- Trường tiểu học Mân Quang bây giờ không còn hình ảnh của những em học sinh tung tăng nô đùa trong nắng, lan tỏa đâu đó mùi khói nhang bay phảng phất, làm người viếng thăm tê tái đến não lòng…

Những nấm mộ trẻ thơ

Đến Thôn Mân Quang vào một buổi chiều, bầu trời như muốn đổ mưa bởi những đám mây đen bao phủ, chúng tôi dừng chân trước di tích khu mộ 45 em học sinh mà nghe lòng nặng trĩu. Hàng loạt những nấm mộ nằm liền kề nhau và bia tưởng niệm đề dòng chữ “Bia tưởng niệm 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang ngày 16/3/1965”.

Phía bên trái tấm bia là mô hình một quả bom được đúc bằng xi-măng, sơn màu trắng. Bà Nguyễn Thị Bông cho biết: Trước đây, cổng khu mộ còn có một hố bom nhưng qua thời gian đã bị lấp dần đến nay không còn nữa. Thời đó, các em nhỏ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn không có cơm để ăn, không có quần áo đủ ấm để mặc nhưng vẫn mong muốn được học hành, biết đọc, biết viết không bị mù chữ.
 
Nỗi nhớ con của bà Bông

Chồng mất sớm, bà Bông một mình lặn lội nuôi 3 con nhỏ thơ dại, cái cơ cực của người mẹ côi cút nuôi con trong chiến tranh không thể nào nói hết nhưng mỗi lần đi ngang qua lớp, bà cảm thấy vui vui khi biết con mình được ngồi học trong đó. Nhưng ai biết trước được, buổi sáng định mệnh đó, bà và nhiều người ở thôn Mân Quang phải vĩnh viễn lìa xa con mình.

Một cảnh tượng kinh hồn khi nhà cửa, con cái (nhà 2-3 đứa) bị bom đạn tàn phá nằm ngổn ngang, tiêu điều, xơ xác. Lớp học giờ đây không còn vang vọng giọng nói cười của trẻ thơ, xen vào đó tiếng khóc nức nở của những bậc sinh thành. Lần lượt thắp nén nhang cho từng nấm mộ, khi đến mộ của 2 đứa con mình, khuôn mặt bà Bông bỗng dưng đổi sắc, nỗi nhớ con lại trỗi dậy trong lòng người mẹ già nua khắc khổ ấy.

Vết thương không lành


Thôn Mân Quang sau giải phóng đa số quay trở về làng- nơi mà họ đã từng gắng bó với biết bao kỷ niệm vui buồn. Người làm cha, làm mẹ nào tránh khỏi đau lòng khi lớp học ngày xưa, nơi con mình cắp sách đến trường bây giờ đã phải mãi nằm lại. Người đi đã vĩnh viễn không về, người ở lại thầm lặng với nỗi đau trong quá khứ.

Ba người may mắn thoát chết, không một vết thương về thể xác nhưng nỗi ám ảnh của sự chết chóc thời thơ dại luôn hiện về dày xé tâm can họ. Ngày đó, các em còn quá nhỏ (em lớn nhất mới 11 tuổi) một giọng nói lớn cũng đủ làm các em tổn thương, hoảng sợ đừng nói là hàng chục quả bom và hàng tấn đạn rải xuống hàng ngày.
 

Những nấm mộ nằm lại trên lớp học.

Trong số 3 người may mắn thoát chết, anh Thông và những người bạn của mình cứ ngỡ rằng “sống được là may lắm rồi”. Nhưng dường như ẩn sâu trong tiềm thức, ngày định mệnh ấy, làm anh nhiều đêm mất ngủ vì mỗi khi nhắm mắt lại quá khứ lại ào ạt trở về.

Bao năm nay, dù anh đã cưới vợ sinh con, anh có một gia đình hạnh phúc nhưng anh mãi không quên những người bạn thời cắp sách đến trường. Khi càng lớn tuổi, những biểu hiện về sức khỏe cũng như tính khí thất thường của mình, gia đình anh phần nào thông cảm với tâm lý bị ảnh hưởng lúc nhỏ của anh và anh không dễ dàng quên đi quá khứ.

Lúc rảnh rỗi, anh ghé lại trường học quét dọn, thắp cho những người bạn nén nhang vừa ôn lại kỷ niệm cũ, vừa an ủi vong linh người đã mất.

Khu mộ 45 học sinh Mân Quang đã được UBND thành phố xếp hạng di tích cấp thành phố nhưng đến nay rất ít người biết đến, thậm chí cả những em học sinh trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Thêm vào đó, hiện khu mộ vẫn chưa có người trông coi, lá cây rụng đầy, bụi bặm và có nguy cơ xuống cấp.

Bà Thái Thị Chữ (70 tuổi), nhà sát bên ngôi mộ cho biết: Hằng năm vào các ngày lễ, tết thì mới có các đoàn khách đến thăm hay đoàn viên thanh niên của phường đến tham gia dọn dẹp làm sệ sinh. Còn ngày bình thường, nhà ai có phần mộ của con mình ở đây thì tự hương khói, quét dọn hay bà con gần đó thương tâm đốt nén nhang.

Tuyết Phan