- Chuẩn bị bước qua cái tuổi 83 nhưng vốn là một lão ngư của làng biển nên thoạt nhìn người ta cảm nhận được sự khỏe khoắn, nhanh nhẹn trong con người ông...

Ông là Lương Thẩn, người được coi là kỳ lạ khi tự mình bỏ ra hàng chục triệu đồng để đóng những chiếc ghe buồm truyền thống chỉ để... trưng bày, ngắm nhìn.  

Một thời vào ra trên biển

Đôi mắt đăm chiêu, trầm buồn, ông Thẩn hồi tưởng lại quãng thời gian lênh đênh trên biển bằng ghe Bầu trên chặng đường biển Vào Nam ra Bắc với những kỷ niệm khó quên.  

“Trước đây, mỗi lần nẫu (tôi – P.V) đi chở hàng bằng ghe Bầu mất hàng tháng trời, gặp những lúc gió bão phải neo thuyền tránh bão, khiến cho chuyến đi càng kéo dài ngày thêm. Những chuyến đi vô dài ngày tận trong Ninh Thuận, Vũng Tàu cho đến những nơi xa nhất ở cực Nam tổ quốc là Cà Mau”.

Nhà trưng bày ghe thuyền tại gia của ông Lương Thẩn - Ảnh: Thăng Long

Dưới thời phong kiến, ghe Bầu là loại phương tiện chuyên chở hàng trên biển phổ biến ở khu vực miền Nam Việt Nam.

Nhiều mặt hàng như gạo, mắm muối, cá, vải vóc... được chuyển chở đi bán ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiêu thương lái giàu có sở hữu trong tay 4 đến 5 chiếc.

Sinh ra và lớn lên trong làng Đông Tác, Phường Phú Đông, Thành phố Tuy Hòa, nơi từ lâu đã nổi tiếng với nghề đóng ghe thuyền truyền thống ở Phú Yên.

Từ nhỏ, cuộc sống của ông đã quen với những công việc đóng thuyền, chính vì vậy mà ông cũng không còn nhớ mình biết đóng ghe, thuyền từ khi nào.

Những con mắt ghe bầu - ngư dân tin rằng nó giúp cho thuyền tìm đúng hướng đi, tìm được nhiều luồng cá.

Năm 25 tuổi ông đã bắt đầu đi làm thuê cho các xưởng đóng ghe thuyền nổi tiếng như Long Hương, Xóm Động (Phan Thiết), Cà Ná (Bình Thuận), Nha Trang...

Cho đến năm 35 tuổi, ông trở về làng và tự mở cho mình một xưởng riêng để đóng ghe thuyền theo các đơn đặt hàng của ngư dân trong vùng.

Từ đó cho đến nay đã gần 60 năm trong nghề đóng ghe thuyền, ông đã thuộc nằm lòng mọi chi tiết, cấu kiện trên những chiếc ghe truyền thống của làng mình, từ loại gỗ nào đóng be, gỗ nào đóng đà, diềm, cột buồm... cho đến những sợi dây lèo, lái...

“Nẫu không giỏi vẽ nên không có bản vẽ như những người thợ ngày nay, nhưng chỉ cần cầm đục, cầm chàng lên là tự khắc đóng được liền, nó nằm sẵn ở trong đầu mình mà”, ông Thẩn tâm sự.

Về đặc điểm của ghe bầu, ông Thẩn cho biết: “So với thuyền buồm Trung Hoa cùng thời, ghe Bầu của ta chạy nhanh hơn hẳn, lại có lợi thế chạy được với nhiều luồng gió khác nhau vì các lá buồm có thể xoay trở được theo nhiều hướng”.

Hiện nay, trong làng Đông Tác, những người đi ghe bầu cùng thời với ông người mất, người còn và cũng không còn ai biết nghề và có thể đóng được ghe bầu truyền thống như ông Thẩn.

Đóng tàu chỉ để... ngắm

Không ai trong làng Đông Tác là không biết ông, người dám bỏ hàng chục triệu đồng ra tự mình mua gỗ, nguyên vật liệu về đóng đến 5 chiếc ghe mô hình lớn và 4 chiếc nhỏ được gắn vào trụ xoay vòng mỗi khi có gió chẳng khác lúc căng buồm vượt sóng biển Đông.

Tất cả đều được ông Thẩn dựng hai chiếc rạp che mưa nắng để trưng bày trong nhà và... ngắm chơi.



Ông Lương Thẩn bên chiếc ghe buồm

Hai chiếc ghe Bầu nổi tiếng một thời được ông Thẩn đóng lại theo nguyên bản (kích thước: dài 2,9m, rộng 1m, cao 90cm) hiện sẵn trong trí nhớ của mình. Ông cho biết, cả hai chiếc đều là ghe bầu, nhưng chiếc Lái Ống Xà bát chạy nhanh hơn chiếc Lái Đeo.

Bên cạnh đó, ông còn đóng thêm 2 thuyền buồm của Trung Hoa, từng chở hàng đến buôn bán ở vùng biển Nam trung bộ Việt Nam và mô hình một chiếc ghe cano - hiện nay nhiều ngư dân Phú Yên đang sử dụng cho hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương.

Qua quan sát, chúng tôi tạm tính sơ sơ với 5 mô hình ghe thuyền truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc, ông Thẩn đã phải chi phí lên tới hơn 50 triệu đồng cho tiền nguyên vật liệu, đó là chưa kể tiền công, mà theo ông nói “làm vì đam mê, lúc rảnh rỗi thì làm nên khó mà tính thành tiền.

'Với hai chiếc ghe bầu lái đeo và lái ống xà bát, hiện nay dù nhiều người có tiền cũng không chắc gì đã đóng được" - ông Thẩn nói với vẻ tự hào.

Hai chiếc ghe buồm Trung Hoa do ông Thẩn đóng.

Tuy mang tiếng là ghe mô hình, nhưng đã có lần ông mang chiếc ghe bầu Lái Đeo thả xuống biển, gắn thêm động cơ và chạy được với 2 người điều khiển, nhưng cũng vì sợ trẻ con tò mò kéo ra biển chạy gây nguy hiểm nên hiện giờ máy đã được ông tháo cất đi.

Sống lủi thủi một mình trong căn nhà trống trải, cũng chẳng phải là người giàu có, nhưng tích cóp được đồng nào là ông lại mua sắm gỗ để chuẩn bị cho những “đứa con tinh thần” tiếp theo.

Ước nguyện cuối đời

Bao nhiêu năm làm nghề, ông không nhớ nổi mình đã đóng được bao nhiêu chiếc ghe. Bây giờ ông đã đến tuổi nghỉ ngơi, mọi công việc nhà đều đã có con cháu lo toan, nhưng ông vẫn không thể quên được cái nghề truyền thống mà bao nhiêu năm mình gắn bó.

Mỗi khi chiều xuống, ông lại ra khu xưởng đóng tàu ngoài bờ biển để theo dõi những đám thợ trẻ đang mải mê đóng những chiếc ghe cano đánh bắt cá ngừ đại dương... cho đỡ buồn.

Ông Thẩn đang sửa chữa những chiếc ghe mô hình

Bây giờ ông muốn truyền nghề lại cho con cháu trong nhà và lớp trẻ trong làng nhưng ngặt nỗi, hiện nay ghe Bầu không còn tồn tại và cũng chẳng ai muốn học cái nghề mà biết chắc sẽ không được sử dụng sau khi học.

Ông tâm sự: “Ngày nay ghe bầu và các loại ghe buồm không còn sử dụng nữa, tất cả đều dùng máy móc, hơn nữa bọn trẻ hiện nay cũng không ai quan tâm đến chúng nữa. Đó, tôi có 5 đứa con trai mà chúng chỉ biết đóng ghe cano thôi chứ nói chi đến ghe buồm trước đây”.

Và nỗi buồn đó ông chỉ biết gửi gắm vào những tác phẩm do chính mình tạo ra, nhưng rồi khi ông mất, không biết còn ai trong làng nhắc đến những chiếc ghe Bầu nổi tiếng, góp phần vào sự hinh thịnh của nền kinh tế Việt Nam thời bấy giờ.

Ông Lương Luận, lạch trưởng lạch Đông Tác cho biết, hiện nay trong làng có trên 10 chủ đóng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, tuy nhiên, không còn ai ngoài ông Lương Thẩn biết đóng những chiếc ghe buồm truyền thống của làng mình.

Hiện nay, khi đã bước vào tuổi xế chiều, sống một mình trong căn nhà ba gian rộng rãi, con cháu đều đã lập gia đình ở riêng, niềm vui của ông là được tự tay đóng ghe truyền thống và chiêm ngưỡng hàng ngày.

Trước lúc chúng tôi ra về, lão ngư Thẩn vẫn cố nhắc lại rằng nếu có Bảo tàng nào cần mô hình để trưng bày, giới thiệu cho mọi người biết, ông sẵn sàng chuyển nhượng lại với 'giá cả hữu nghị'.

Điều quan trọng đối với ông là mong muốn hình ảnh một thời quá khứ được lưu giữ lại cho muôn đời.

Và chúng tôi cũng nhận ra rằng, những mô hình ghe thuyền do ông Lương Thẩn đóng ra sẽ vô cùng hữu ích trong một ngày không xa một khi nhà nước thành lập một Bảo tàng văn hóa biển Quốc gia như nhiều học giả hiện nay đang đề cập.

Trong lịch sử, ghe bầu Việt Nam được biết đến là phương tiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu ven biển, buôn bán với Trung Quốc, Thái Lan, Philipin... Không những vậy, theo nhà nghiên cứu Vũ Hữu San, ghe bầu cũng góp phần không nhỏ trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy hải sản, sản vật quý hiếm ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời phong kiến và “chính nhờ loại ghe bầu này mà người dân xứ Quảng có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, đặc biệt là việc tổ chức đội lính Hoàng Sa có thể dùng thuyền ra chiếm cứ và canh phòng đảo cách xa đất liền gần 300 km.


Thăng Long - Thuý Phan