Chúng tôi có mặt tại ấp 4 xã Binh Hưng (H. Bình Chánh, TP.HCM). Nơi đây, đêm 1/7, 7 căn nhà trong phút chốc đã bị sụp đổ nhận chìm xuống dòng kênh. 9 căn còn lại đang trong tình trạng chờ sập.
Những vết nứt dọc ngang đã làm nhiều nhà trở nên xiêu vẹo. Phía giáp với kênh, phần sau của những căn nhà này, có căn đã bị ụp xuống và chưa biết lúc nào thì chìm hẳn.
Bà Quách Thị Rảnh trở về nhà cũ che lại phần trước để có nơi cư trú |
Bà Quách Thị Rảnh (60 tuổi, chủ nhà số C2/32K) tiếp chúng tôi trong căn nhà hiện
không còn đủ sức chống chọi với mưa nắng. Phần trước, theo bà cho biết mới được
che lại để ở tạm.
Phần sau và nhà bếp trống huơ
trống hoác. Tôn và đòn tay đã được lấy đi chừa lại những bức vách với nhiều vết
nứt khá rộng...
Bà Rảnh nói với chúng tôi, chính quyền yêu cầu ra khỏi nhà vì có nguy cơ sập đe
dọa đến tính mạng.
'Tôi đã ra được hơn 2 tháng nhưng
ban ngày thì lê la ở nhà chòm xóm. Ban đêm phải ngủ nhờ ở các mái hiên. Sống như
vậy hết ngày này qua ngày khác trong khi bệnh tiểu đường hoành hành. Mắt tôi
không còn thấy vì di chứng của căn bệnh này. Ngoài 40kg gạo cứu trợ tôi không
được một khoản tiền nào nên tuần trước phải nhờ người trong xóm lợp lại vài tấm
tôn có nơi trú ngụ. Bao giờ nhà sập hẵng hay...' - bà nói.
Không riêng gì bà Rảnh, những hộ khác cũng không di dời ra khỏi dãy nhà chờ sập.
Người dân nơi đây cho biết, họ là những gia đình lao động nghèo rất khó khăn.
Tìm cho ra một chỗ trọ cho cả gia đình thì ít nhất cũng phải mất 3 – 4 triệu
đồng/tháng.
Nếu phải chi ra số tiền này trong
khoản thu nhập có lẽ bà con không còn cái để ăn. Vì thế, mặc dù chính quyền
nhiều lần yêu cầu họ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng họ vẫn cứ mặc nhiên
chấp nhận rủi ro.
Anh Nguyễn Văn Vân, chủ một trong 7 căn nhà đã bị sập hoàn toàn cho biết, những
hộ có nhà bị sập được xã hổ trợ 9 triệu đồng để thuê nhà trọ trong 3 tháng. Hơn
2 tháng trôi qua không biết rồi sẽ ra sao trong khi chưa có một tin tức gì về kế
hoạch tái định cư hoặc một giải pháp nào giúp bà con trong vùng sạt lở.
Dọc theo thềm của dãy nhà chờ sập,
vết nứt hở ra khá nhiều. Và người dân đành phó mặc tính mạng cho con nước thủy
triều.
Chờ đợi trong âu lo
Tại bờ sông Bà Lào giáp với vàm Rạch Dơi (ấp 4, xã Nhơn Đức, H. Nhà Bè) nơi ngày
28/8, 5 căn nhà đã bị nhấn chìm xuống nước, tình hình cũng không sáng sủa hơn
mặc dù đã có một người chết và hiện nay hàng chục người không có nơi cư trú.
Trước mắt chúng tôi, dấu vết của 5 căn nhà bị nhấn chìm không còn nữa. Bờ sông
tiếp tục bị lấn sâu vào trong hơn 10m so với lúc sự cố mới xảy ra. Những căn nhà
trước kia cách bờ khoảng 5m nay bờ lấn sát tường nhà.
10 căn nhà sát mép nước đang trong tình trạng nứt nẻ có nguy cơ sụp bất cứ lúc nào đã không còn người và tài sản bên trong. Hàng chục nhân khẩu trong 10 căn nhà này đã được chính quyền thuê nhà trọ tạm cư.
Dãy nhà chờ sập vẫn còn người ở |
Chúng tôi cố tìm một hộ đi lánh nạn nhưng không thể, bởi họ đều là người người
lao động nghèo làm bữa nay ăn bữa mai đã rời nhà trọ từ sớm lao vào cuộc mưu
sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Tuất, chủ một khu nhà trọ, sau sự cố chính quyền địa phương
có thuê 5 phòng trong khu nhà trọ của ông cho 5 hộ tạm cư. Số còn lại ở các nhà
trọ khác trong khu phố.
Riêng với ông, do cảm thông nên mặc dù chưa được chi trả đồng nào vẫn để bà con vào ở.
Bà Trần Thị Mai cho biết, 4 trong số 5 căn nhà bị chìm xuống nước là những hộ đến từ quận 4 sau đợt giải tỏa vào năm 2007. Tiền đền bù đủ để mua lại những căn nhà này.
'Đối với
tôi, sau sự cố này chồng chết trong lúc nhà sập, tài sản không còn xem như trắng
tay trở về với trắng tay" - bà Mai nói.
Theo nguyện vọng của người dân nơi đây, hầu hết bà con đều nghèo, cuộc sống rất
khó khăn nên mới tìm chọn những nơi cư trú không an toàn.
Sau khi bờ sông bị sạt kéo 5 căn nhà xuống nước và làm hư hỏng 10 căn khác thì việc bố trí một nơi tái định cư hoặc giải quyết cho mua nhà với hình thức ưu đãi cho những hộ bị nạn là điều rất cần thiết .
Tuy nhiên tất cả đều chỉ là hứa hẹn. Đến nay hơn nửa tháng trôi qua số tiền hỗ trợ để tìm nơi tá túc tạm vẫn chưa được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức thừa nhận có chậm trễ trong việc cấp tiền hổ trợ cho bà con.
Theo bà Oanh, số tiền chậm đến
với bà con do vướng nhiều thủ tục. Tuy nhiên bà đã can thiệp với chủ nhà trọ để
bà con tạm trú và sau đó xã có trách nhiệm thanh toán. Về tái định cư các hộ dân,
bà Oanh cho biết hiện xã và huyện đang bàn để cân nhắc từng trường hợp cụ thể.
Sẽ ưu tiên những người đã cư ngụ lâu năm, có pháp lý đất hợp pháp.
Bà Oanh trăn trở, hiện tại xã đang có 5 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó dọc
theo bờ sông Long Kiển là khu vực nguy hiểm nhất. Xã đã nhiều lần thuyết phục 27
hộ dân nơi đây di dời, nhưng tất cả đều không đồng tình.
Bờ sông Bà Lào - Rạch Dơi bị tiếp tục khoét sâu đe dọa 10 căn nhà sát mép nước. |
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng thừa nhận, ngoài 7 hộ có nhà bị
chìm ở rạch Xóm Củi, số còn lại đều chưa được giải quyết tiền hỗ trợ. Ông nói,
hiện nay đang mùa thủy triều dâng cao, số phận những căn nhà còn lại rất mong
manh không thể đoán trước sẽ sập lúc nào.
Xã đã nhiều lần và sẽ tiếp tục vận động bà con tháo dỡ rời khỏi nơi đây để bảo đảm an toàn. Huyện cũng đã tính đến chuyện sẽ tháo dỡ những căn nhà này nhưng chưa có kinh phí.
Khi hỏi về tương lai của những hộ
dân trong khu vực bị thiên tai, ông Cần cho biết việc này ngoài thẩm quyền của
xã. Tuy nhiên, ông cho rằng, những căn nhà này đều xây dựng trái phép nên việc
bố trí tái định cư rất khó khăn. Xã và huyện cũng đã có kiến nghị lên thành phố
xin giải quyết cho họ được mua nhà thuộc diện người có thu nhập thấp, nhưng đến
nay vẫn chưa có kết quả.
Trong khi đó, theo số liệu của Khu Đường sông TP.HCM, hiện nay trên toàn thành
phố có 50 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 30km rải rác
trong các quận huyện.
Khu đường sông đã có khuyến cáo, chính quyền các địa phương cần sớm tổ chức di dời những hộ dân ra khỏi vùng sạt lở... Nhưng di dời đi đâu, về đâu quả là việc 'tiến thoái lưỡng nan' đối với bà con và là bài toán nan giải cho chính quyền địa phương.
- Trần Chánh Nghĩa