-  Tại các mảnh đất “treo” đang đợi quy hoạch, các tuyến đường giao thông… thỉnh thoảng người dân Thủ đô vẫn bắt gặp các đàn trâu, bò đang nhởn nhơ gặm cỏ hoặc dàn hàng trên đường chắn lối xe cộ. Người đi đường thì bực mình quát tháo khi bị cản lối đi, còn chủ nhân của những đàn trâu, bò ấy thì ngán ngẩm thở dài, thấm thía nỗi khổ làng lên phố.

Cả làng còn một đàn trâu

Ven đường đi qua xã Miêu Nha, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội là một khoảng đất trống chạy dọc dài. Nơi ấy có đàn trâu nhà chị Trần Thị My (46 tuổi, xóm 1, Miêu Nha, Từ Liêm). Đây cũng là đàn trâu còn sót lại duy nhất của làng Miêu Nha sau khi lên… phố.

Chị My cho biết, trước kia làng chị vốn là làng nông nghiệp nên gia đình nào cũng có vài sào ruộng, mấy con lợn hoặc vài con trâu, con bò. Nhưng từ ngày đất nông nghiệp được quy hoạch để chuẩn bị thi công các dự án, những đàn trâu, đàn bò ấy cũng “tuyệt chủng” dần.

Thành ra, cả làng giờ còn mỗi nhà chị duy trì được đàn trâu khoảng 40 con.

Đàn trâu, bò đang nhởn nhơ gặm cỏ hoặc dàn hàng trên đường chắn lối xe cộ - (Ảnh: Thu Thu)

Chị My tâm sự: “Giờ mua trâu non giá cũng khá “nặng”, khoảng 12 – 15 triệu/con. Song khi nuôi mà chúng khỏe mạnh, không bệnh tật gì là cũng phổng phao, nhanh lớn và chóng được bán lắm. Giá cả thực phẩm đắt đỏ, giá trâu thịt cũng tăng cao và đặc biệt là dễ bán.

Giá bán trâu thịt hiện nay khoảng 110.000 đồng/kg, bán con nào là có người đua nhau mua nên cũng thu được chút ít lãi lời. Nhưng bây giờ dân làng tôi có tiền bán đất nên có ai chăn nuôi gì nữa đâu. Trước nhà nào cũng có con lợn, con gà rồi trâu bò, giờ bán đất nên cũng bán hết. Có tiền rồi nên ai cũng sợ vất vả...”.

Kể về câu chuyện trong chính gia đình mình, mắt chị My rơm rớm khi nghĩ đến những lá đơn ly dị mỗi lần chồng chị đưa cho: “Giờ đàn trâu này là cơ nghiệp của cả gia đình tôi. Hiện nay, đất chăn thả cũng làm gì có đâu. Miếng đất tôi tận dụng để thả trâu là “nhờ” cái dự án người ta chưa tiến hành thi công. Thế nhưng cứ với đà nợ nần cờ bạc, cá độ của chồng tôi thì cũng chẳng biết khi nào đàn trâu ấy hết. Không muốn ly hôn thì cứ phải bán trâu mà trả nợ cho chồng mà”.

Cũng theo chị My, thì việc chăn thả chẳng dễ dàng gì. Vì “hiếm” quỹ đất nông nghiệp nên có nhiều lần hàng xóm láng giềng cãi vã lẫn nhau cũng chỉ vì… đàn trâu.

Nguyên do là mảnh đất chưa được xây dựng nên mỗi gia đình trong làng lại tranh thủ trồng ít rau, khi bị đàn trâu nhà chị My gặm, phá là y rằng lại xảy ra to tiếng.

“Nhưng tôi thấy như thế là còn may đấy, mảnh đất trong diện quy hoạch ấy để trống được 2 năm nên tôi mới có chỗ chăn thả, không phải xua trâu ra đường gây cản trở giao thông. Giờ giá đất là 400 triệu/sào, ai có đất dư dả đâu mà xây chuồng trại nữa nên cứ có chỗ để chăn trâu duy trì cuộc sống, tận dụng được nguồn thu này là cũng tốt rồi” – chị My chia sẻ thêm.

Cố giữ “cần câu cơm”

Khốn khổ hơn trường hợp của chị My là anh Tuyên (Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Vì không có đất đai để chăn thả nên đàn bò khoảng hai chục con của anh thỉnh thoảng lại nhởn nhơ tại công viên Gia Lâm khiến nhiều người “tức mắt”.

Lý do chính cũng vì khi nhà anh chăn thả bò tại gia thì bị hàng xóm phàn nàn rằng việc chăn nuôi này gây bốc mùi, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống các gia đình bên cạnh. Bần cùng, bất đắt dĩ anh mới để đàn bò của mình chạy rông như thế.

Biện pháp hiện nay anh áp dụng để đối phó với tình hình là chủ yếu nuôi bò cái để đẻ rồi sau đó đợi bò non cứng cáp hơn một chút là đưa đi bán ngay nhằm thu hồi vốn, có thêm chút lãi lời chứ không nuôi đông như trước kia được.

Tại một vài con đường lớn như Phạm Văn Đồng, Láng – Hòa Lạc…, việc những đàn bò nhởn nhơ “cuốc bộ” trên đường gây cản trở giao thông cũng chẳng hề hiếm gặp.

Người tham gia giao thông thấy “chướng tai gai mắt” cũng là điều dễ hiểu, chỉ không ai có đủ thời gian để suy xét cho kỹ về nỗi khổ tâm của chủ nhân những đàn trâu, đàn bò này.

Đàn trâu, đàn bò của họ là số hiếm còn sót lại sau mỗi lần làng lên phố. Biết rằng trong xu thế hiện nay, việc chăn thả trâu bò gây cản trở giao thông là phạm luật, chuyện chăn thả gây chia rẽ tình đoàn kết hàng xóm láng giềng là không nên, song vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải tiếp tục bấu víu vào nguồn thu nhập sống còn đó.

Họ cũng từng mong có người hướng nghiệp, có người chỉ đường để chuyển sang nghề khác cho phù hợp với những dự án, quy hoạch. Nhưng xem ra nỗi mong mỏi ấy vẫn còn xa lắm. Lẽ dĩ nhiên, để duy trì cuộc sống, đàn trâu, đàn bò vẫn sẽ là “cần câu cơm” mà họ phải quý như chính mạng sống của mình.

  • Thu Thu