian ngắn cho đến khi giá vàng tăng cao, dòng người lại ồ ạt tiến vào.

Dọc theo con đường vào xã để đến các bãi vàng, càng vào sâu, chúng tôi chứng kiến những quả đồi bị san phẳng, những hầm hố sâu vài chục mét khập khiễng nối tiếp nhau. Dòng suối đục ngầu với dòng chảy yếu ớt đôi đoạn bị tắc nghẽn do bùn đất lắng đọng lại, hay bị san lấp bởi những công trình xây dựng.

 
Nấm mộ hoang lạnh của một phu vàng.


Bác xe ôm một thời làm vàng đã “gác nghề” với lý do hết vàng, rút về chuyên chở những người ra vào bãi vàng, say sưa hướng dẫn cho chúng tôi khi đi qua mỗi đoạn đường. Con đường dẫn vào bãi vàng Phước Thành không còn hoang sơ, đáng sợ như tôi nghĩ cũng như một số người đi trước đây đã ngăn can.

Ngay cả, bác xe ôm chở thuê để lấy tiền mà vẫn ngần ngại lo lắng khi một đứa con gái như tôi nhờ chở vào sâu trong các xã để chứng kiến cảnh khai thác vàng trái phép.

Phút chốc trên đường, những chiếc xe chở hàng, xe của những người làm vàng liên tục chạy ra vào. Thỉnh thoảng, một số người làm vàng “chui” ra gần đường ngẩng đầu lên ngó trước xem phòng công an truy quét.

Những chiếc máy hút đất, máy xay đá bì bạch nổ khắp các núi rừng. Bác xe ôm bảo: Con đường này trước đây đâu dễ dàng ra vào, đặc biệt là mùa mưa lại càng rất khó đi. Nên chiều lại, người dân bản địa cả con nít lẫn người lớn đi làm rừng, làm rẫy về là đứng dọc đường nhận cõng hàng thuê ra ngoài thị xã cho các chủ bãi vàng để kiếm thêm thu nhập.

Sau đó, bác xe ôm chở tôi ghé vào thăm một chủ vàng mà trước đây là bạn của bác để xem họ làm ăn có khấm khá không.
Chủ vàng cho biết: "Vàng giờ đây không còn nhiều nữa, tuy nhiên nhờ giá cao, chúng tôi ngày đêm đào bớt mong sẽ trúng được vỉa lớn để đổi đời, nhưng không biết bao giờ mới được".


Những nấm mộ hoang lạnh

Khi chúng tôi lên Phước Đức, cách bãi Gõ không xa là quán tạp hóa của ông Tiên (biệt danh Tiên 'râu') một thời làm phu sống sót trở về. Ông trò chuyện trên bãi Gõ có ba vài nấm mộ của những người làm vàng được chôn lại trên đồi núi cao.

Một thời gian sau, những người làm vàng trên núi thấy lạnh lẽo, tội nghiệp quá nên “bốc” xuống gần đường mong rằng người thân của họ sẽ sớm phát hiện và đưa về với quê hương. Ông cho biết, mộ của phu vàng vẫn còn nhiều lắm, khắp bạt ngàn núi rừng, nhiều nhất là dọc đường từ ngầm Nước Chè vào bãi Phước Thành, bãi Đồi Chim hay bãi Ma. Không tài nào kể hết...

Ngày nay, một số mộ may mắn đã được người thân coi thầy và âm thầm bốc về quê, số còn lại vẫn nằm tại núi rừng này. Ngoài ra, nghĩa địa thị trấn Khâm Đức nằm ở cuối đường sân bay dã chiến cũ cách thị trấn huyện Phước Sơn khoảng 3 km cũng là nơi gửi gắm thân phận hẩm hiu của một số phu vàng vô gia cư.

Nơi đây, theo như ông Lý Văn An người trông coi lâu năm ở nghĩa địa cho hay: “Những nấm mộ này chết do nhiều nguyên nhân như sập hầm, nghiện ngập, bệnh tật…không có người thân thích. Họ được chủ bãi các vàng hay chính quyền địa phương phát hiện và thương tình gửi lại nghĩa trang để đỡ hiu quạnh”.

Theo chân ông An, tôi cuốc bộ băng qua những đám cỏ xanh mọc um tùm quá gối, bác xe ôm không quên nhắc nhở tôi: “Coi chừng giẫm phải kim tiêm đó con”. Càng vào sâu, không khí càng trở nên nặng nề. Khi tôi đang đi, bỗng ông An dừng lại chỉ ngay phía trước mặt, dưới chân là nấm mộ của một người làm vàng bị nghiện nặng.

Bạn bè, người thân đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng khi biết không chữa được, họ bỏ chạy vì không có tiền chôn cất. Không biết nấm mộ ở đâu, chỉ thấy toàn là cỏ. Ông An nói thêm, lâu ngày mộ không còn nấm nữa mà chỉ là bãi cỏ phẳng lỳ không rõ hài cốt nằm đâu.

Lần lượt thắp hương cho từng nấm mộ, tôi chạnh lòng nghĩ đây chỉ là số ít nấm mộ may mắn được dời ra nằm ở nghĩa trang, vẫn còn rất nhiều nấm mộ phu vàng chôn tạm bợ nằm lại khắp núi rừng kia.

Rồi, nó sẽ thất lạc về đâu khi ngày ngày hàng ngàn người vẫn tiếp tục đào xới để tìm giấc mơ triệu phú của mình. Giấc mơ đó không chỉ của riêng ai, nhưng dường như điều may mắn ấy quá mỏng manh giữa ranh giới sống, chết, nghiện ngập, bệnh tật.

Người tìm được vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi rất nhiều người đã phải “chôn vùi” giấc mơ của mình cùng với mạng sống ở nơi núi rừng hoang lạnh.

Tuyết Phan (còn nữa)