- Bà chủ cho biết, có một người đàn ông làm công nhân ở khu chế xuất, quê Long An, 28 tuổi đang tìm người ở ghép. Nếu chị bằng lòng ở chung với cậu thanh niên kia, cậu ta sẽ ngủ trên gác xép còn chị ngủ dưới nhà.

Với nhiều người phụ nữ thôn quê, thành phố là một chân trời mới chứa đựng biết bao hy vọng cho tương lai của bản thân và gia đình. Nơi đó sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, đồng tiền kiếm được cũng sẽ nhiều hơn.

Vì không có vốn và học vấn nên họ làm nghề giúp việc nhà (ôsin). Kiếm được chỗ ở trọ rẻ, gần nơi làm việc và có người ở ghép không phải chuyện đơn giản. Do đó nhiều chị em đã chấp nhận ăn ở trong những điều kiện tưởng chừng như không thể.

Nhắm mắt ở ghép cùng trai trẻ

Khi tôi nghe chị Trinh, quê Trà Vinh, 37 tuổi, hiện đang làm ôsin cho một số gia đình trong khu đô thị cao cấp ở quận 7 (TP.HCM) kể chuyện thì không khỏi…ái ngại.

Chuyện là, cô bạn ở chung phòng trọ với chị bỏ về quê chưa biết bao giờ mới lên. Tiền phòng tới hơn 1 triệu đồng/tháng, một mình chị e không kham nổi.

Vì bươn trải kiếm tiền mà nhiều nữ giúp việc chịu không ít vất vả - Ảnh: Thanh Huyền

 

Cả tuần nay, cứ ban ngày đi dọn dẹp theo giờ cho nhà chủ, tối về chị Trinh lại đạp xe đi hết khu nhà trọ này đến khu nhà trọ khác để…tìm người ở ghép. Tìm mãi, chẳng có ai, đang quá chán nản, nghĩ đến chuyện phải trả phòng trọ về quê lòng chị Trinh buồn rười rượi.

Lúc trình bày với chủ nhà trọ về hoàn cảnh của mình, mới đi làm ôsin nên chưa được nhiều người thuê nên phải trả phòng thì lời gợi ý của bà chủ làm chị mừng nhưng cũng không khỏi đắn đo.

Bà chủ cho biết, có một người đàn ông làm công nhân ở khu chế xuất, quê Long An, 28 tuổi đang tìm người ở ghép. Nếu chị bằng lòng ở chung với cậu thanh niên kia, cậu ta sẽ ngủ trên gác xép còn chị ngủ dưới nhà.

Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, chị Trinh đã nhận lời ở ghép với một người con trai xa lạ. Chị tự an ủi để lòng bớt mặc cảm tội lỗi với chồng con nơi quê nhà: “Thôi khi nào có người ở ghép là nữ thì đổi lại sau. Bây giờ bỏ về quê thì tiền đâu ra mà lo cho 2 đứa con ăn học”.

Vất vả cả trong giấc ngủ

Tôi được chị Trinh mời về chỗ ở trọ chơi cho biết.

Dãy phòng trọ nơi chị Trinh ở nằm trong một con hẻm lòng vòng, sâu hút trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7.

Chị Trinh dẫn tôi sang phòng bên cạnh. Đó là một căn phòng vỏn vẹn chưa được 15 mét vuông, bao gồm cả nhà vệ sinh, bếp, có một cái gác xép mà tới…5 người phụ nữ chen chúc.

Chị Quế, một thành viên trong phòng cười, lên tiếng mời khách vào chơi mà chẳng có chỗ để ngồi.

Chị Quế phân trần: “Thông cảm nhé em, phòng chật quá!”. Nói đoạn, chị và một chị nữ leo lên hai chiếc xe máy dựng trong phòng ngồi vắt vẻo, nhường chỗ ngồi trên chiếc nệm rộng chừng 90 cm cho tôi và chị Trinh.

Các chị cho biết, mình thuê phòng này hết 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước. Ban ngày cả nhóm đi làm ôsin hết, tối mới về kiếm chỗ đặt tấm lưng nên đâu cần gì nhiều. Ở khổ một chút nhưng số tiền gửi về cho chồng con được nhiều hơn là mãn nguyện rồi.

Chưa kể ở ghép chị em sẽ bảo bọc lẫn nhau, nhỡ ai chẳng may thất nghiệp thì không phải quá lo lắng về chuyện tiền phòng trong thời gian kiếm việc làm mới.

Chị Huệ, chị Hương, chị Hà tối ngủ trên gác xép. Ở dưới chật chội bởi còn phải để 2 chiếc xe máy, 2 chiếc xe đạp nên chỉ có 2 người là chị Quế và chị Dung ngủ.

Sau tiếng cười giòn tan, vô tư bỗng dưng căn phòng nhỏ im lặng, trầm lắng. Mãi không sao, nay có người hỏi đến làm chị Quế chạnh lòng, rơm rớm nước mắt: “Khổ lắm em ạ, cười cho nó quên đi nỗi cơ cực. Tối Sài Gòn oi nồng, mà tụi chị chỉ dám bật một cái quạt máy trên gác xép (sợ tốn điện). Chị với con Dung nằm dưới sàn thì quạt tay. Quay bên này đụng trúng người, quay bên kia cũng đụng trúng người. Đi hầu hạ người ta cả ngày mà đến đêm về giấc ngủ cũng không lành!”.

Nhưng ở thành phố này, còn rất nhiều những người vợ, người mẹ như các chị, đang bươn chải nơi xứ người, nhận hết về mình sự thiệt thòi, đắng cay...

Thanh Huyền